Hoạt động cho vay hợp vốn tại châu Á tăng đột biến

VOV.VN - Giá trị các thỏa thuận cho vay tại khu vực châu Á - TBD, trừ Nhật Bản, đạt 372 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.

Lần gần đây nhất châu Á có khoản vay hợp vốn khổng lồ (khoản tín dụng có quy mô lớn, cơ cấu phức tạp) là khi Bill Clinton vẫn đang giữ chức Tổng thống Mỹ và sản phẩm iPod chưa được phát minh. Điều này có nghĩa là ít nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, châu Á chưa từng có một khoản vay hợp vốn đáng chú ý nào.

Theo số liệu thống kê từ Bloomberg, giá trị của các thỏa thuận trung bình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, đạt 372 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, là mức cao nhất kể từ năm 2000. Sở dĩ có mức tăng đột biến này là do hai nhà vay nợ hàng đầu khu vực, bao gồm Công ty điều hành sòng bạc tại Macau Sand China, Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Malaysia SapuraKencana Petroleum, vừa ký kết một khoản nợ trị giá hơn 20 tỷ USD.

Các doanh nghiệp phát triển mạnh ở châu Á đang tận dụng mức lãi biên (chênh lệch) giữa lãi suất ngân hàng và lãi suất cho vay xuống thấp nhất trong 4 năm để duy trì phát triển thông qua hoạt động mua bán và tái cấp vốn cho những doanh nghiệp vẫn còn nợ. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị của hoạt động mua bán và sáp nhập tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng tới 60% lên mức 326,5 tỷ USD trong năm nay, kéo giá trị của các khoản vay hợp vốn trong 5 tháng đầu năm lên 161 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Trong khi đó, giá trị của các khoản vay hợp vốn chỉ đạt 54 tỷ USD năm 2000, trong đó khoản vay lớn nhất trị giá 12 tỷ USD là thuộc tập đoàn Doncaster nhằm cấp vốn cho đợt mua lại tập đoàn Viễn thông Hồng Kông.

Tập đoàn MISC của Malaysia, nhà vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai thế giới, vừa lên kế hoạch tăng kích thước khoản vay kỳ hạn 7 năm từ 700 triệu USD lên 1,5 tỷ USD, do 12 ngân hàng nước này đang tìm cách tham gia vào thị trường cho vay này.

Atul Sodhi, chủ tịch Hiệp hội thị trường nợ châu Á Thái Bình Dương cho rằng, trong tương lai, các doanh nghiệp châu Á sẽ tiếp tục thực hiện các vụ mua lại xuyên biên giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo số liệu từ Bloomberg, tại thị trường châu Á, khoản nợ trị giá 13,2 tỷ USD đang được rao bán, trong đó 7,6 tỷ USD đang trong quá trình đàm phán.

Trong khi hoạt động M&A tại Malaysia và Thái Lan giảm trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị các thương vụ của Trung Quốc tăng 74% lên 117,5 tỷ USD, của Australia tăng 150% lên 62,5 tỷ USD và của Hồng Kông tăng hơn 3 lần lên 23,6 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, chi phí đi vay trung bình đối với nợ ở Hồng Kông giảm 75 điểm cơ bản xuống 166 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Tính cả khu vực châu Á Thái Bình Dương, chi phí đi vay giảm 64 điểm cơ bản xuống 182 điểm cơ bản - mức thấp nhất kể từ năm 2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên