Sắp xếp đổi mới nông trường không khéo lại đi vào “vết xe đổ”

VOV.VN - Thực tế cho thấy việc đổi mới sắp xếp của các nông lâm trường ở Nghệ An có thể lại đi vào “vết xe đổ” trước đó.

Những vườn chè bạt ngàn xanh tươi dưới nắng vàng ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An cho thấy cây chè có vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân địa phương. 

Gia đình anh Nguyễn Gia Tuyên, Xóm Điện Biên, xã Hạnh Lâm đang sinh sống và canh tác trên diện tích 1,2 ha. Trong đó, 0,5 ha đang được gia đình anh trồng chè và mang lại hiệu quả kinh tế khá, diện tích còn dùng để xây nhà ở và dành cho chăn nuôi.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Gia Tuyên cho biết, toàn bộ diện tích đất anh đang sử dụng lại thuộc quyền quản lý và sử dụng của xí nghiệp chè Hạnh Lâm thuộc công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An. Không chỉ gia đình anh mà toàn bộ 65 hộ ở xóm Điện Biên, xã Hạnh Lâm đều đang sản xuất và xây nhà ở trên diện tích đất được giao cho xí nghiệp chè Hạnh Lâm quản lý và sử dụng.

“Tất cả các gia đình trong xóm đều trồng chè và xây nhà ở lâu rồi. Đất thì nhận khoán của xí nghiệp chè, danh nghĩa là như vậy nhưng chúng tôi ở trên đất này đã lâu, 2-3 đời rồi,” anh Tuyên nói.

Sắp xếp đổi mới nông trường không khéo lại đi vào “vết xe đổ”.

Tại sao đất thuộc quyền quản lý và sử dụng của xí nghiệp chè Hạnh Lâm lại bị người dân chiếm dụng như vậy?

Ông Phạm Ngọc Châu, giám đốc xí nghiệp chè Hạnh Lâm, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Chè Nghệ An cho biết, xí nghiệp Hạnh Lâm được giao quản lý và sử dụng hơn 1.900 ha đất. Trong đó, có 600 ha là đất trồng chè, còn lại là núi đá và đất xây dựng công trình. Và 600 ha đất trồng chè đã giao khoán cho 800 hộ theo hình thức 135.

Xí nghiệp giao đất cho người dân, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ vật tư nông nghiệp sản phẩm…. Người được giao khoán phải bán lại sản phẩm cho chè tươi cho xí nghiệp. Tuy nhiên, toàn bộ 800 hộ mà trong đó có xóm Điện Biên không bán chè cho xí nghiệp, mà bán tự do trên thị trường.

“Chúng tôi giao đất cho người dân trồng chè, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón… theo Nghị định 135 của Chính phủ, và người dân phải bán chè cho chúng tôi chế biến. Tuy nhiên, đã từ lâu, người dân không bán chè cho xí nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động chế biến chè của xí nghiệp,” ông Phạm Ngọc Châu than thở.

Hoàn cảnh còn bi đát hơn xí nghiệp chè Hạnh Lâm đang hoạt động cầm chừng, xí nghiệp chè Thanh Mai đã đóng cửa hơn 1 năm nay vì không có nguyên liệu chế biến. Khoảng 600 ha đất trồng chè của xí nghiệp chè Thanh Mai cũng đã giao khoán theo hình thức 135 cho khoảng 400 hộ dân địa phương nhưng không có 1 hộ nào bán sản phẩm cho xí nghiệp.

Người dân phá hợp đồng giao khoán, bán nguyên liệu chè cho tư thương bởi giá mà tư thương đưa ra luôn cao hơn giá bán cho xí nghiệp.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc xí nghiệp chè Thanh Mai chua chát: “Không thể ép người dân bán nguyên liệu chè cho xí nghiệp theo giá của xí nghiệp, cũng không thể thu hồi đất đã giao khoán cho người dân”.

Vậy là cả 2 xí nghiệp chè Thanh Mai và Hạnh Lâm được giao quyền quản lý và sử dụng đất đã không còn thực quyền sử dụng nhiều năm nay. Người dân địa phương chưa được giao quyền sử dụng, hay nói cách khác là chưa có sổ đỏ thì lại có thực quyền sử dụng. Qua khảo sát, tình trạng này không chỉ diễn ra ở 2 xí nghiệp Thanh Mai và Hạnh Lâm mà diễn ra phổ biến ở hơn 4.300 ha được giao cho công ty chè Nghệ An.

Thực hiện nghị quyết 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ và Thông tư 02 của Bộ NN & PTNT ngày 21/1/2015 về tiếp tục sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh, ông Hồ Viết An, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An băn khoăn: Cổ phần hóa là phương án đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Tuy nhiên, khi tiến hành cổ phần hóa lợi ích của người dân trồng chè sẽ được xem xét như thế nào?

Về nguyên tắc, cổ phần hóa thì người dân đang nhận giao khoán đất của xí nghiệp sẽ tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông, tiếp tục sản xuất trên diện tích ấy hoặc người dân phải ký lại hợp đồng giao khoán với công ty và buộc phải bán sản phẩm cho các xí nghiệp để các xí nghiệp chế biến.

Thế nhưng, làm sao người dân địa phương có thể bỏ tiền mua cổ phần, trở thành cổ đông của công ty để tiếp tục sản xuất trên diện tích đất mà họ đã xem là của họ. Khi ấy, mâu thuẫn đất đai giữa nông trường và người dân địa phương không những không giải quyết được mà còn có thế bùng nổ xung đột, gây mất an ninh chính trị ở địa phương.

Tự “soi gương” để tự đổi mới sắp xếp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “bình mới rượu cũ” của cuộc đổi mới sắp xếp nông lâm trường hơn 10 năm trước. Thế nhưng, thực tế cho thấy đổi mới sắp xếp của các nông lâm trường lần này rất có thể lại đi vào “vết xe đổ” trước đó.

Nông trường chè Nghệ An được giao quản lý và sử dụng hơn 4.300 ha đất, sau nhiều lần sắp xếp đổi mới, hiệu quả sử dụng diện tích đất được giao vẫn còn thấp, tình trạng tranh chấp đất đai giữa nông trường và người dân không những chưa được giải quyết mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 30 “tiếp tục đổi mới sắp xếp nông lâm trường” với mục tiêu giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại của nông lâm trường quốc doanh mà nhất là tình trạng tranh chấp đất đai giữa nông lâm trường với người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai sắp xếp đổi mới ở nông trường chè Nghệ An cho thấy, mâu thuẫn đất đai giữa người dân với nông trường không chỉ chưa thể giải quyết mà có thể còn dẫn đến xung đột ở mức độ cao hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Đi giám sát đất nông-lâm trường, chúng tôi về cứ buồn mãi"
"Đi giám sát đất nông-lâm trường, chúng tôi về cứ buồn mãi"

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh cho biết, qua giám sát đất nông, lâm trường cho thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản khá nghiêm trọng.

"Đi giám sát đất nông-lâm trường, chúng tôi về cứ buồn mãi"

"Đi giám sát đất nông-lâm trường, chúng tôi về cứ buồn mãi"

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh cho biết, qua giám sát đất nông, lâm trường cho thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản khá nghiêm trọng.

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!
Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

(VOV) - Nhiều địa phương và nông, lâm trường vẫn đang lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp.

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

(VOV) - Nhiều địa phương và nông, lâm trường vẫn đang lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp.

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?
Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.