Đến Suối Giàng thưởng trà cổ thụ trên đỉnh mờ sương

VOV.VN - Tìm đến non cao Suối Giàng ở miền Tây Yên Bái để được chạm tay vào mây trắng, chìm đắm, phiêu du trong bảng lảng sương trời và có những đêm tiệc trà ở nơi được mệnh danh là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” chắc chắn là một trong những trải nghiệm tuyệt diệu nhất.

Suối Giàng là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, ở độ cao khoảng 1.300 đến 1.400 m so với mực nước biển. Quanh năm được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp mây trời; cộng thêm không khí luôn trong lành và mát mẻ, khiến nơi đây trở thành địa điểm rất được du khách yêu thích. Giống như Tam Đảo hay Sa Pa, trong ngày đẹp trời, người ta có thể cảm nhận được đủ bốn mùa trong năm.

Vùng chè Shan Tuyết của xã trải rộng trên diện tích khoảng gần 400 ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là gần 300 ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II và Suối Lóp… Hơn 4 vạn cây trong số đó có tuổi đời từ trên 100 đến trên 300 năm. Có cây thân to hai, ba người ôm mới xuể, màu trắng mốc, tán cây rộng như gian nhà của đồng bào Mông, lá màu xanh đậm. Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên cây chè ở đây búp rất to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết, nên có tên là Shan Tuyết (tức là chè được ngậm tuyết trên núi cao).

Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp “đầu bảng” các loại chè. Người dân địa phương vẫn bảo đây là loại chè “5 cực”: “cực khổ” khi trồng và thu hái; “cực sạch” vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” với đủ các phẩm chất cao nhất mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh. Với những lý do trên thì đương nhiên, chè Suối Giàng được nhiều người coi là “cực đắt”, từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng 1 kg.

Một năm, chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ. Khi đến mùa thu hái, những phụ nữ người Mông thường trèo hẳn lên những cây chè cổ thụ để hái búp, thay vì đứng dưới đất thu hái như những vùng chè khác. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy mà người dân nơi đây luôn nhẹ nhàng tay hái để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên búp. 

Chị Giàng Mai, một người dân địa phương tiết lộ khi sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh: "Khi sao chè phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong chảo để ước lượng nhiệt độ, giữ lửa phải liu riu vừa phải, vò chè phải khéo léo sao cho chè không bị nát, giữ được hương chè của chè và lớp tuyết trắng bám ở búp chè…".

Vài năm gần đây, xã Suối Giàng đã đưa những đêm tiệc trà trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn. Tại những đêm tiệc trà ấy, du khách gần xa được thưởng thức các loại trà Shan Tuyết do nhân dân các thôn, bản và hợp tác xã trên địa bàn sản xuất, đồng thời, được giao lưu văn hóa, văn nghệ với đồng bào Mông.

Tiệc trà trong không gian văn hóa trà Suối Giàng trải rộng hơn 7.000 m2 vốn thu hút du khách, ngày xuân lại càng đông hơn; thường bắt đầu bên bếp lửa bập bùng sưởi ấm không gian se lạnh, khi sương trắng bồng bềnh tan dần trên đỉnh núi, màn đêm dần buông.

Tới Suối Giàng du khách có thể gặp gỡ Như Quỳnh - cô gái mới ngoài 20 tuổi song đã rất ra dáng một trà nương đích thực, vừa bày tiệc đón khách vừa đi vào chi tiết, đặc điểm của từng loại trà. Đêm cứ thế trôi đi nhanh chóng trong vị trà ngon khi đăng đắng, lúc ngọt dịu mãi nơi đầu lưỡi không tan; bên những câu chuyện dài như vô tận xoay quanh thứ chè đặc sản, từ khâu chế biến cho đến các bước để pha trà ngon, cũng như văn hóa thưởng trà nơi non cao.

"Nhiệt độ nước rất là quan trọng, nếu pha trà mà nhiệt độ nóng quá thì cũng làm cho trà biến thành những chất khác không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy nên dùng nhiệt độ vừa phải để thưởng thức được đúng vị của trà và tốt cho sức khỏe" - Như Quỳnh vừa nói vừa tỉ mỉ từng động tác, đến mức người ta cứ nghĩ thiếu nữ này đã có trải nghiệm trà trong vài chục năm qua.

Trà Suối Giàng uống ngon là do nơi đây có một nguồn nước đặc biệt, chảy từ rừng nguyên sinh Tập Lăng xuống các thôn, bản. Nguồn nước này dùng pha trà giúp trà giữ được hương vị rất lâu. Trà để pha là những búp trà ngậm sương được tinh chọn “một tôm, hai lá” non tươi mơn mởn được hái từ những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hút dưỡng chất từ đất, chắt lọc tinh túy của trời.

Cũng là trà, nhưng đến Suối Giàng thấy thật lạ và thú vị khó tả! Khi nhấp một ngụm trà nóng, lập tức cảm nhận được vị thơm, vị chát nhẹ lướt nhanh qua miệng, đủ kích thích để nhấp thêm một ngụm nhỏ nữa, từ đây sẽ là vị ngọt thanh nhẹ, dậy lên nơi cuối vòm họng, giữ mãi không tan… Tay mân mê tách trà nóng, tỉ tê cùng đôi ba người bạn mới quen cùng sở thích uống trà mới thấy thật thư thái.

Ngấm vị trà cũng là lúc người pha “bật mí” cho du khách kinh nghiệm pha trà ngon qua đủ 3 lần nước, là đánh thức trà, hãm trà và thưởng trà; rồi lại “khoe” nét đặc biệt của trà Suối Giàng là có thể pha được 10 - 15 lần nước trong một lần trà mà không bị nhạt vị. Du khách cũng được thực hành phong cách dùng trà “tam long giá ngọc”, tức ba ngón tay chụm lại để nâng ly trà, khi đưa lên môi thì quay cổ tay ra che miệng thật ý nhị…

Dù rất bận rộn nhưng ông Đặng Thái Sơn, quản lý không gian văn hóa trà Suối Giàng, vẫn cố gắng dành hàng giờ để giải thích từng loại chè nơi đây với khách phương xa. Theo ông, trà ngon có 4 loại, đều có nguồn gốc từ những cây chè hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng, với phương thức sao tay kì công của các nghệ nhân mà tạo nên, đặc biệt cao cấp, thỏa mãn những trà nhân khó tính nhất, gồm: Hồng trà, Bạch trà, Diệp trà, Hoàng trà (hay còn gọi là trà vàng). 

"Những loại trà như vậy phù hợp cho tất cả mọi người, ai cũng uống được. Với đa phần nam giới thì mọi người thích uống loại trà sao hơn; còn với chị em phụ nữ thì thích các loại trà lên men, vì qua quá trình lên men thì vị chát và chất gây mất ngủ đã chuyển hóa và hầu như không gây mất ngủ nữa, lại rất tốt cho da. Người già thì lại thích uống bạch trà hơn..." - ông Đặng Thái Sơn phân tích.

Mùa Xuân, trên đỉnh mờ sương Suối Giàng giá rét hơn thường lệ. Cầm tách trà nóng ủ ấm đôi bàn tay, giữa bập bùng bếp lửa chính giữa căn nhà người Mông truyền thống, nhấp một ngụm trà Shan Tuyết cổ thụ có một không hai, đôi khi lại tưởng như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngày Tết, đến Tân Cương thưởng thức trà xuân
Ngày Tết, đến Tân Cương thưởng thức trà xuân

VOV.VN - Với người Tân Cương, dịp Tết không thiếu ấm trà xuân. Uống chén nước trà là khởi đầu cho những câu chuyện đàm đạo và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.

Ngày Tết, đến Tân Cương thưởng thức trà xuân

Ngày Tết, đến Tân Cương thưởng thức trà xuân

VOV.VN - Với người Tân Cương, dịp Tết không thiếu ấm trà xuân. Uống chén nước trà là khởi đầu cho những câu chuyện đàm đạo và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.

Nét văn hóa trà tại Thái Nguyên
Nét văn hóa trà tại Thái Nguyên

VOV.VN - Nhắc đến Thái Nguyên là nói đến cây chè và văn hóa trà, với các vùng chè nổi tiếng cả nước như Tân Cương, La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Khe Cốc, Tức Tranh (Phú Lương)… Văn hoá làng nghề chè đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu ở Thái Nguyên.

Nét văn hóa trà tại Thái Nguyên

Nét văn hóa trà tại Thái Nguyên

VOV.VN - Nhắc đến Thái Nguyên là nói đến cây chè và văn hóa trà, với các vùng chè nổi tiếng cả nước như Tân Cương, La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Khe Cốc, Tức Tranh (Phú Lương)… Văn hoá làng nghề chè đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu ở Thái Nguyên.

Khai mạc Hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ 2020
Khai mạc Hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ 2020

VOV.VN - Tối 26/12, hàng nghìn người dân và du khách đã cùng hòa vào không gian văn hóa đặc sắc của Lễ khai mạc Hội Trà hoa vàng lần thứ III năm 2020...

Khai mạc Hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ 2020

Khai mạc Hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ 2020

VOV.VN - Tối 26/12, hàng nghìn người dân và du khách đã cùng hòa vào không gian văn hóa đặc sắc của Lễ khai mạc Hội Trà hoa vàng lần thứ III năm 2020...

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa tớ dày ở Mù Cang Chải
Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa tớ dày ở Mù Cang Chải

VOV.VN - Hoa Tớ dày là một loài hoa đào rừng gắn liền với đời sống của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Chỉ nở vào mùa đông lạnh giá, những triền hoa tớ dày rực rỡ khoe sắc trên rẻo cao dệt nên bức tranh vô cùng huyền ảo.

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa tớ dày ở Mù Cang Chải

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa tớ dày ở Mù Cang Chải

VOV.VN - Hoa Tớ dày là một loài hoa đào rừng gắn liền với đời sống của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Chỉ nở vào mùa đông lạnh giá, những triền hoa tớ dày rực rỡ khoe sắc trên rẻo cao dệt nên bức tranh vô cùng huyền ảo.