Bài 1: Giá xăng dầu, càng điều hành càng rối

Những lúng túng trong việc thực hiện cơ chế điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã dẫn đến “méo mó” thị trường và đến nay chúng ta vẫn chưa có một thị trường xăng dầu theo đúng nghĩa.

Sau một năm vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước (theo quyết định số 79/QĐ-BTC ban hành ngày 16/9/2008), mặt hàng này vẫn bị coi là “độc quyền”, với cơ chế xin - cho, kể cả việc xin giảm giá vẫn phải chờ… cho phép! Nguyên nhân do đâu? Và lời giải nào cho bài toán thị trường xăng dầu ở nước ta?

Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp

Nghị định số 55 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam được ban hành ngày 06/4/2007 đã quyết định đưa mặt hàng xăng theo giá thị trường và kể từ ngày 16/9/2008 là chấm dứt bù lỗ tất cả các mặt hàng dầu - để vận hành kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế giá thị trường theo Quyết định 79 về cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối được căn cứ vào giá nhập khẩu, thuế, phí, lợi nhuận để tính toán mức giá cụ thể đến tay người tiêu dùng. Và, kể từ đây, diễn biến giá xăng dầu trong nước sẽ tuân theo diễn biến chung của thế giới, chấm dứt bù lỗ. Việc can thiệp của Nhà nước sẽ hạn chế trong một số trường hợp cụ thể, cấp bách.

Thế nhưng, đến nay các doanh nghiệp vẫn không có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản đã quy định.

Có thể thấy, mặc dù đã xác định mục tiêu phải thị trường hóa mặt hàng xăng dầu, và nỗ lực ban hành những cơ chế vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, song cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một thị trường xăng dầu một cách đầy đủ. Ông Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính trong một cuộc họp báo về điều hành xăng dầu (14/7/2009) đã thừa nhận: “Chúng ta nói kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng tôi đồng ý với quan điểm là chúng ta chưa thực sự theo cơ chế thị trường trong điều hành kinh doanh xăng dầu thời gian vừa rồi...”.

Ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng công ty xăng dầu quân đội bức xúc nói: “Nhà nước đã can thiệp sâu và có tính sự vụ vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là 2 lĩnh vực giá và thuế. Giá thì từ chỗ Nhà nước quyết định hoàn toàn, đến lúc cho DN tự quyết định trong một khung nhất định, nhưng đó vẫn chỉ là văn bản, cuối cùng là Nhà nước quyết định giá.

Không chỉ định giá bán xăng dầu không căn cứ theo giá thế giới, Liên bộ Tài chính - Công thương còn can thiệp quá sâu vào việc điều hành giá, kể cả khi doanh nghiệp xin giảm giá cho người tiêu dùng… cũng phải đợi cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt! Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính lý giải: “Gọi là cơ chế xin - cho giá xăng dầu thì cũng không hoàn toàn đúng. Nhà nước đã chuyển từ cơ chế định giá sang yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký giá. DN phải có trách nhiệm đăng ký mức giá mà mình dự định bán theo quy định của pháp luật, để cơ quan quản lý kiểm soát xem DN có đúng không. Đây là cơ sở để đảm bảo mức giá bán phù hợp trên thị trường.”

Thế nhưng, lý giải của ông Thỏa đã không được thừa nhận trên thực tế. Bởi chính sự ấu trĩ trong cách quản lý, điều hành thời gian qua đã khiến giá xăng dầu trong nước không tiệm cận được với giá thế giới. Điều này theo ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng công ty xăng dầu quân đội thì vừa không phù hợp với quyền tự chủ về kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp vừa khiến doanh nghiệp ngày càng lỗ sâu hơn, không có khả năng tích lũy nên năng lực cạnh tranh thấp. Đó là chưa kể đến hậu quả chênh lệch giá giữa các nước trong khu vực dẫn đến thẩm lậu, gây thất thoát ngân sách lớn. Rồi việc chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục thay đổi cũng khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng - Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính cho rằng: “Thị trường biến động lớn cho nên chúng ta không thể điều chỉnh thuế theo biến động thị trường được. Nếu cứ chạy theo biến động ấy sẽ làm mất tính ổn định của các chính sách”.

Một vấn đề nữa liên quan đến việc định giá xăng dầu hiện nay, đó là việc quy định cứng nhắc tỷ lệ chiết khấu giá bán hàng. Ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng công ty xăng dầu Quân đội tỏ ra bức xúc hơn: “Việc quy định chiết khấu 170 đồng/lít xăng là không hợp lý. Thử đặt phép tính, xây dựng một trạm xăng bao nhiêu tiền? Trạm xăng miền núi bây giờ chỉ bán được khoảng 15-30 khối xăng thôi. Nếu lấy 170 đồng nhân (x) với 15-30 khối thì lấy tiền ở đâu để trả lương, khấu hao tài sản… Tại sao cho đến bây giờ vẫn cứ áp dụng lại cơ chế bù giá của năm 2004?”.

 Vẫn là cơ chế

Thực tế, Liên bộ Tài Chính - Công thương đã bỏ qua chính văn bản mình ban hành để quyết định giá bán xăng dầu một cách cứng nhắc. Điều này không chỉ gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước mà còn không thể tạo ra được một thị trường xăng dầu minh bạch, có giá tiệm cận với giá thế giới, mặc dù chúng ta vẫn nhập khẩu gần như hoàn toàn mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính thì để đảm bảo an ninh năng lượng mà cụ thể là nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu trong nước, việc quy định hạn ngạch tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho từng doanh nghiệp là điều bắt buộc. Ông Thỏa lý giải: “Trên cơ sở cân đối tổng nhu cầu xăng dầu trong nước, Bộ Công thương định hướng tối thiểu cho các DN đầu mối nhập như thế nào. Nếu chúng ta không quy định lượng nhập tối thiểu thì dễ dẫn đến trường hợp là khi giá giảm thì DN đổ xô nhập, kinh doanh và khi giá cao thì có thể không làm. Điều này sẽ đe doạ an ninh năng lượng của đất nước”.

Tuy nhiên, phản bác lại quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh cho rằng Petrolimex đang giữ vị thế “độc quyền cạnh tranh”. Ông Ánh cho rằng: “Petrolimex vẫn chiếm khoảng 60% thị phần. Về nguyên tắc thì chúng ta chưa thật sự có một thị trường xăng dầu cạnh tranh một cách bình đẳng…”.

Quan điểm của ông Ánh là song hành với việc loại bỏ quy định hạn ngạch tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho từng doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng khi nhập khẩu xăng dầu đưa vào thị trường nội địa với giá thấp nhất có thể, thì cũng nên tách riêng khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ...

Ông Bùi Ngọc Bảo - TGĐ Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, đề xuất của ông Ánh là “vô lý”, vì “Hệ thống kinh doanh xăng dầu bao gồm cơ sở vật chất của chính doanh nghiệp ấy và các đại lý. Chính vì thế nó mới tạo thành một chuỗi. Bản thân 8.000 cửa hàng bán xăng dầu là của tư nhân hết thì tách đi đâu - và ai tách?”.

Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ánh cũng đưa ra những lý lẽ khá thuyết phục để khẳng định rõ sự độc quyền của Petrolimex: “Ví dụ, tôi là một tư nhân mở một cây xăng. Tôi phải ký hợp đồng với Petrolimex là đại lý độc quyền của Petrolimex, tức là tôi chỉ được bán xăng của Petrolimex. Về nguyên tắc, điều này cũng chưa tạo được sự cạnh tranh đúng nghĩa. Bởi vì, hôm nay Petrolimex bán cho tôi với giá này nhưng một DN khác bán cho tôi giá rẻ hơn thì tôi từ chối Petrolimex để nhập của nơi khác. Nhưng để làm được điều này cũng cần phải có sự cạnh tranh thực sự giữa các DN đầu mối. Bởi nếu không thì có thể hôm nay tôi mua của Petrolimex ngày hôm sau tôi không mua – và ngày hôm sau nữa tôi muốn quay lại mua của Petrolimex thì Petrolimex sẽ không bán cho tôi nữa (vì Petrolimex có quyền khống chế trên thị trường). Đây cũng là cả một câu chuyện về việc hình thành thị trường…”./.

Bài 2: Làm gì để thực sự có thị trường xăng dầu

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên