Giữ lấy tiếng mẹ đẻ

Nhiều thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt được sinh ra và học tập ở nước ngoài, nên có một thực tế là rất nhiều trường hợp không biết nói tiếng Việt hoặc nói không sõi.

>> Chuyên mục Học tiếng Việt

Hiện tại, có gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 102 nước và vùng lãnh thổ. Sinh hoạt trong môi trường khác lạ với nhiều vất vả, khó khăn nhưng họ đã cần cù lao động, học tập, phấn đấu không mệt mỏi để tạo dựng cho mình một tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức, hội nhập thành công và có cuộc sống ngày càng ổn định ở nước sở tại. Có được thành công đó nhờ vào sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và gắn bó với quê hương, Tổ quốc.

Sợi dây đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh to lớn ấy chính là những giá trị văn hoá Việt Nam cao đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam xa xứ, được biểu hiện trong niềm tự hào về truyền thống lịch sử, trong phong tục, tập quán, nếp sống; trong đối nhân xử thế. Những giá trị văn hoá ấy được hình thành và thấm sâu vào mỗi con người Việt Nam trong nhiều năm tháng bằng nhiều nguồn khác nhau mà một trong những công cụ hữu hiệu nhất chính là tiếng Việt.

Ngôn ngữ dân tộc vừa thể hiện rõ nét nhất đặc trưng của dân tộc vừa phản ánh, bảo tồn nền văn hoá  dân tộc. Tiếng Việt sẽ góp phần giúp những người Việt Nam xa quê hương gần gũi nhau hơn, gần gũi với quê hương, đất nước hơn.

Với mục tiêu giữ gìn tiếng nói của dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 281/2004/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Dựa trên Đề án đã được phê duyệt, năm 2006, Bộ GD-ĐT ban hành hai bộ chương trình cho đối tượng thanh thiếu niên và người lớn. Bộ GD-ĐT đã thông qua ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để chuyển tài liệu và sách của đề án đến các nước. Ban Điều hành Đề án cũng đã chuyển nội dung tới Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng chương trình và giáo trình audio/video phát trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) và Đài Tiếng nói Việt Nam để bà con kiều bào có thể học tự học tiếng Việt qua đài.

Tuy nhiên, do đề án này mới được triển khai ở một số nước nên theo phản ánh của bà con kiều bào, họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc cho con em mình học ngôn ngữ mẹ đẻ.

Bà Yumiko Hồ
Bà Yumiko Hồ, Việt kiều Nhật Bản: Nên mở lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào

Ở bên Nhật chưa có lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam mà bản thân mỗi gia đình tự dạy cho con em mình hoặc cũng có một nhóm bạn bè lựa chọn ra một người dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ. Tôi thấy nước Nhật rất chú ý đến việc dạy tiếng Nhật cho con em họ ở nước ngoài.

 Ví dụ như con em người Nhật hiện sống tại Việt Nam cho dù đang theo học ở bất cứ trường nào nhưng cứ vào ngày thứ bảy, các cháu từ lớp mẫu giáo đến lớp 10 đều được đưa đến trường học của Nhật để họ dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho con em mình, để khi về nước các cháu khỏi bỡ ngỡ và hòa nhập nhanh chóng.

Tại các lớp học tiếng Nhật, Nhà nước hỗ trợ kinh phí một phần, các bậc phụ huynh chỉ phải đóng góp một phần nhỏ. Nếu mà Việt Nam làm được điều này thì rất tốt. Theo tôi, ở Nhật, chỗ nào có đông người Việt Nam sinh sống nên có một lớp học tiếng Việt được ấn định vào một ngày nào đó để cha mẹ đưa con mình đến học.

Bà Bùi Ái Phượng
Bà Bùi Ái Phượng, Việt kiều Italy: Cha mẹ phải quyết tâm

Ở Italy tại một số vùng có đông người Việt Nam sinh sống thỉnh thoảng cũng có những lớp học tiếng Việt được mở, phần nhiều do những sinh viên Việt Nam sang đây du học tình nguyện dạy cho các cháu. Một số vùng có ít người Việt sinh sống hơn, người học có thể truy cập vào trang web để học. Gia đình tôi có một cháu gái năm nay lên 10, bố mẹ bận rộn, lớp học tiếng Việt thì ở xa, để cháu khỏi quên ngôn ngữ mẹ đẻ, vợ chồng tôi quy định, khi ở nhà vợ chồng chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Khi đi gặp gỡ, giao lưu với những bạn bè người Việt Nam, chúng tôi cũng thường cho cháu theo. Trong những cuộc gặp gỡ này, chúng tôi nói với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Do đó, con gái tôi không chỉ nói sõi ngôn ngữ của nước sở tại mà cháu nói tiếng Việt cũng rất chuẩn.

Sống ở nước ngoài, nếu cha mẹ không quyết tâm, các cháu sẽ không thể nói được tiếng mẹ đẻ, bởi cho dù có cho cháu đi học nhưng cha mẹ không thường xuyên nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ, các cháu sẽ nhanh chóng quên đi những điều đã học. Tôi cũng mong trang web dạy tiếng Việt, VTV4, Đài TNVN thường xuyên cung cấp cho chúng tôi phương pháp dạy tiếng Việt để chúng tôi có thể tự dạy cho con em mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Hiền
Bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Việt kiều Nga: Khó tìm mua sách giáo khoa tiếng Việt

Nhiều thế hệ thứ hai, thứ ba ở Nga bây giờ không còn nói được tiếng mẹ đẻ một phần do cha mẹ các cháu muốn các cháu sống như những người dân bản xứ thực sự, không bị phân biệt, một phần do họ mải làm ăn buôn bán và cũng không đủ trình độ để dạy con em mình. Các lớp dạy tiếng Việt ở Nga chưa nhiều. Thêm nữa, muốn tìm mua sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho con em cũng khó, tôi có điều kiện thường xuyên về Việt Nam nên mỗi lần về, tôi mua sách giáo khoa qua để dạy cho các cháu. Nếu Nhà nước quan tâm, ở những nơi có đông người Việt sinh sống, cử giáo viên sang dạy tiếng Việt cho các cháu vào thứ bảy, chủ nhật thì rất tốt chứ chỉ dựa vào những giáo viên tình nguyện thì việc học của các cháu không có hệ thống.

Ông Vũ Khắc Lộc
Ông Vũ Khắc Lộc, Việt kiều Thái Lan: Tùy theo lứa tuổi mà có cách dạy khác nhau

Thế hệ thứ tư, thứ năm là con em người Việt sinh ra ở Thái Lan đa phần không biết tiếng Việt. Vì trước đây, nếu biết là con em người Việt, Chính phủ Thái Lan sẽ gây khó khăn trong việc học tập, họ không cho học đại học và cao hơn. Vì thế, nhiều gia đình Việt Nam đã gửi con cho người Thái nuôi để che giấu nguồn gốc. Bây giờ, chính sách nhà nước Thái đã có nhiều thay đổi tạo điều kiện cho con em Việt kiều được hòa nhập xã hội sở tại, được học lên đại học. Vì thế, bà con chú ý đến việc dạy tiếng Việt cho con em mình hơn. Hội người Việt Nam ở Thái Lan tìm sách dạy tiếng Việt ở trong nước rồi biên soạn cho phù hợp để dạy cho các cháu. Tùy theo từng lứa tuổi, trình độ mà có cách dạy khác nhau, chủ yếu là dạy cho chúng nghe, nói.

Ông Nguyễn Văn Thọ
Ông Nguyễn Văn Thọ, Việt kiều Đức: Phải đổi mới giáo trình

Trẻ em Việt Nam thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Châu Âu không thích học tiếng Việt vì nhiều lý do, trong đó có lý do giáo trình dạy tiếng Việt không phù hợp với chúng. Sống ở phương Tây, trong một môi trường văn hóa khác, đời sống tình cảm của chúng cũng khác nên giáo trình phải thay đổi. Ví dụ, chúng ta không thể mang những phong cảnh khô cứng ở Việt Nam sang bắt chúng học vì chúng không thể tưởng tượng, hình dung được phong cảnh đó thì chúng không thích học.

Do đó, giáo trình phải đổi mới, phải nghiên cứu đến nơi đến chốn chứ không phải có một đề án ở Việt Nam rồi đem đi áp dụng chung ở khắp mọi nước. ở Đức, việc dạy tiếng Việt khá thuận lợi bởi bên đó có những tổ chức của chính phủ ở các quận, thành phố rất quan tâm đến cộng đồng người Việt, họ tài trợ tiền, tìm giáo viên dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam. Rồi các hội đoàn cũng tìm giáo viên dạy tiếng Việt cho con em mình. Và nhiều người có lòng cũng tình nguyện dạy tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt. Bởi thế, nếu có giáo trình phù hợp, việc dạy tiếng Việt ở Đức sẽ rất thuận lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên