Người dân vẫn đu dây qua sông Pô Kô

Chưa có gì thay đổi so với cách đây hơn 10 ngày, khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc người dân làng Nông Nội, xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phải qua sông Pô Kô bằng hai sợi dây cáp

Sáng 31/5, có mặt tại điểm qua sông Pô Kô bằng dây cáp ở làng Nông Nội, chúng tôi giật mình khi thấy mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi.

Anh Đàm Văn Hải vừa bắt đầu thao tác đầu tiên trước khi qua sông là mắc ròng rọc vào dây cáp vừa cho chúng tôi biết, con gái anh là Trần Thị Sen, 18 tháng tuổi bị sốt 2 hôm nay không khỏi nên phải đưa cháu lên huyện khám bệnh.

Bà Loan, bà ngoại cháu Sen vừa ẵm cháu vừa ái ngại nhìn xuống dòng Pô Kô ngầu đỏ. Cuối cùng sau một hồi bàn tính, cháu bé được trao cho ông nội Đàm Văn Thành đu dây cáp bế cháu qua sông. Đưa cháu qua bờ an toàn, trở lại bờ bên này, qua câu chuyện ông kể, chúng tôi được biết chính ông đã 2 lần bị đứt cáp, vỡ ròng rọc rơi xuống sông. Ông Thành nhớ lại: “Lúc rơi xuống tôi cảm nhận được mình đã chạm tận đáy sông. Lúc lên tức ngực lắm”.

Người dẫn Pô Kô không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh "làm xiếc" qua sông (ảnh Bee

Cũng theo ông Thành, thì bà con ở đây rơi xuống sông Pô Kô 2-3 lần như ông là chuyện thường ngày. “Nặng nhất là 2 bố con A Phin - Phó công an xã Đắc Ang phải đưa vào viện cấp cứu”, ông Thành cho biết thêm.

Trước năm 2009, trên sông Pô Kô, đoạn chảy qua 2 xã Đắc Ang và Đắc Nông, từ nguồn vốn Chương trình 135 và của địa phương, 9 cây cầu treo đã được xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Tuy nhiên, cơn bão số 9 năm ngoái đã phá hủy toàn bộ.

Trước tình hình này, do chưa có nguồn vốn bắc lại cầu, huyện Ngọc Hồi đã hỗ trợ kinh phí cho nhân dân xã Đắc Ang làm 5 cầu và 1 cầu treo tạm để qua lại. Do thiếu kinh phí, 2 cầu treo khu vực xã Đắc Nông qua tiểu khu 154 chưa được khắc phục nên người dân dùng dây cáp đu qua sông.

Thực tế thì bên kia sông Pô Kô không có làng nào cả. Mấy chục hộ dân ở xã Đắc Ang và thị trấn Plei Kần tự ý sang tiểu khu 154 sản xuất rồi bắt đầu từ năm 2003 tự động làm nhà ở lại. Bà con ở rải rác dọc bờ sông nên rất khó cho việc quản lý của chính quyền địa phương.

Chủ tịch xã Đắc Nông, Xiêng Thanh Tí phân trần: Nếu dân cứ tự ý đi như thế rồi chính quyền địa phương lại bị nêu trách nhiệm không quan tâm tới dân, không đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân thì cũng chưa thỏa đáng lắm. Nhưng nếu cứ để dân đi lại như thế này cũng không thể được.

Sau khi có thông tin trên báo chí, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra và phát hiện thêm trên dòng Pô Kô đoạn chảy qua huyện không chỉ một mà có tới 3 điểm khác người dân cũng dùng hình thức qua sông bằng dây cáp và ròng rọc. Trong đó tại xã Đắc Nông có 3 điểm ở các làng: Kà Nhảy, Nông Nội, Cả Nội 2 và một điểm tại thôn 7, thị trấn Plei Kần.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ngày 31/5, Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi có văn bản chính thức triển khai một số biện pháp trước mắt, như: khuyến cáo không để người già, trẻ em, học sinh qua sông bằng dây cáp; trong thời gian chờ đợi làm cầu tạm đề nghị các hộ dân qua sông phải chú ý an toàn, không được chở vật nặng kèm theo người; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão- giảm nhẹ thiên tai huyện cấp áo phao cho các hộ dân qua lại sông Pô Kô bằng cáp treo, đồng thời thường xuyên kiểm tra độ an toàn… Về lâu dài triển khai xây dựng 3 cầu treo tạm, 3 cầu treo kiến cố; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiến độ đầu tư 2 cầu vĩnh cửu qua sông Pô Kô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên