Giá xăng giảm, cước vận tải lặng thinh:Trách nhiệm thuộc Bộ Tài chính?
Vì quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng, các chuyên gia kiến nghị Bộ Tài chính nên sớm vào cuộc xử lý.
>>Doanh nghiệp vận tải “chây ỳ” không giảm cước, Nhà nước phải làm gì?
>> Hạn chót để DN vận tải đăng ký giảm cước
>> Doanh nghiệp vận tải viện cớ chây ỳ giảm giá cước
Các chuyên gia cho rằng, việc để cước vận tải đứng yên trong khi giá xăng dầu giảm mạnh, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Tài chính.
Nhiều doanh nghiệp chưa giảm giá
Ngày 15/1, đại diện Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, còn gần 70 doanh nghiệp (DN) vận tải chưa giảm giá, chủ yếu là xe đi về huyện thuộc các tỉnh lân cận Hà Nội (Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình...).
Hiện, một loạt DN vẫn chưa giảm giá như: Hợp tác xã vận tải Duy Long (Lạng Sơn), Hùng Vương, Ka Long (Quảng Ninh); Cty CP vận tải ô tô Tuyên Quang, Ninh Bình...
Giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhưng nhiều DN vẫn không giảm giá vé.
“Giá cước vận tải liên tỉnh cần phải giảm nhưng giảm bao nhiêu cho hợp lý là tùy thuộc vào từng DN”, ông Thanh nói
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, hiện giá cước vận tải không giảm hoặc giảm ít so với giá xăng dầu là có nhiều lý do. Ở đây, có thể có sự thỏa thuận ngầm giữa các DN vận tải. Các cơ quan chức năng cần xử lý theo hướng này.
“Nếu DN có thỏa thuận ngầm bắt tay không giảm giá là họ sai vì vi phạm Luật Cạnh tranh. Ở đây, cơ quan quản lý cạnh tranh chưa thấy làm việc ra hồn. Cung cầu định đoạt một phần, quan hệ độc quyền theo kiểu thỏa thuận không giảm giá đang thao túng thị trường, làm thị trường không hoạt động được”, TS Thành nói.
Theo ông Thành, Nhà nước có hai lựa chọn, một là lượng cầu để quyết định bắt hạ giá. Nhà nước có thể làm được điều đó, các DN buộc phải nghe lời. Song bản chất ở đây là các DN cấu kết với nhau để giữ giá.
Việc của cơ quan chức năng là phải phá được sự cấu kết này. Từ đó, giá sẽ giảm xuống mức cạnh tranh hơn, còn cụ thể bao nhiêu không cần biết mà để sự cạnh tranh định đoạt.
Vì người tiêu dùng, Bộ Tài chính phải vào cuộc
Theo ông Thân Văn Thanh, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra việc giảm giá của DN vận tải vì đây là cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, có quyền thanh tra, xử lý về giá. Bộ GTVT chỉ có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện kinh doanh của DN vận tải, không thể kiểm tra về giá thành mà có kiểm tra cũng không xử lý được.
“Vừa rồi, Bộ GTVT tổ chức các đoàn kiểm tra về giá là không đúng quy định. Bộ này chỉ có thể là thành viên của đoàn, trưởng đoàn phải là Bộ Tài chính”, ông Thanh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong gần 3 tháng qua, giá xăng dầu giảm hơn 32% nhưng cước vận tải đứng yên cho thấy sự lúng túng của cơ quan chức năng. Vận tải là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên DN phải kê khai, giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.
“Cơ quan quản lý hoạt động vận tải là Bộ GTVT đã đề xuất đưa cước vận tải vào diện quản lý bình ổn giá, trong khi các động thái từ Bộ Tài chính chưa thấy đâu”, ông Long nói.
Theo ông Long, trách nhiệm trong câu chuyện này là Bộ Tài chính, mà cụ thể là Cục Quản lý giá. Nếu vì người tiêu dùng, trong bối cảnh này, Bộ Tài chính phải vào cuộc để xử lý. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể dùng biện pháp “gậy ông đập lưng ông” để xử lý các DN vận tải không giảm giá cước. Khi giá xăng dầu vừa tăng, lập tức các DN vận tải nhảy chồm lên đòi tăng giá. Vậy, giờ sau 13 lần xăng dầu giảm giá, tại sao cước vận tải vẫn đứng yên, không giảm.
“Nếu DN không giảm, cơ quan quản lý giá, thanh tra tài chính phải vào cuộc ngay lập tức. Khi phát hiện những chi phí bất hợp lý, thanh tra tài chính, quản lý giá cần xử lý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan quản lý giá, thanh tra của Bộ GTVT và Tài chính không nên đứng ngoài cuộc rồi “nhìn nhau” như hiện nay”, ông Long nói./.