Kết luận điều tra tại tòa nhà Keangnam

Nhà thầu còn nhiều vi phạm về an toàn lao động

Với những hành vi vi phạm an toàn lao động của 15 nhà thầu tại công trình tòa nhà Keangnam, đoàn thanh tra đã xử phạt với tổng số tiền là 235 triệu đồng.

Từ tháng 7/2009 tới tháng 2/2010, tại công trình xây dựng tòa nhà Keangnam liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 6 người chết và 3 người bị thương. Thành phố Hà Nội quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện tổng kiểm tra lại toàn bộ vấn đề an toàn lao động của các nhà thầu đang thi công tại tòa nhà này.

Đoàn thanh tra cho biết hiện nhà thầu chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn Keangnam Enterpries Hàn Quốc, đơn vị tư vấn giám sát là Viện khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam, 24 nhà thầu phụ có hợp đồng kinh tế trực tiếp với nhà thầu chính và khoảng 50 nhà thầu khác, ký hợp đồng thi công, cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ khác với các nhà thầu phụ cùng khoảng 3.500 người đang lao động tại công trình trong đó có 198 người nước ngoài, chủ yếu là người Hàn Quốc còn lại là lao động Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra cho biết: Sau 1 tháng thanh tra Keangnam, đoàn thanh tra đã đưa ra kết luận, chỉ ra được trách nhiệm của các bên trong vấn đề đảm bảo an toàn lao động có trách nhiệm của thầu chính, có trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát và 24 nhà thầu phụ và 50 nhà thầu con. Tòa nhà Keangnam là công trình có quy mô tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, đoàn thanh tra cũng chỉ ra được những nguy cơ tai nạn lao động tại ngay các vị trí thi công cũng như các khâu về tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động nói chung theo quy định về an toàn của luật lao động cũng như Luật Xây dựng.

Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ những sai phạm cụ thể như sau: Về phía nhà thầu chính là Công ty trách nhiệm hữu hạn Keangnam Enterpries (Hàn Quốc) chưa tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn lao động như không lập và phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn chung cho công trình, thiếu phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát để kiểm soát an toàn lao động. Bộ máy chuyên trách an toàn của nhà thầu chính chưa đủ để giám sát 25 đầu công việc, không kiểm soát được chất lượng lao động.

Nhà thầu chính không thực hiện báo cáo định kỳ về tai nạn lao động cho cơ quan chức năng. Những cán bộ được cử giám sát công trình chưa có đủ chứng chỉ hành nghề, chưa kịp thời phát hiện một số thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không có phiếu kết quả kiểm định.

Qua kiểm tra có tới 12/42 thiết bị thi công chưa có phiếu kết quả kiểm định. Cán bộ tư vấn giám sát thiếu kiểm tra yêu cầu các nhà thầu trang bị đủ phương tiện bảo vệ cho người lao động. Đa số các nhà thầu không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho lao động.

Các nhà thầu phụ có chưa báo cáo định kỳ tai nạn lao động với sở lao động thương binh xã hội, không lập sổ thống kê tai nạn lao động. Quy trình xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa được thực hiện theo đúng quy định.

Với những hành vi vi phạm an toàn lao động của 15 nhà thầu tại công trình tòa nhà Keangnam, đoàn thanh tra đã xử phạt với tổng số tiền là 235 triệu đồng.

Đoàn thanh tra cũng kết luận, hiện các nhà thầu phụ chủ yếu sử dụng lao động chưa có tay nghề nên người lao động hạn chế về trình độ, kinh nghiệm vì vậy khả năng thích nghi của lao động Việt Nam với điều kiện tổ chức thi công công trình do người nước ngoài quản lý và điều hành cũng kém do bất đồng về ngôn ngữ. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn gây các tai nạn lao động tại công trình này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên