Doanh nghiệp thấp thỏm: Giữ hay bỏ một số điều kiện nhập khẩu ô tô?

VOV.VN - Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã hết hiệu lực, doanh nghiệp đang thấp thỏm việc giữ hay bỏ điều kiện nhập ô tô.

Gần một tháng qua, Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã hết hiệu lực. Trong khi chờ văn bản thay thế đã xảy ra cuộc tranh cãi giữa một bên là các doanh nghiệp muốn giữ lại các điều kiện nhập khẩu, một bên đề nghị bãi bỏ. Hiện các doanh nghiệp đang “thấp thỏm” trước nguy cơ đóng hoặc mở lại thị trường nhập khẩu ô tô trong thời gian tới.

(Ảnh minh họa: KT internet)

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các quy định về điều kiện kinh doanh trong Thông tư nếu không được nâng lên thành Nghị định thì sẽ bị xóa bỏ từ ngày 1/7/2016. Vậy là Thông tư 20 hết hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản thay thế. Trong khi đó, có thông tin Bộ Công Thương muốn đưa các quy định của Thông tư 20 lên thành Nghị định, trong đó vẫn giữ “tinh thần” của Thông tư này, quy định thương nhân nhập khẩu ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống phải được chỉ định hoặc ủy quyền của nhà sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất kinh doanh. Điều này tiếp tục dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh việc giữ lại hay bãi bỏ các điều kiện nhập khẩu ô tô.

Lo ngại trước nguy cơ mở cửa ồ ạt thị trường nhập khẩu ô tô, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Công Thương mong muốn kéo dài Thông tư 20 để ổn định thị trường trong nước, ngăn chặn nhập siêu và chống gian lận thương mại về chuyển giá khi nhập khẩu xe ôtô.

Ông Ninh Hữu Chấn Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng: “Từ ngày có thông tư 20 thị trường ô tô ở Việt Nam đi vào ổn định hơn. Trước đó thì có nhiều vấn đề như bán hàng không có bảo hành, không cung cấp phụ tùng chính hãng, không có bất cứ xử lý gì khi xe có lỗi. Ngoài ra từ 1 xe mới người ta lấy tên 1 người nào đó ở nước ngoài cho qua 6 tháng rồi nhập về dưới dạng xe cũ, giá rất thấp, người ta nhập về như xe mới, đó là hình thức trốn thuế. Nếu bãi bỏ, bất cứ đơn vị kinh doanh bên ngoài ai cũng nhập về được. Sẽ có những hệ lụy đi kèm. Nếu cho phép họ nhập thì cũng phải có những điều kiện nhất định.”

Trái ngược với quan điểm này, 16 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng bãi bỏ Thông tư này. Bởi lẽ, quy định có được giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của chính hãng là bất khả thi, tạo ra rào cản khiến doanh nghiệp không thể nhập khẩu ôtô mới. Trước khi Thông tư 20 được ban hành, cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhưng đến nay, chỉ còn tồn tại khoảng vài chục doanh nghiệp, số còn lại đã phá sản hoặc chuyển sang kinh doanh ô tô cũ.

Ông Vũ Tấn Công, chuyên gia trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô cho rằng, Thông tư 20 tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho doanh nghiệp nước ngoài, khiến thị trường trong nước méo mó: “Thông tư này làm cho độc quyền nhập khẩu đẩy giá xe lên cao. Chính phủ đã bãi bỏ nhiều giấy phép con rồi, nên theo tôi nên bãi bỏ vì nó là giấy phép con và thứ hai là vi phạm WTO hạn chế kinh doanh, người tiêu dùng thiệt hại. Đừng để thêm giấy phép con. Nên để tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm và tuân thủ đúng pháp luật.”

Theo Bộ Công Thương, nếu dỡ bỏ điều kiện kinh doanh quy định Thông tư 20, việc nhập khẩu ô tô sẽ tăng ồ ạt dẫn đến tình trạng cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường, không kiểm soát được chất lượng và gia tăng nhập siêu. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Thông tư 20 không làm giảm nhập siêu ô tô. Bởi, năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,02 tỷ USD để nhập khẩu ô tô, thì 5 năm sau tăng lên gần 3 tỷ USD. Dù có hay không các điều kiện nhập khẩu xe, thì nhu cầu của người dân mua ô tô không ngừng tăng lên. Trong khi đó, việc chỉ cho phép một vài hãng sản xuất ô tô được quyền nhập khẩu xe chính hãng, dẫn đến thị trường chỉ có một số mẫu xe, lượng xe nhất định. Đây là yếu tố gây khan hiếm thị trường, đẩy giá xe cao, người tiêu dùng chịu thiệt.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư mới, việc nhập khẩu ô tô không thuộc các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc Bộ Công Thương vẫn đưa vào Dự thảo Nghị định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành công thương là không đúng với tinh thần xóa bỏ rào cản của Luật Đầu tư mới, tinh thần cải cách thủ tục kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh của Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cân nhắc bãi bỏ thông tư này. Mục tiêu của Thông tư 20 hiện tại không rõ ràng và tạo ra cạnh tranh không bình đẳng, minh bạch và không tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh trong nước hoạt động.

Đến nay, Thông tư 20 đã hết hiệu lực mà vẫn chưa có văn bản thay thế đang gây ra tắc nghẽn trong hoạt động nhập khẩu. Tổng cục Hải quan đã phải gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Công Thương đề nghị làm rõ Thông tư này còn hiệu lực hay không để hải quan các địa phương thực hiện thống nhất. Bộ Công Thương cho biết đã tập hợp ý kiến để trình Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng về vấn đề này. Các chuyên gia cho rằng, dù sửa đổi theo hướng nào thì cũng không thể vì một nhóm lợi ích của doanh nghiệp mà cần hướng mục tiêu quản lý chung nhưng cũng phải thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Việt chi 481 triệu USD nhập khẩu ô tô mỗi tháng
Người Việt chi 481 triệu USD nhập khẩu ô tô mỗi tháng

VOV.VN -11 tháng qua, giá trị nhập khẩu ô tô về nước ta 5,3 tỷ USD, bao gồm cả linh kiện và phụ tùng ô tô, riêng ô tô nguyên chiếc là 2,579 tỷ USD.

Người Việt chi 481 triệu USD nhập khẩu ô tô mỗi tháng

Người Việt chi 481 triệu USD nhập khẩu ô tô mỗi tháng

VOV.VN -11 tháng qua, giá trị nhập khẩu ô tô về nước ta 5,3 tỷ USD, bao gồm cả linh kiện và phụ tùng ô tô, riêng ô tô nguyên chiếc là 2,579 tỷ USD.

VAMA kiến nghị duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô
VAMA kiến nghị duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô

Thông tư 20 ban hành từ năm 2012 đến nay, sản xuất, kinh doanh ô tô đã dần đi vào nền nếp ổn định nhưng sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

VAMA kiến nghị duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô

VAMA kiến nghị duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô

Thông tư 20 ban hành từ năm 2012 đến nay, sản xuất, kinh doanh ô tô đã dần đi vào nền nếp ổn định nhưng sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) được phép nhập khẩu ô tô
Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) được phép nhập khẩu ô tô

Xe ô tô đã qua sử dụng là quà biếu, tặng được nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo để giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) được phép nhập khẩu ô tô

Cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) được phép nhập khẩu ô tô

Xe ô tô đã qua sử dụng là quà biếu, tặng được nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo để giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.