Hơn 60% DN vận tải tại Hà Nội phớt lờ 'lệnh' của Bộ GTVT
Trong ngày 19/1, có đến 66% số DN vận tải tại các bến xe Hà Nội vẫn phớt lờ chủ trương giảm giá cước của Bộ Giao thông Vận tải.
Giá cước vẫn giữ nguyên từ năm ngoái
Ngày 19/1, nhiều hành khách đi tuyến Hà Nội - Lào Cai đã phản ứng sau khi bị nhà xe Hải Vân thu 250.000 đồng/người. Tại bến Mỹ Đình ngày hôm qua, nhiều hành khách bắt xe đi Lào Cai cho biết, cũng với cung đường này sau những lần giảm giá xăng dầu, nhiều hãng vận tải đã giảm 7 đến 10% giá vé, tức chỉ thu còn 230.000 đồng/người. Vậy nhưng ngày hôm qua, hãng Hải Vân vẫn giữ nguyên giá vé như trước. Tương tự giá vé từ Mỹ Đình đi Tuyên Quang hiện đang được một số hãng vận tải tại Tuyên Quang giảm từ 80.000 đồng xuống còn 65.000 đồng/khách, nhưng những ngày qua cũng với tuyến này, hãng vận tải Bảo Yến - có 10 lượt xe chạy Mỹ Đình - Tuyên Quang/ngày vẫn thu 100.000 đến 120.000 đồng/khách; còn hãng vận tải Hưng Thành thu 100.000 đến 140.000 đồng/khách… Đặc biệt, với hãng Hưng Thành, giá cước này được hãng áp dụng từ 1/4/2014 đến nay.
Cơ quan quản lý đá bóng cho nhau
Lý giải việc không giảm giá cước sau khi giá xăng dầu giảm đến 30%, đặc biệt là Bộ GTVT có yêu cầu đăng ký giảm giá cước trước ngày 15/1, một số DN vận tải lớn tại các bến xe Hà Nội cho rằng, còn phải cân đối thu chi hoặc phải có thời gian gửi văn bản lên các cơ quan chức năng như Sở GTVT, Sở Tài chính, Chi cục Thuế duyệt… Hãng vận tải Hưng Thành, đang có các tuyến chạy từ Hà Nội đến các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hưng Yên… thì lý giải: Đơn vị đang làm báo cáo với cơ quan quản lý để giảm giá cước cho phù hơp với giá xăng dầu giảm. DN vận tải Bảo Yến thì cho rằng, lý do hãng chưa giảm giá cước chạy lên Tuyên Quang là hãng vừa điều chỉnh chạy từ quốc lộ sang đường cao tốc, chi phí chạy đường cao tốc tăng lên nhiều lần…
Với 66% số DN vận tải chưa giảm giá cước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Bộ GTVT cần thành lập đoàn thanh tra đi đến từng bến xe thanh tra các DN này. Sau đó công khai kết quả thanh tra cho nhân dân được biết chứ không nên kết luận theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Công khai thông tin vừa giúp dư luận hiểu rõ vai trò quản lý của cơ quan quản lý vừa mang tính răn đe cao với DN bất tuân chỉ đạo. Theo ông Thanh, giá xăng dầu đã giảm qua các đợt vừa qua đến 30% nhưng giá cước vận tải vẫn đứng yên là không chấp nhận được. Nếu các cơ quan chức năng ở địa phương như Sở GTVT, Sở Tài chính… bất lực thì Bộ GTVT phải vào cuộc, nhất là khi lãnh đạo bộ đã có yêu cầu chậm nhất đến 15/1 các DN vận tải phải đăng ký giảm giá cước.
Chiều 19/1, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, tuy cấp nốt, cấp phép cho xe khách hoạt động trên địa bàn Thủ đô nhưng Sở không quản lý về giá nên không thể xử lý xe không giảm giá cước. Việc này phải là Sở Tài chính, do vậy thành phố đang giao cho Sở Tài chính thành lập đoàn thanh tra và Sở GTVT có tham gia trong vai trò liên ngành để kiểm tra giá cước vận tải.
Kiểm soát bằng được giá cước ô tô
Tại hội nghị tổng kết hoạt động GTVT năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo: “Chúng ta không thể để cước phí vận tải lộn xộn như hiện nay. Đây là điều không thể chấp nhận được. Bộ GTVT phải chủ động làm việc với Bộ Tài chính, chủ động chỉ đạo các Sở Tài chính và Sở GTVT địa phương để kiểm soát bằng được giá cước vận tải”. Theo ông Thăng, quan điểm của Bộ GTVT là để cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, giá xăng hiện nay (17.540 đồng/lít) so với thời điểm cao nhất (tháng 8/2014 ở mức 25.640 đồng/lít) đã giảm 32%. Theo các công thức tính toán của cơ quan chức năng Bộ GTVT, xăng dầu chiếm 30% chi phí vận tải. Vì vậy, giá cước hiện nay so với tháng 8/2014 phải giảm ở mức 10-12% mới hợp lý.
Theo Thứ trưởng Trường, giá cước các loại hình vận tải theo hợp đồng (hàng hóa và hành khách) hầu hết đã giảm. Nhiều hãng taxi cũng đã giảm cước dù chưa giảm sâu. Riêng hoạt động xe khách chưa giảm giá nhiều do các doanh nghiệp vận tải hành khách cho rằng đã lỡ in nhiều vé, nếu bỏ đi sẽ lãng phí. Để giải quyết, Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp dùng vé cũ và dùng dấu để đóng giá mới (để không tốn chi phí in vé mới).
Thứ trưởng Trường cho hay, quan điểm của Bộ GTVT là để doanh nghiệp vận tải tự quyết định giảm giá. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là kiểm tra việc kê khai giá cước. “Trong các thành phần hình thành nên giá cước vận tải có chi phí xăng dầu. Nếu xăng dầu giảm mà doanh nghiệp không kê khai giảm sẽ không được chấp nhận phương án giá; cơ quan chức năng sẽ thanh tra để truy thu thuế”, Thứ trưởng Trường nói. Bộ GTVT đã cử đoàn thanh tra giá cước tại các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình để đưa ra cơ chế quản lý./.