Vì sao Big C và Metro có trên 10 cơ sở phân phối tại Việt Nam?
VOV.VN -Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nguyên nhân là các nhà phân phối này được cấp phép trước khi Việt Nam gia nhập WTO, khi đó quy định khác bây giờ.
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều qua liên quan đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Sáng nay, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa tiếp tục đặt vấn đề này. Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa: Về hệ thống phân phối nội địa, tôi nghĩ rằng bức tranh không sáng sủa như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giải trình hôm qua.
Thị phần của doanh nghiệp FDI không phải chỉ 3,4%
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa dẫn chứng: Trước hết, Bộ trưởng cho rằng, cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có 70/800 cơ sở, nhưng chúng ta quên một điều là một cơ sở bán lẻ của nước ngoài có quy mô và doanh thu gấp 4-5 lần các cơ sở bán lẻ của Việt Nam. Cho nên, nếu quy đổi lại, số lượng các cơ sở bán lẻ nước ngoài lên tới hàng trăm cơ sở chứ không chỉ có 70 cơ sở.
Thứ hai, theo ông Hòa, cho rằng thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3,4%, đó là so sánh trên tổng thị trường bán lẻ, bao gồm tất cả các ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có tính chất đặc thù như xăng dầu, vàng bạc. Ở đây, nếu chỉ quan tâm đến thị trường bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, hàng tiêu dùng thiết yếu, thì loại trừ những mặt hàng kinh doanh có tính chất đặc thù như xăng dầu có tính chất độc quyền, vàng bạc có tính chất đặc trưng... thì như thế, thị phần của doanh nghiệp FDI không phải chỉ 3,4% mà lớn hơn rất nhiều.
Thứ ba, theo ông Hòa, nói rằng nước ta đã thực hiện các cam kết của WTO, nhưng trên thực tiễn việc này làm chưa đạt. Chúng ta có 9 mặt hàng loại trừ nhưng các mặt hàng này đều được bán ở các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn gạo, đường... đều có thể dễ dàng mua ở các cơ sở có yếu tố nước ngoài.
Thứ tư, chúng ta có kiểm tra yêu cầu kinh tế INT, nhưng thực tế việc này chưa cụ thể, chúng ta vẫn cấp phép cho các tổ chức bán lẻ nước ngoài lên tới hàng chuỗi với số lượng rất lớn. Như trong báo cáo của Bộ Công Thương, hệ thống Big C có 30 điểm bán, Parkson có 8 trung tâm thương mại, Lotte có 11 trung tâm thương mại chứ không phải đơn thuần là cơ sở bán lẻ thứ hai, thậm chí còn cấp phép cho cơ sở bán lẻ thứ hai nằm cách cơ sở trước đó trong vòng 800 m hoặc 1 km.
So sánh cơ sở bán lẻ của nước ngoài với Việt Nam là khập khễnh
Về chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích: “Khi chúng tôi nêu một số con số, đúng là cũng phải trao đổi kỹ hơn. Một là, về số cơ sở doanh nghiệp nước ngoài trong hệ thống phân phối vì sao chỉ có 70/800 cơ sở bán lẻ? Theo mô hình hiện đại, đúng là so một cơ sở của nước ngoài với một cơ sở của Việt Nam, có vẻ hơi khập khễnh.
Tuy nhiên, “điều quan trọng chúng tôi muốn nói, như đã báo cáo, thị phần của bán lẻ của DN nước ngoài năm 2013 và 2014 khoảng 3,4% trên tổng số doanh số bán lẻ. Con số 3,4%, trong các siêu thị của những doanh nghiệp bán lẻ lớn của nước ngoài như Big C, Metro thì tới 90% là hàng Việt Nam”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Còn về kiểm tra yêu cầu kinh tế INT, theo Đại biểu, có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải chỉ có cơ sở bán lẻ thứ 2, thứ 3 mà thậm chí tới hơn 10 cơ sở, ví dụ Metro tới 19 cơ sở.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo Quốc hội rằng, Metro được cấp phép trước khi chúng ta gia nhập WTO, với tính chất là một doanh nghiệp thí điểm. Cho nên, tại giấy phép đầu tư đã cấp vào năm 1995, khi đó chưa có những qui định chặt chẽ như bây giờ. Trường hợp Big C cũng tương tự. Vậy nên việc cho phép các cơ sở thứ 2, thứ 3 trở đi phụ thuộc vào ý kiến chủ quan, không có quy định INT, nên số lượng nhiều như vậy. Sau khi gia nhập WTO, các quy định đã khác. Việc cấp phép cơ sở thứ 2 trở đi phải kiểm tra INT.
Còn về kiến nghị của ông Hòa đối với Bộ trưởng Công Thương hãy dành thời gian làm việc với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và một số nhà bán lẻ Việt Nam để cùng nhau trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp: Trong thời gian qua, chúng tôi đã có cơ chế phối hợp với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Người tiêu dùng Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức một số cuộc tham vấn 2 Hiệp hội này khi bàn về vấn đề phát triển hệ thống phân phối, trong đó có bán lẻ ở Việt Nam. Khá nhiều ý kiến của 2 hiệp hội, Bộ đã tiếp thu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội khi xem xét, bàn cơ chế chính sách, giải pháp phát triển hệ thống phân phối, trong đó có bán buôn, bán lẻ ở nước ta, theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh và vươn lên đáp ứng các yêu cầu trong nước và sau này có thể phát triển mạnh ra cả nước ngoài./.