Doanh nghiệp phản biện ý kiến Bộ GTVT về tàu thuyền công nghệ PPC

VOV.VN - Công ty CP Công nghệ Việt Séc vừa có phản biện ý kiến của Bộ GTVT liên quan đến việc ứng dụng và đăng kiểm tàu thuyền công nghệ vật liệu mới PPC.

Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản số 2716-CV/TU ngày 12/7/2017 kèm theo văn bản số 6275/BGTVT-KHCN ngày 12/6/2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc trả lời kiến nghị của Cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo, đóng mới phương tiện thủy. Tiếp nhận trả lời này, phía doanh nghiệp đóng tàu vật liệu PPC có nhiều ý kiến phản biện lại.

Quy chuẩn gây khó doanh nghiệp?

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc, không đồng thuận các ý kiến trả lời của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, với những cơ sở mà Bộ GTVT lý giải cho việc ban hành “Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT ngày 20/12/2016 quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Đảo thấy có nhiều điều không thuyết phục.

Tàu đóng bằng vật liệu PPC (ảnh: KT)

Theo ông Đảo, trước khi Quy chuẩn tàu PPC được Bộ Giao thông vận tải ban hành thì cơ quan đăng kiểm đã đăng kiểm hàng loạt tàu có sức chở đến 12 người và Bộ Giao thông vận tải cũng đánh giá các tàu này đến nay vẫn rất an toàn. Vì thế, không cần thiết phải ban hành quy chuẩn giới hạn sức chở 12 người.

“Nếu không có quy chuẩn QCVN95:2016/BGTVT thì doanh nghiệp sẽ không bị phá sản hàng loạt hợp đồng đóng tàu thuyền cho khách hàng có giá trị hàng chục tỷ đồng và người lao động không bị lao đao vì không có việc làm”- ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Đảo, Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ… Mặc dù Bộ Giao thông vận tải cho rằng quy chuẩn ban hành không có nghĩa là cấm chế tạo các phương tiện thủy nội địa có kích thước và sức chở lớn hơn quy chuẩn. Nhưng về mặt luật pháp, quy chuẩn là một văn bản pháp luật có tính bắt buộc phải tuân thủ đối với các bên liên quan (bao gồm cơ quan đăng kiểm và người sản xuất, chủ phương tiện) nên khi quy chuẩn có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2017 thì việc đăng kiểm phương tiện có sức chở và kích thước lớn hơn sẽ rất khó khăn.

Dẫn thực tế, ông Đảo cho biết: Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đăng kiểm tàu dài 8m chở 12 người nhưng Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT cho đóng tàu dài 20m lại hạn chế sức chở cũng không quá 12 người. Vì thế, Giám đốc doanh nghiệp này đặt vấn đề: “Bộ Giao thông vận tải hãy giải thích xem sức tải của con tàu không phụ thuộc kích thước thì phụ thuộc vào yếu tố nào? Trên thực tế không ai đi đặt đóng tàu dài 20m cũng để chở số khách bằng với tàu dài 8m”.

Theo lập luận của ông Vũ Văn Đảo, Bộ Giao thông vận tải nhìn ra thế giới cho rằng chưa có nước nào đóng tàu PPC cho mục đích thương mại sức chở trên 12 người, vì vậy mà Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành quy chuẩn giới hạn luôn 12 người thay vì tiên phong cho Việt Nam phát triển tàu lớn hơn. Nhưng với Quy chuẩn đóng tàu PPC, Bộ Giao thông vận tải đã khép lại cánh cửa phát triển công nghệ đóng tàu với vật liệu PPC.

Doanh nghiệp phải tuân thủ cả văn bản chưa có hiệu lực?

Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc (khu công nghiệp Đông Xuyên thành phố Vũng Tàu) đã gửi 2 hồ sơ đăng ký kiểm định đối với 2 tàu chở khách PPC (có chiều dài 20m và 35m) tại Cục Đăng kiểm Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết cho doanh nghiệp.

Về việc này, Bộ Giao thông vận tải trả lời rằng, do hai phương tiện mà doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng kiểm có sức chở lớn hơn Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT nên vẫn cần phải tiếp tục được nghiên cứu thử nghiệm để có cơ sở xây dựng, hoàn thiện, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Đảo lập luận rằng: Doanh nghiệp ký hợp đồng đóng các cano du lịch cho khách hàng từ tháng 9/2016, trước thời điểm Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn QCVN95:2016/BGTVT cho tàu PPC có hiệu lực từ ngày 28/7/2017. Hồ sơ tính toán thiết kế doanh nghiệp gửi cho Cục Đăng kiểm từ tháng 11/2016 nhưng đến nay cơ quan đăng kiểm vẫn chưa duyệt hồ sơ thiết kế để Chi cục Đăng kiểm 9 tại Vũng Tàu tiến hành đăng kiểm phương tiện.

Thực tế thì hai chiếc tàu ký hiệu H30 và H38 có sức chở 20 và 35 người đã được đóng hoàn chỉnh và chạy thử thành công từ tháng 4/2017. Doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng kiểm nhưng đều bị từ chối vì lý do Bộ Giao thông vận tải đã ban hành QCVN95:2016/BGTVT giới hạn sức chở tối đa của phương tiện là 12 người.

Với cách trả lời đó, doanh nghiệp đặt ra câu hỏi phản biện: Thứ nhất, tại sao cả Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam lại bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ một văn bản pháp luật khi nó chưa có hiệu lực pháp luật?

Thứ hai, năm 2014, doanh nghiệp đã đóng thành công chiếc tàu cho Cảnh sát biển có chiều dài lớn nhất 14m, trang bị hai máy trong với tổng công suất 600HP, trong khi hai cano chở khách doanh nghiệp đề xuất đăng kiểm có chiều dài lớn nhất 11m, trang bị hai động cơ ngoài với tổng công suất 500HP. Xét về mặt kích thước, công nghệ và công suất động cơ thì hai cano chở khách nhỏ hơn, đơn giản hơn nhiều so với tàu tuần tra của Cảnh sát biển.

“Vậy tại sao Bộ Giao thông vận tải lại cứ phải yêu cầu doanh nghiệp làm thử nghiệm trong khi chiếc tàu to hơn doanh nghiệp đã đóng thành công?”- ông Đảo đặt câu hỏi.

Thứ ba, hai cano Công ty đề xuất đăng kiểm từ năm 2016 đã được đóng và chạy thử nghiệm thành công từ tháng 4/2017. Tại sao Bộ Giao thông vận tải không cử cán bộ vào kiểm tra xem tàu đóng thế nào, hồ sơ thiết kế ra sao mà cứ nói doanh nghiệp muốn đăng kiểm thì phải làm thử nghiệm?

Thứ tư, nếu cứ suy nghĩ đóng tàu lớn hơn phải làm thử nghiệm thì các hãng tàu du lịch vận chuyển hàng nghìn người chả lẽ phải làm thử nghiệm một chiếc tương tự rồi mới được đóng chính thức?

Từ thực tế đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét để sửa đổi Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT để phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đăng kiểm hai chiếc cano du lịch mà doanh nghiệp đã sản xuất, đã gửi hồ sơ tính toán thiết kế hơn nửa năm nay để cho tàu vào hoạt động, tránh thiệt hại thêm cho doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bà Rịa – Vũng Tàu tiên phong đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới PPC
Bà Rịa – Vũng Tàu tiên phong đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới PPC

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa công bố đủ điều kiện đóng mới tàu cá Nghị định 67 bằng vật liệu mới PPC.

Bà Rịa – Vũng Tàu tiên phong đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới PPC

Bà Rịa – Vũng Tàu tiên phong đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới PPC

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa công bố đủ điều kiện đóng mới tàu cá Nghị định 67 bằng vật liệu mới PPC.

Tàu cá PPC gặp khó vì... đăng kiểm
Tàu cá PPC gặp khó vì... đăng kiểm

VOV.VN - Vì vật liệu PPC để đóng tàu là vật liệu mới nên cơ quan đăng kiểm tàu cá còn nhiều phân vân chưa thể phê duyệt thiết kế ngay.

Tàu cá PPC gặp khó vì... đăng kiểm

Tàu cá PPC gặp khó vì... đăng kiểm

VOV.VN - Vì vật liệu PPC để đóng tàu là vật liệu mới nên cơ quan đăng kiểm tàu cá còn nhiều phân vân chưa thể phê duyệt thiết kế ngay.

Cục đăng kiểm phản hồi về việc sử dụng vật liệu PPC trong đóng tàu
Cục đăng kiểm phản hồi về việc sử dụng vật liệu PPC trong đóng tàu

VOV.VN - Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa thông tin về việc sử dụng vật liệu polypropylen copolyme (PPC) trong chế tạo phương tiện thủy nội địa.

Cục đăng kiểm phản hồi về việc sử dụng vật liệu PPC trong đóng tàu

Cục đăng kiểm phản hồi về việc sử dụng vật liệu PPC trong đóng tàu

VOV.VN - Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa thông tin về việc sử dụng vật liệu polypropylen copolyme (PPC) trong chế tạo phương tiện thủy nội địa.

Chuyên gia Séc gửi thư cho Thủ tướng phàn nàn đăng kiểm tàu thuyền PPC
Chuyên gia Séc gửi thư cho Thủ tướng phàn nàn đăng kiểm tàu thuyền PPC

VOV.VN-Chuyên gia Séc thắc mắc về tàu thuyền PPC được đóng tại Việt Nam, có chất lượng như đóng tại châu Âu mà lại bị Đăng kiểm Việt Nam từ chối.

Chuyên gia Séc gửi thư cho Thủ tướng phàn nàn đăng kiểm tàu thuyền PPC

Chuyên gia Séc gửi thư cho Thủ tướng phàn nàn đăng kiểm tàu thuyền PPC

VOV.VN-Chuyên gia Séc thắc mắc về tàu thuyền PPC được đóng tại Việt Nam, có chất lượng như đóng tại châu Âu mà lại bị Đăng kiểm Việt Nam từ chối.