Người nghèo ĐBSCL tiếp cận hiệu quả chính sách tín dụng

VOV.VN - Ý nghĩa thiết thực nhất sau một giai đoạn triển khai cho thấy vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 1,4 triệu lượt hộ nghèo

>> Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời chính sách về nhà ở cho người nghèo
>> Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của vùng ĐBSCL còn rất cao

Sau 3 năm triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực ĐBSCL của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có bước tiến rõ rệt. Đề án được đánh giá là điểm sáng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đây là mô hình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Sau 3 năm thực hiện đề án, đến nay tất cả các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đều đạt và vượt kế hoạch về dư nợ quá hạn. Theo lộ trình thực hiện đề án về nợ quá hạn, chỉ tiêu về nợ quá hạn giảm còn 0,71% trên tổng dư nợ (giảm 3,4% so với thời điểm thực hiện đề án), đạt 184% kế hoạch. Để có được kết quả này, các địa phương đã tập trung quyết liệt xử lý nợ đến hạn, quá hạn.

Ý nghĩa thiết thực nhất sau một giai đoạn triển khai cho thấy vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 1,4 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn vùng được vay vốn; góp phần giúp 230.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 88.000 lao động; giúp hơn 29.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 554.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2014 giảm từ 13,48% xuống còn 5,7%.

Ông Võ Minh Hiệp, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tiếp cận, tìm hiểu về nhu cầu và có sự điều chỉnh phù hợp.

Ông Minh Hiệp nói: “Cuối 2011, chất lượng tín dụng chúng ta là trên 4,2% bình quân chung toàn khu vự, cao hơn 2,1 lần bình quân chung cả nước. Thậm chí có những tỉnh tỷ lệ nợ đọng trên 10%. 3 năm qua thực hiện quyết liệt của toàn hệ thống chính trị đã xử lý cơ bản nợ xấu; đồng thời nâng cao ý thức người dân có vay có trả”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng trong nỗ lực thực hiện đề án, giảm được nhiều hộ nghèo thì một số khó khăn liên quan đến chính sách vẫn tạo sự trăn trở trong quá trình thực hiện. Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh vùng của khu vực ĐBSCL là 2,44% trong khi bình quân chung của toàn hệ thống chỉ 0,89%.

Nhiều người dân làng hoa Sa Đéc thoát nghèo từ vốn vay ngân hàng chính sách.
Một số chương trình tín dụng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Chương trình cho vay nhà trả chậm, nhà ở hộ nghèo, chương trình cho vay xuất khẩu lao động... Đồng thời, số nợ quá hạn còn lại đều khó xử lý, thu hồi.

Về vấn đề này, Ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng mô hình của Ngân hàng chính sách xã hội là hoạt động có vay có trả. Hay nói cách khác là có tính thị trường nhưng không hoàn toàn là thị trường mà có cơ chế chính sách hỗ trợ: “Nợ xấu như thế, khoanh kéo dài như thế, nhưng thể hiện rõ đây là nhân văn. Nên bây giờ phương pháp xử lý nợ xấu ra sao để chúng ta làm tương đối lành mạnh cái chất lượng hoạt động của ngân hàng chính sách. Tôi đề nghị chỗ này bởi tỷ lệ nợ xấu của cả nước hiện nay tương đối thấp, chưa tới 1%. Trong khi ĐBSCL còn tương đối lớn. Cái này cần có sự nghiên cứu để giải quyết nợ xấu để làm lành mạnh, nâng cao chất lượng chính sách”.

Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực ĐBSCL tổ chức mới đây tại Cần Thơ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kiêm Chủ tịch Ngân hàng chính sách xã hội nêu rõ, trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá Ngân hàng chính sách xã hội là điểm sáng trong các chương trình chính sách xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao mô hình này.

Thống đốc còn cho rằng chúng ta từng đi học hỏi các mô hình cho vay xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước và từng lo lắng khi có thể vận dụng làm tốt như thế. Qua một quá trình thực hiện hơn 10 năm, kể từ khi thành lập Ngân hàng chính sách xã hội đã cho thấy mô hình của Việt Nam còn ưu việt hơn, quy mô lớn hơn các ngân hàng ở khu vực và trên thế giới để phục vụ người nghèo.

Mặt khác, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Với tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng chính sách xã hội chỉ  0,88% tổng dư nợ cho thấy vốn tín dụng cho người nghèo vay có hiệu quả lớn. Tuy nhiên, hiện Ngân hàng chính sách xã hội đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách nên Thống đốc Nguyễn Văn Bình kiến nghị Chính phủ rà soát chương trình người nghèo để cho vay thông qua ngân hàng này; đồng thời, cho rằng các quỹ hỗ trợ cho người nghèo ở các tỉnh, thành phố nên dần từng bước chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội.

Tiếng nói chung từ các địa phương trong vùng ĐBSCL cho thấy chuẩn nghèo thấp như hiện nay là không hợp lý. Chính vì thế, cần nâng lên nếu không người dân vẫn trong vòng xoáy đói nghèo. Còn về phía ngành ngân hàng chính sách đã nêu rõ quyết tâm trong việc đồng hành cùng người dân nghèo. Tuy nhiên, phải có đầy đủ nguồn vốn để Ngân hàng chính sách xã hội thực sự trở thành chỗ dựa phục vụ người nghèo, giúp người nghèo thoát nghèo hiệu quả và bền vững hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên