Tàu điện Hà Nội thời Pháp thuộc

Mỗi đoàn tàu có 2 hoặc 3 toa, ở toa đầu có chia ra 2 hạng vé: hạng nhất, hạng nhì. Hạng nhất có ghế đệm, ngồi ngang nhìn thẳng; hạng nhì ngồi dọc ghế cứng... 

Cách đây hơn 1 thế kỷ, tàu điện được xây dựng ở Hà Nội. Lịch sử tàu điện Hà Nội như sau:

Tháng 5/1890, Công ty Điện địa Đông Dương xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào Công ty này (tên Pháp là Usine de la Société des tramways électriques de L’ Indochine). Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thuỵ Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là “Nhà máy tàu điện Thuỵ Khuê”.

Xưởng tàu điện Thụy Khuê, đầu thế kỷ XX
Ngày 13 tháng 9 năm 1900, tàu chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê. Chợ Đồng Xuân đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. “Nhà tàu” hái ra tiền, thu bộn lợi.

Do vậy sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp, khánh thành ngày 10/11/1901. Lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng). 

2  năm sau, người ta bỏ đoạn Cửa Nam – Sinh Từ - Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng ngày nay).

Năm 1906, tuyến đường xe điện Bờ Hồ - Chợ Mơ được xây dựng và khánh thành ngày 18/12/1906. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê lên tận Chợ Bưởi.

Năm 1915 đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông nhưng phải dừng ở bên này Cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu.

Trong năm 1929 đó có thêm được tuyến Yên Phụ - ngã Tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn) để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai).

Như vậy là tới năm 1929, từ ga Trung tâm Bờ Hồ (Ga Tàu điện Bờ Hồ nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) toả ra 6 ngã: lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng, tức cũng là toả ra 6 cửa ô nối nông thôn với nội thành…

Đường Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài)
Đoạn đường nay là đầu phố Hàng Bài
Bên tay phải là tháp Hòa Phong
Đoạn qua tháp Hòa Phong trước cửa Bưu điện Bờ Hồ, đầu thế kỷ XX
Đoạn đường nay là phồ Hàng Dầu
Tàu điện trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân thời thuộc Pháp

Thời Pháp thuộc mỗi đoàn tàu có hai hoặc ba toa, ở toa đầu có chia ra hai hạng vé: hạng nhất, hạng nhì. Hạng nhất có ghế đệm, ngồi ngang nhìn thẳng; hạng nhì ngồi dọc ghế cứng. Hàng hoá chất ở dưới ghế, thúng mủng quang gánh móc ở bên ngoài toa cuối.

Mạng lưới đường xe điện cũ vào khoảng 30 km và bao gồm 5 tuyến đường và Bờ Hồ chính là trạm trung tâm.

Trong những thập niên đầu của thế kỉ XIX tàu điện gần như là một trong những biểu tượng của Hà Nội xưa và cũng là phương tiện giao thông chính của khu vực Hà Nội./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên