Tăng trưởng kinh tế: Cân nhắc một số chỉ tiêu khó khả thi

VOV.VN - Ủy ban kinh tế Quốc hội chỉ rõ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm, thấp hơn giai đoạn trước.

Báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu tiếp tục giảm và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền, diễn biến chính trị, xã hội, xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi, tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt…đã tác động nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta so với dự báo đầu năm 2015.

Hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp

Với chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế cao nhất so với các năm của Kế hoạch 5 năm, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp. An sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, bên cạnh những kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra. Mặc dù điều này sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra cho thấy, khu vực nông nghiệp 9 tháng năm 2015 chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014. Mặc dù nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Đáng chú ý, năm 2015 nhập siêu đã trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu. Mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng.

“Có ý kiến lo ngại, nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân, sẽ dẫn đến cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ.

Trong công tác dự báo và điều hành chỉ tiêu lạm phát còn nhiều ý kiến khác nhau, trong 2 năm 2014-2015, lạm phát thực tế thấp xa so với kế hoạch đề ra cho thấy mặt tích cực củng cố thêm đối với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, tạo lòng tin vào đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Cũng theo Ủy ban kinh tế Quốc hội, việc cân đối NSNN còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 5% GDP không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Có ý kiến cho rằng chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi NSNN cho chi thường xuyên và trả nợ. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Việc thực hiện một số chính sách mới như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp. Kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là thấp xa so với nhu cầu chính đáng của ngư dân, chưa đáp ứng và góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo như mong muốn của nhân dân.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, với việc ra đời của Hiến pháp 2013, nhiều đạo luật được ban hành mới và sửa đổi, bổ sung, chất lượng được nâng cao, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; theo xếp hạng về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam từng bước được cải thiện, năm 2015 xếp hạng 56 tăng 12 bậc so với năm 2014 (hạng 68).

Ủy ban kinh tế Quốc hội đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đã có những chuyển biến rõ nét: Đối với năng lượng, nhiều công trình lớn đã hoàn thành và đang được xây dựng như thủy điện Sơn La, Lai Châu; nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Vũng Áng; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn... Hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể như cải tạo mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, một số sân bay được mở rộng nâng cấp hiện đại; thị trường viễn thông phát triển nhanh và vững chắc. Hạ tầng đô thị, nhất là ở các thành phố có bước phát triển. Hạ tầng thương mại với hệ thống siêu thị, chợ phát triển khá nhanh. 

Cân nhắc một số chỉ tiêu khó khả thi

Thẩm định và đánh giá về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tiếp tục những mục tiêu đang được triển khai ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 dự kiến khó khăn hơn năm 2015 với tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm nhất là các nước đối tác kinh tế lớn với nước ta. Tuy nhiên, đa số ý kiến đồng tình các chỉ tiêu Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị cân nhắc một số chỉ tiêu khó khả thi như tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu 5%. Do sự phục hồi của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như tiếp tục giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội hóa đầu tư vào khu vực dịch vụ công chưa nhiều sẽ dẫn đến giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Ủy ban kinh tế  đề nghị bội chi ngân sách nhà nước là dưới 5%.

Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đa dạng hóa, phát triển đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại thị trường, bảo đảm vận hành thông suốt và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Thực hiện cơ chế thị trường, cần sớm tách dịch vụ công có khả năng sinh lời ra khỏi các cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đối với cung cấp dịch vụ công, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm 2016, nước ta tiến hành các thủ tục theo quy định trình Quốc hội phê chuẩn và xây dựng chương trình hành động cụ thể nội dung và bước đi triển khai các hiệp định mới như TPP, FTA Việt Nam-EU. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường. Thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, triển khai đồng bộ các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh không thấp hơn 4 nước hàng đầu khu vực ASEAN.

Đặc biệt, cần có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp tục rà soát các nhiệm vụ chi, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không có nguồn đáp ứng, không chi vượt dự toán; tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao tăng giá trị gia tăng đối với sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân vừa tác động hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đưa nền kinh tế cất cánh: Việt Nam cần tận dụng triệt để hai cơ hội
Đưa nền kinh tế cất cánh: Việt Nam cần tận dụng triệt để hai cơ hội

VOV.VN -Tiến sỹ Trần Du Lịch chỉ ra hai cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng triệt để đưa nền kinh tế cất cánh. Đó là môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và điều kiện hội nhập cũng như vị thế của Việt Nam ngày càng thuận lợi.

Đưa nền kinh tế cất cánh: Việt Nam cần tận dụng triệt để hai cơ hội

Đưa nền kinh tế cất cánh: Việt Nam cần tận dụng triệt để hai cơ hội

VOV.VN -Tiến sỹ Trần Du Lịch chỉ ra hai cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng triệt để đưa nền kinh tế cất cánh. Đó là môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và điều kiện hội nhập cũng như vị thế của Việt Nam ngày càng thuận lợi.

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt

VOV.VN -Với chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhiệm vụ then chốt

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt

VOV.VN -Với chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhiệm vụ then chốt

Kinh tế 2011 - 2015: Các khoản nợ công nằm trong giới hạn an toàn
Kinh tế 2011 - 2015: Các khoản nợ công nằm trong giới hạn an toàn

VOV.VN - Đến hết năm 2015, nợ công của Việt Nam ở trong khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%.

Kinh tế 2011 - 2015: Các khoản nợ công nằm trong giới hạn an toàn

Kinh tế 2011 - 2015: Các khoản nợ công nằm trong giới hạn an toàn

VOV.VN - Đến hết năm 2015, nợ công của Việt Nam ở trong khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%.