Những phụ nữ mưu sinh tại chợ Long Biên

(VOV) -Họ phải làm đủ các công việc nặng nhọc bất kể ngày đêm với muôn vàn khó khăn, thách thức…

Vất vả cuộc sống mưu sinh

1 giờ sáng, tôi có mặt ở chợ đầu mối Long Biên thì đã thấy tấp nập dòng người khuân vác từ các xe tải chở hàng về đây để chuyển vào chợ, chờ khách đến lấy. Tại chợ chủ yếu là những người bốc vác, gánh hàng thuê cho các chủ xe và những người lao động từ các chợ khác trong thành phố đến. Mọi người thường cho rằng những việc nặng nhọc là của đàn ông “sức dài vai rộng”, nhưng ở chợ đầu mối Long Biên, làm việc này chủ yếu lại là phụ nữ.

Họ từ nhiều vùng quê khác nhau như: Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương… nhưng họ đều có cuộc sống vô cùng khó khăn, ai cũng cố gắng bám vào chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội này để mưu sinh. Họ sẵn sàng làm mọi việc như bốc hàng, kéo xe, gánh hàng thuê… miễn sao có  tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và lo được cho gia đình ở quê.

Làm việc vất vả như vậy, nhưng việc ăn uống, chi tiêu của họ lại hết sức tằn tiện. Chỗ ở chật hẹp trong những nhà trọ tạm bợ và ẩm thấp.

Nhọc nhằn những gánh hàng trong đêm

Chị Hà ở xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc, Nam Định (38 tuổi) làm nghề gách hàng thuê ở chợ chia sẻ: “Làm nghề này bất chấp thời tiết, chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật mới đành nghỉ. Tôi làm 1 ngày 8 tiếng (từ 20h đến 4h), về nhà trọ tắm rửa, ăn sáng rồi đi ngủ. Đến khoảng 4-5 giờ chiều lại dậy ăn tối rồi đi làm tiếp. Ngày 2 bữa cơm, 10.000-15.000 đồng 1 suất. Tôi cùng 6 người nữa thuê trọ ở Phúc Tân. Phòng rộng 12m2, tiền nhà 300.000 đồng/tháng. Nếu đóng theo ngày thì 12.000 đồng/ngày. Tôi và mấy chị đóng tiền thuê trọ theo ngày vì tính ra đóng như vậy tiết kiệm hơn những ngày về quê không phải lo tiền nhà….”

Nhìn khuôn mặt chị Hà có lẽ không ai nghĩ đó là một phụ nữ 38 tuổi. Chị phải lo toan quá nhiều cho cuộc sống gia đình. Với số tiền kiếm được hàng tháng, chị phải nuôi ba người con đang tuổi ăn, tuổi học. Con gái lớn của chị học lớp 9, hai con trai học lớp 5 và lớp 3. Tính bình quân, một ngày chị Hà làm ra 150.000 đồng nhưng một tay chị phải lo cho cuộc sống của cả gia đình, từ tiền ăn học của con đến điện nước, ma chay, cưới xin, rồi lúc đau ốm...

Chị cũng lo mình bị bệnh, thì gia đình sẽ ra sao đây. Chị nói: “Làm ngày nào biết ngày đấy thôi, chứ ở đây thì không sợ thiếu việc quan trọng là có sức mà làm không. Hầu hết ai làm ở đây sau này đều bị lao lực, cột sống, xương khớp”.

Một người giấu tên ở Hưng Yên tiếp lời: “Tôi làm thuê ở chợ Long Biên đã hơn chục năm rồi. Nhà thì nghèo mà ở quê giờ này không có việc gì làm nên đến đây kiếm thêm đồng ra đồng vào. Hàng ngày, tôi làm từ 21h-4h sáng, cũng vất vả lắm. Kiếm được đồng tiền không phải dễ, làm ở chợ này phải khỏe, chứ yếu thì không làm được”.

“Thu nhập của tôi từ công việc kéo xe hàng ngày bình quân cũng được chừng 100.000-200.000 đồng. Tôi cố gắng ăn tiêu tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình. Mỗi bữa tôi chỉ tiêu mất 13.000 đồng tiền ăn, gạo mang ở quê lên. Mỗi ngày tiêu 12.000 đồng tiền nhà nữa”.

Với những người phụ nữ này, một tháng nếu không ốm đau thì có thể gửi về cho gia đình khoảng hơn 4 triệu.

Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi trong đêm lạnh, những đã gánh hàng nặng trĩu đã lấy đi sức khỏe, tuổi trẻ của họ, nhưng trong họ luôn luôn có niềm tin, ước mơ vào một tương lai tốt đẹp…

Đối mặt với những công việc vất vả, hiểm nguy...

Hy vọng vào tương lai các con

Khi nhắc đến gia đình, chị Trần Thị An (Ân Thi, Hưng Yên) vui vẻ cho biết: “Nhà tôi có 3 con, giờ hai đứa đi làm rồi, còn một đứa thì đang học đại học ở Hà Nội. Cũng may là có cái nghề này để kiếm tiền lo cho các con. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn lắm, hồi trước phải lo cho 3 con, nhiều lúc tôi sợ không đủ sức”.

Chị Hà (Nam Định) cũng chia sẻ: “Người ta có thì cho con mười, dù nghèo thì mình cũng phải cho con sáu bảy. Tôi cũng chỉ biết cố gắng lo cho con mình bằng bạn bằng bè. Giờ tôi đi làm xa như vậy, nhưng 3 con ở nhà cũng ngoan, chịu khó học hành. Dù thế, 20 ngày tôi lại về thăm các con. Mong chúng nó học hành tử tế cho sau này đỡ khổ”.

Hy vọng các em có thể hiểu được những tâm sự, trăn trở của cha mẹ để cố gắng học hành không phụ lòng những người bán mồ hôi vì tương lai của mình./.                                                       

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trằn trọc bám biển mưu sinh
Trằn trọc bám biển mưu sinh

Ở xã Tam Tiến (Quảng Nam), “đi biển” đã ngấm sâu trong máu thịt, trở thành “cái nghiệp” của người dân nơi đây, có gia đình đến 4 thế hệ đều “đi biển”

Trằn trọc bám biển mưu sinh

Trằn trọc bám biển mưu sinh

Ở xã Tam Tiến (Quảng Nam), “đi biển” đã ngấm sâu trong máu thịt, trở thành “cái nghiệp” của người dân nơi đây, có gia đình đến 4 thế hệ đều “đi biển”

Nghề mưu sinh nhọc nhằn trong... miệng núi lửa
Nghề mưu sinh nhọc nhằn trong... miệng núi lửa

(VOV) - Với trang bị bảo hộ thô sơ, thợ mỏ Indonesia đang hàng ngày làm công việc đầy nguy hiểm là khai thác lưu huỳnh trong miệng núi lửa.

Nghề mưu sinh nhọc nhằn trong... miệng núi lửa

Nghề mưu sinh nhọc nhằn trong... miệng núi lửa

(VOV) - Với trang bị bảo hộ thô sơ, thợ mỏ Indonesia đang hàng ngày làm công việc đầy nguy hiểm là khai thác lưu huỳnh trong miệng núi lửa.