Chuyển giao công nghệ trồng ngô chuyển gen
VOV.VN - Áp dụng công nghệ chuyển gen tình trạng sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang giảm rõ rệt so với các ruộng ngô lai truyền thống.
Sáng nay (5/6) tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, hàng trăm nông dân cùng các đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt đã thăm quan mô hình khảo nghiệm so sánh giống ngô chuyển gen với giống ngô truyền thống của công ty Đề cáp Việt Nam, Tập đoàn Mosento (Hoa Kỳ).
Nông dân Lưu Văn Trần bên ruộng ngô chuyển gen sẽ thu hoạch vào giữa tháng này |
Các mô hình trình diễn ngô chuyển gen mang đặc tính kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ năng suất cao như: Đề cáp 9955S, 8868S, 6919S, 6919S… được bà con nông dân đánh giá cao bởi đặc tính vượt trội như: cải thiện nâng cao năng suất cây trồng nhờ vào khả năng kháng sâu, bệnh hại, bảo vệ môi trường nhờ giảm thuốc trừ sâu, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân do tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí; năng suất có thể đạt từ 6 đến 8 tấn/hecta, cao hơn so với giống ngô truyền thống từ 1 đến 2 tấn/ hecta. Nông dân Lưu Văn Trần, Xóm Sai Cả, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Sau hơn 4 tháng khảo nghiệm, đến nay tại các ruộng sử dụng giống ngô áp dụng công nghệ chuyển gen tình trạng sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang giảm rõ rệt so với các ruộng ngô lai truyền thống.
Vào đầu tháng 3 năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định công nhận 3 giống ngô biến đổi gen mang đặc tính kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ đưa vào sản xuất đại trà. Ông Đỗ Quang Trường, Giám đốc kỹ thuật công ty Đề cáp Việt Nam cho biết: Công ty đang triển khai hơn 200 điểm khảo nghiệm để nông dân nhiều nơi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Sau quá trình khảo nghiệm, sẽ hoàn tất hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép công nhận các giống ngô chuyển gen của công ty. Dự kiến vào tháng 10 năm nay doanh nghiệp sẽ đưa vào thương mại hóa những giống ngô đã khảo nghiệm thành công./.