Các công ty du lịch Trung Quốc chui lũng đoạn ở Quảng Ninh: Vì đâu?

VOV.VN - "Các công ty du lịch chui Trung Quốc đang núp bóng công ty Việt Nam, khống chế thị trường Việt Nam, thu hết lợi nhuận...".

Với số lượng lớn khách Trung Quốc đã và đang đến Quảng Ninh hàng ngày, đòi hỏi đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch tại đây phải có đủ cả số lượng và đáp ứng tốt về chuyên môn, chất lượng. Thế nhưng càng đi theo chân đội ngũ HDV này, phóng viên lại càng “khám phá” ra nhiều điều, không chỉ đơn thuần là chuyên môn nghiệp vụ.

Kiểm tra thẻ HDV của một đoàn khách quốc tế.

Trong số gần 400 HDV sử dụng tiếng Trung thì Quảng Ninh chiếm khoảng ba phần tư. Có những HDV đã có thâm niên hơn chục năm với thị trường khách Trung Quốc, từng trăn trở và lăn lộn với nghề nên họ quá “rành” những chiêu trò “moi tiền” khách.

Một trong những biện pháp được tất cả các HDV thực hiện là tích cực thu phí “cắt cổ” khi du khách đi thăm quan tại các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Đơn cử như việc khi thăm quan đảo Titop, theo quy định, mỗi du khách phải mua vé với giá 50.000 đồng. Nhưng HDV Việt Nam thường thu gấp 20 lần so với giá quy định tức khoảng 1.000.000 đồng tiền Việt Nam (300 tệ/người).

Nếu du khách đi xuồng vào hang Luồn, hang Mê Cung sẽ phải nộp cho HDV thêm 1.200.000 đồng, Trong khi đó, chi phí theo quy định của BQL Vịnh Hạ Long tất cả chỉ hết 150.000 đồng.

Bị áp lực bởi số tiền đầu khách ngay từ khi nhận tour, nên HDV phải căng mình thuyết phục du khách vào các cảnh điểm trên Vịnh. Nếu chưa đủ bù lỗ hay có lãi, khách du lịch Trung Quốc tiếp tục được đưa vào các điểm bán hàng chủ yếu do người Trung Quốc mở ra tại khu vực Hạ Long và Móng Cái.

Hiện tại, khách du lịch Trung Quốc thường được đưa vào ăn ở nhà hàng Phong Tiến ngoài Móng Cái, về đến Hạ Long thì mua sắm tại Ngôi nhà hạnh phúc, Tâm Phúc, mua ngọc trai tại chợ đêm Bãi Cháy, khách sạn Hải Yến, chợ Vườn Đào…

Mặt hàng nệm cao su non bán cho khách Trung Quốc.

Điều đáng nói là những cửa hàng này đều có góp vốn hoặc thuộc sở hữu của người Trung Quốc, nhưng đứng tên kinh doanh điểm là người Việt Nam. Những sản phẩm được bày bán chủ yếu là nệm, gối cao su non, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các mặt hàng tiêu dùng. Đây hoàn toàn là những điểm bán hàng đã được móc nối và ăn chia phần trăm cho các HDV.

Một HDV lâu năm trong nghề chia sẻ tỷ lệ ăn chia phần trăm như sau: Cửa hàng trích ra 45-50% từ  tổng doanh thu của đoàn khách, trong đó 25% cho phía công ty du lịch Trung Quốc. Theo các HDV, số tiền này được chuyển khoản trực tiếp cho các chủ tour bên Trung Quốc hoặc chuyển thông qua HDV Trung Quốc cầm về.  20-25% còn lại sẽ chi cho lái xe từ 3-5%, khoản tiền còn lại chia đều cho cho HDV Việt Nam và HDV Trung Quốc.

Với tỷ lệ này, nguồn lợi dồn hết về phía lữ hành Trung Quốc. Và để đảm bảo được nguồn lợi kinh doanh của mình, các cửa hàng lại cạnh tranh nhau bằng nhiều hình thức.

Một đoàn khách Trung Quốc không có HDV Việt Nam.

Một vấn đề nữa là hiện nay, nhiều HDV Việt Nam bị các đồng nghiệp Trung Quốc lấn sân và tranh mất việc. Tất cả đều vì lợi nhuận. Ban đầu, những HDV này sang đây với tư cách làm trưởng đoàn, sau rồi khi đã quen với cách “moi tiền khách” của HDV Việt Nam, họ sẽ “lấn sân và cướp sân” luôn.

Lại Văn Toàn, một hướng dẫn viên Việt Nam lâu năm quan ngại: “Chúng tôi vô cùng lo lắng. Các công ty du lịch chui Trung Quốc núp bóng công ty Việt Nam, khống chế thị trường Việt Nam, thu hết lợi nhuận. Nguy hiểm hơn họ có xu thế đưa người Trung Quốc sang dẫn đoàn tại Việt Nam. Họ thuê những người Việt Nam mình làm thẻ giả, hoặc đang làm du lịch tiếng khác giúp họ. Những người nước ngoài giới thiệu về Việt Nam có thể bóp méo lịch sử văn hóa nước mình. Nguy hiểm hơn, họ nói về biên giới, hải đảo có thể sai lệch”.

Phóng viên đã đến các điểm mua bán mà khách du lịch Trung Quốc thường lui tới tại Móng Cái và Hạ Long ghi nhận được rằng, tình trạng không có HDV Việt Nam dẫn đoàn tương đối phổ biến.

Ngày 2/7, công ty du lịch Hữu Nghị ở Lào Cai đưa khách đến Ngôi nhà hạnh phúc nhưng không có hướng dẫn Việt Nam. Ngày 3/7, tại khu mua sắm Tân Sinh Thế cũng có đoàn du lịch từ Lạng Sơn chỉ có HDV Trung Quốc.

Chiều 4/7, xe mang biển số 29B-13323 đến mua sắm tại Cửa hàng Ngọc trai (Bãi Cháy) cũng chỉ có HDV Trung Quốc dẫn đoàn ra. Cũng trong ngày hôm đó, xe có biển số 14B-01081 chở khách của Công ty du lịch NTT biết có phóng viên chụp ảnh đã chạy xe không và hẹn đón khách cách đó khoảng 500m.

Ngày 9/7, có 3 đoàn khách của công ty du lịch Thắng Lợi đưa khách ra Tuần Châu nhưng cũng không có HDV Việt Nam, thậm chí đội ngũ “sitting guide” (HDV tại chỗ) cũng không mang thẻ.

Nguy hại hơn, khách du lịch hoàn toàn bị hiểu sai về văn hóa, chính trị và cảnh quan của Việt Nam qua lời giới thiệu của HDV Trung Quốc.

Qua lời giới thiệu của HDV Trung Quốc, đảo Titop của Việt Nam đã được đổi tên thành đảo Thiên Đường. Điều này là sai sự thật. Nhiều HDV Trung Quốc còn giới thiệu rằng, tên Bãi Cháy giờ đây đã được thay bằng Ngọc Trai. Họ còn xuyên tạc rằng, chỉ cần có 5000 tệ, đàn ông Trung Quốc cứ sang đây lấy bất kỳ cô gái Việt Nam nào làm vợ cũng được (?!)

Thậm chí, nhiều HDV Trung Quốc còn tác động với công ty lữ hành bên Trung Quốc để bắt công ty lữ hành Việt Nam buộc phải cho HDV Trung Quốc được hành nghề trên đất Việt Nam. Cuộc trao đổi của giám đốc công ty lữ hành Mạnh Long, Việt Nam dưới đây chắc chắn khiến nhiều người không khỏi giật mình: “Em không cho HDV mình làm. Khách Quảng Đông là khách đoàn nên HDV bên kia họ đi từ bên kia, họ tự xây dựng chương trình, tự thu tiền, nên sang đây mình phải cho họ đi bán cảnh điểm chứ. Em không cho HDV mình bán cảnh điểm vì bên kia không muốn thế. HDV Trung Quốc bán cảnh điểm thì tiền Landing của mình nó sẽ trả cao. Em thấy chẳng có gì sai cả, em làm cả năm nay rồi”.

Khách Trung Quốc tham quan điểm mua hàng ở Hạ Long.

Rõ ràng vị giám đốc này đã không nắm rõ: Điều 73 Luật du lịch năm 2005 có quy định hướng dẫn viên du lịch (bao gồm cả hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế) đều phải đáp ứng điều kiện đầu tiên là có quốc tịch Việt Nam, do đó, người nước ngoài không thể làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.

Đối với người nước ngoài, thực hiện việc hướng dẫn du lịch ở Việt Nam sẽ căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 6 điều 44 nghị định số 158/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính, mức phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng. Đối với công ty kinh doanh lữ hành sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam, căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 4 điều 42 nghị định 158/2013/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng.

Quy định xử phạt là có, nhưng các công ty vẫn “lờ” đi và cho HDV Trung Quốc làm “chui”. Vậy làm thế nào ngăn chặn được tình trạng này? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc “tung hoành” ở Đà Nẵng
Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc “tung hoành” ở Đà Nẵng

VOV.VN -Tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc "hành nghề" tại Đà Nẵng thời gian qua đang khiến nhiều người làm du lịch bức xúc

Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc “tung hoành” ở Đà Nẵng

Hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc “tung hoành” ở Đà Nẵng

VOV.VN -Tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc "hành nghề" tại Đà Nẵng thời gian qua đang khiến nhiều người làm du lịch bức xúc

Đà Nẵng xử phạt 6 người Trung Quốc hành nghề du lịch “chui”
Đà Nẵng xử phạt 6 người Trung Quốc hành nghề du lịch “chui”

VOV.VN - UBND TP Đà Nẵng xử phạt tổng cộng hơn 120 triệu đồng đối với 6 người Trung Quốc hành nghề du lịch trên địa bàn khi chưa được cấp phép. 

Đà Nẵng xử phạt 6 người Trung Quốc hành nghề du lịch “chui”

Đà Nẵng xử phạt 6 người Trung Quốc hành nghề du lịch “chui”

VOV.VN - UBND TP Đà Nẵng xử phạt tổng cộng hơn 120 triệu đồng đối với 6 người Trung Quốc hành nghề du lịch trên địa bàn khi chưa được cấp phép. 

Đà Nẵng sẽ có đội liên ngành xử lý du lịch “chui“?
Đà Nẵng sẽ có đội liên ngành xử lý du lịch “chui“?

VOV.VN -Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đề nghị, Đà Nẵng thành lập đội liên ngành quản lý du lịch. Kiên quyết xử lý đối tượng hoạt động chui, cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Đà Nẵng sẽ có đội liên ngành xử lý du lịch “chui“?

Đà Nẵng sẽ có đội liên ngành xử lý du lịch “chui“?

VOV.VN -Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đề nghị, Đà Nẵng thành lập đội liên ngành quản lý du lịch. Kiên quyết xử lý đối tượng hoạt động chui, cạnh tranh thiếu bình đẳng.