Đi “Khau Vai” mùa Xuân

Chợ tình Khau vai một năm chỉ mở một lần là nơi hò hẹn của những người danh dở tình duyên. “Không thành vợ sẽ thành người yêu/Đón em từ sáng đến chiều Khau Vai”

Cứ đến mùa ngô chín, mùa Xuân mới vừa về thì chợ tình Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lại nhộn nhịp đón hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về.

Réo rắt tiếng gọi tình yêu bên vách đá

Khau Vai nằm trong một thung lũng đẹp, xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây khói. Từ thị xã Hà Giang, đi thêm gần 150 cây số là đến Mèo Vạc, khoảng 30 cây số đường núi nữa là đến Khâu Vai. “Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào / Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai...”, tiếng chàng trai người Mông Chẻo A Sìn vừa cất giọng khàn đục vừa hơ tay trên bếp lửa như níu chân người khách lạ.

Khi màn đêm đến, đêm của những mối duyên tình trắc trở tìm về với nhau bắt đầu bị khuấy động bằng những cảnh ăn uống tưng bừng của du khách mọi miền. Chẻo A Sìn bảo chợ tình Khâu Vai khác xưa nhiều lắm, cảnh mua bán đông đúc, không thiếu thứ gì. Dần dần người ta đi chợ tình để tìm kiếm tình yêu thì ít mà để mua bán là chính.

Lầu Phẻng, một người Giáy đã già lắm rồi khề khà kể chuyện tình yêu ở Khau Vai. Ngày xưa, vùng Khâu Vai có gia đình người nông dân nghèo dân tộc Nùng sinh ra người con trai khôi ngô, giỏi tay cày, tay nỏ, chạy nhanh hơn con nai, con hoẵng. Ai cũng yêu mến chàng và gọi bằng cái tên chàng Ba. Ở nhà tộc trưởng bản người Giáy bên cạnh có cô con gái Út xinh đẹp, có đôi mắt trong như dòng sông Nho Quế vào xuân, đôi môi đỏ như hoa đào, làn da trắng mịn như hoa mận. Nàng có giọng hát rất hay. Khi nàng cất giọng, chim rừng phải ngừng hót, cơn gió phải dừng lại. Nhiều tộc trưởng người Giáy xa gần đều muốn kết duyên nhưng nàng không ưng ai. Trái tim nàng chỉ rạo rực khi nghe tiếng sáo của chàng Ba. Giọng hát của nàng Út và tiếng sáo chàng Ba hòa quyện vào nhau tự khi nào không hay biết. Nhưng gia đình nàng Út chê chàng Ba nghèo lại là người tộc khác, liền đuổi chàng ra khỏi bản. Chính vì vậy mà hiềm khích giữa hai bộ lạc xảy ra. Để tránh đổ máu giữa hai bộ lạc, hai người đau đớn quyết định chia tay và thề nguyền rằng dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm sẽ gặp nhau một lần vào mùa ngô chín. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó, là nơi hẹn hò của những người dang dở tình duyên tìm đến nhau, mỗi năm chỉ họp một phiên… “Không thành vợ sẽ thành người yêu/Đón em từ sáng đến chiều Khau Vai”, giọng Lầu Phẻng ngân nga như lọt thỏm giữa tiếng người qua lại.

Cuộc tìm kiếm của Chẻo A Sìn

Chẻo A Sìn kể lại rằng, chợ ngày trước vẫn còn những bó đuốc khô, những bầu rượu ngô thơm nồng và những đôi dép đen cho người đến chợ tình. Đuốc để soi đường dẫn người vào hẻm núi đã quen. Rượu để làm ấm người khi thung lũng đá vào đêm. Đôi dép để bàn chân tình nhân vượt những mảnh đá tai mèo sắc nhọn.  Mỗi đôi tình nhân tìm cho mình một vách đá, để lại đôi dép ở ngoài. Người lạ soi đuốc thấy hai đôi dép ở đâu, thì tự tìm góc núi khác. Nếu hết đêm mà người yêu không đến, thì có nghĩa người đó đã không còn nhung nhớ... Cũng chính vì lời thề hẹn ấy mà Khau Vai đã khiến cho biết bao người rơi nước mắt khi ánh mặt trời ló dạng trên đỉnh Lũng Pù mà người xưa vẫn khuất dạng. Chẻo A Sìn cũng đã khóc như thế không biết đã mấy phiên chợ họp rồi tan nhưng người con gái của anh đã không một lần đến. Chẻo A Sìn quyết chí sống luôn hẳn ở Khau Vai với nghề bán thắng cố dù nhà anh cách Khau Vai đến hai ngọn núi.   

Khi sương mờ chưa tan trên những mép núi mờ xa, đã thấy tiếng nhạc véo von trên những con đường mòn len lỏi qua vách núi. Các cô gái, chàng trai thậm chí cả người già Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng… trong bộ quần áo mới phẳng phiu, chân quấn xà cạp tinh tươm, đủ màu sắc phục trang của các dân tộc khiến cả phiên chợ cứ rực lên như hoa rừng mùa xuân. Quán xá được dựng khắp thung lũng, san sát nhau, dòng người mỗi lúc một đông. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và uống rượu. Có người say khướt rượu ngô, nằm bên đường, lay gọi mãi chẳng thấy ăn thua gì…

Chẻo A Sìn vẫn ngồi một cách trầm tư, khách vây quanh chảo thắng cố ồn ào. Ánh mắt của hắn vẫn cố nhìn ra xa như tìm kiếm điều gì…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên