Đa dạng hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè

VOV.VN - Đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có tới 90 sản phẩm từ cây chè được công nhận là sản phẩm OCOP 3,4 và 5 sao.

Qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, cây chè và các sản phẩm từ chè đã có được bước phát triển mới, mở rộng thị trường tiêu thụ đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân trong tỉnh. Những nông dân ở vùng chè Thái Nguyên đã liên kết nhau lại, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng các hình thức bán hàng. Chính những điều này đã tạo ra một sự phát triển ổn định cho lĩnh vực sản xuất chè tại Thái Nguyên.

Những ngày này, xưởng sản xuất chè của hợp tác xã chè Hương Vân Trà, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên luôn sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Hàng trăm cân búp chè tươi hái trong ngày được các thành viên trong hợp tác xã thu gom, sao khô chế biến để kịp chuyển hàng cho khách.

Bà Phạm Lưu Phi, một du khách đến từ quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đến mua chè tại khu trưng bày của hợp tác xã cho biết: “Về mô hình kinh doanh làm đã tốt nhưng nếu mở rộng thì nên có chỗ thăm quan có thể đi quanh vùng này, trồng chè thế nào xong có thể thuyết minh là từ lúc chè thu hoạch đến lúc chế biến như thế nào”.

Thời điểm này, xưởng sản xuất chè hoạt động hết công suất, hàng trăm xã viên và người lao động tại hợp tác xã Hương Vân Trà làm việc hăng say để chế biến, đóng gói chuyển đến khách hàng. Ông Long Văn Nguyện, xóm Phúc Thuần, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên cho biết: năm 2022 ông và 8 hộ dân khác đã thành lập tổ hợp tác sản xuất chè sau đó đã liên kết với hợp tác xã Hương Vân Trà. Qua 1 năm hợp tác sản phẩm chè tươi được tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định.

“Hộ nhà tôi có khoảng tầm gần 1ha trà, nếu tính bình quân 1 ha được 3 tạ chè khô 1 lứa một năm 7-8 lứa, bình quân thì 400.000-500.000 đồng/kg trà ngon. Sau khi liên kết với hợp tác xã Hương Vân Trà thì tiêu thụ sản phẩm cũng được ưu ái hơn so với trước đây chủ yếu các hộ tự buôn bán đưa sản phẩm ra chợ” - ông Long Văn Nguyện chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà cho biết, để phát triển sản phẩm chè đạt hiệu quả hợp tác xã đã đảm bảo thực hiện tốt các quy trình về sản xuất chè an toàn, chất lượng cao, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đặc biệt trong năm qua, đơn vị đã ký kết hàng trăm hợp đồng thu mua và tiêu thụ chè cho người dân tại thành phố Thái Nguyên để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu ra, phát triển thêm mô hình du lịch tại các đồi chè để thu hút thêm khách hàng.

“Bên đơn vị chúng tôi hiện nay có 18 thành viên với 3 tổ hợp tác, 3 tổ này phân chia ra để có tổ trưởng kiểm tra giám sát các quy trình chăm bón để tạo ra sản phẩm an toàn nhất. Sản phẩm bán theo đa kênh, trên trang web, trang thương mại điện tử, vỏ sò, TikTok, facebook” - bà Nguyễn Thị Hương Vân nói.

Xã Tân Cương, là một trong 6 xã thuộc vùng chè Tân Cương nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Xã đã có 11 sản phẩm từ chè đạt chứng nhận OCOP 3,4 và 5 sao với 13 hợp tác xã và hàng chục tổ hợp tác sản xuất chè được thành lập và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Tân Cương cho biết: “Có những nhà có diện tích chè rất nhỏ, sản lượng thấp, kỹ thuật không cao, không đảm bảo thị hiếu của khách hàng, họ không có tiềm lực để đầu tư vào bao bì makerting, họ tìm đến để làm liên doanh liên kết với các hợp tác xã. Nhân dân hào hứng tham gia vào các mô hình hợp tác xã bởi vì là nó làm cho thu nhập hàng tháng của họ được ổn định”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh có 52 doanh nghiệp, gần 100 hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè, 230 làng nghề chè và hơn 90.000 hộ trồng chè. Đến nay toàn tỉnh đã có 90 sản phẩm từ chè đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 và 5 sao.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên cho rằng: chính việc gắn kết các sản phẩm từ cây chè với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là chìa khóa để giúp ngành sản xuất chè của tỉnh có bước phát triển mới. Nó khơi dậy sự sáng tạo từ người nông dân, các hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm chè.

“Tỉnh Thái Nguyên đã rất quan tâm chú trọng phát triển nâng cao phát triển cây chè. Và đặc biệt hiện nay thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó có nhiều giải pháp, nhà nước sẽ thực hiện kiến tạo hỗ trợ để người dân phát triển sản xuất. Trong đó sẽ tập trung hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm trà thái Nguyên. Thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao giá trị sản phẩm” - ông Phạm Văn Sỹ nói.

6 tháng năm 2023, toàn tỉnh có hơn 22.000 ha chè đã thu hoạch khoảng 120.000 tấn chè búp tươi, tổng diện tích chè đạt chuẩn Vietgap và hữu cơ đạt hơn 4.000 ha. Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh việc số hoá trong nông nghiệp, lĩnh vực trồng và chế biến sản phẩm từ chè sẽ được quan tâm đầu tư. Cụ thể tiến hành đào tạo người nông dân phát triển vùng trồng, chè có tiêu chuẩn, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên tiếp tục tổ chức liên kết sản xuất, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ liên kết phù hợp. Các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh chè đưa các sản phẩm lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử, tổ chức các sự kiện bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chè Thái Nguyên sẽ hợp tác với Tiktok, Viettel Post để quảng bá sản phẩm
Chè Thái Nguyên sẽ hợp tác với Tiktok, Viettel Post để quảng bá sản phẩm

VOV.VN - Trong năm qua, ước tính doanh thu từ các sản phẩm chè ở tỉnh Thái Nguyên đạt trên 10.000 tỷ đồng (tương đương gần 0,5 tỷ USD). Đảm bảo chất lượng các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, sẽ giúp cho ngành chè Thái Nguyên đạt một tỷ USD.

Chè Thái Nguyên sẽ hợp tác với Tiktok, Viettel Post để quảng bá sản phẩm

Chè Thái Nguyên sẽ hợp tác với Tiktok, Viettel Post để quảng bá sản phẩm

VOV.VN - Trong năm qua, ước tính doanh thu từ các sản phẩm chè ở tỉnh Thái Nguyên đạt trên 10.000 tỷ đồng (tương đương gần 0,5 tỷ USD). Đảm bảo chất lượng các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, sẽ giúp cho ngành chè Thái Nguyên đạt một tỷ USD.

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư chế biến sâu khoáng sản ở Thái Nguyên
Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư chế biến sâu khoáng sản ở Thái Nguyên

VOV.VN - Thủ tướng mong các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghiệp 4.0 vào sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư chế biến sâu khoáng sản ở Thái Nguyên

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư chế biến sâu khoáng sản ở Thái Nguyên

VOV.VN - Thủ tướng mong các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghiệp 4.0 vào sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.