Thận trọng khi phát triển mắc ca tại Việt Nam
VOV.VN - Phát triển mắc ca một cách bền vững, để người dân có thu nhập cao hơn chứ không để doanh nghiệp và người trồng mắc ca chịu rủi ro.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn tại hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức ngày 4/6 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội thảo |
Khẳng định về hiệu quả kinh tế của cây mắc ca, các diễn giả tại hội thảo nêu lên các ý kiến đa chiều về phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng đòi hỏi các yêu cầu về áp dụng trình độ công nghệ hiện đại trong khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm.
Tại Việt Nam, cả nước hiện có hơn 2.000 ha được trồng ở các mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm ở các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân ở 2 khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Theo ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, để phát triển cây mắc ca cần trả lời các câu hỏi: trồng giống mắc ca nào, trồng ở đâu, trồng bao nhiêu thì đủ.
Còn ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Thường trực Tổng hội nông nghiệp Việt Nam cho rằng: sản phẩm của cây mắc ca tiêu thụ ở đâu, hiệu quả kinh tế mang lại của cây mắc ca so với các cây trồng khác như thế nào. Để trả lời những câu hỏi này phải có thông tin nhiều chiều và chính xác, làm cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước quy hoạch và đưa ra định hướng về loại cây trồng này.
Hội thảo phát triển mắc ca tại Việt Nam |
Một số ý kiến đề xuất, ngoài tính thích ứng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam và sản lượng hạt mắc ca, cần đánh giá các chỉ tiêu khác về chất lượng và hiệu quả như: tính ổn định về sản lượng quả mắc ca qua các năm; kích thước hạt; tính chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi khác của tự nhiên. Trong đó, quy hoạch vùng trồng và sử dụng một hay nhiều loại giống cho mật độ trồng khác nhau…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Hà Công Tuấn cho biết, sau khi nghiên cứu và khảo nghiệm Bộ đã công nhận 10 giống đảm bảo chất lượng có thể trồng tại Việt Nam. “Quan điểm của ngành là cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng trong phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Việc quy hoạch phải đặt trong quy hoạch ngành hàng mới chứ không chỉ đơn thuần là quy hoạch trồng cây mắc ca,” ông Tuấn nói.
Ngoài những điều kiện về sinh học, theo ông Tuấn, khí hậu thổ nhưỡng đất đai rất quan trọng. Ngoài ra, cần phải nắm bắt được khả năng cung cầu trên thị trường của sản phẩm mắc ca. Ông Tuấn khuyến cáo người dân nên sử dụng những giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận về chất lượng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, Bộ đang tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các địa phương khảo nghiệm trồng mắc ca. Trên cơ sở này, Bộ sẽ cân nhắc việc ban hành quy hoạch về phát triển mắc ca tại Việt Nam./.