Hồn quê qua nét vẽ

Hơn 20 năm sống xa Tổ quốc, hoạ sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh (Việt kiều tại Đức) vẫn không rời cây cọ. Mỗi tác phẩm của chị đều thấm đẫm hồn quê, đem đến cho bạn bè quốc tế một cách nhìn mới về đất nước và con người Việt Nam.

Gửi nỗi nhớ vào tranh

Năm 1989, khi đang là hoạ sĩ của báo Đại Đoàn kết và đã tổ chức được một số cuộc triển lãm trong nước tạo được sự chú ý của công chúng, hoạ sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh có một quyết định gây “sốc”: Đi xuất khẩu lao động tại Đức. Ngoài “tài sản” quý giá nhất của cuộc đời mình là 2 đứa con thơ, hoạ sĩ Đoàn Thanh sang Đức với hai bàn tay trắng. Đến tận bây giờ, khi hình dung lại những ngày vất vả cực nhọc, chị vẫn tự hỏi, không biết vì sao lại có đủ nghị lực để vượt qua.

Sang Đức, chị được cử làm tổ trưởng tổ dệt trong một nhà máy ở Đông Đức, quản lý toàn công nhân lao động là người Việt Nam. Những ngày đầu vất vả, tiếng Đức chưa thạo, con nhỏ hay ốm đau, tưởng rằng chị sẽ quên đi “nghiệp vẽ”của mình. Nhưng mỗi khi chợp mắt, nỗi nhớ nghề cứ len lỏi vào trong giấc ngủ của chị… Rồi chị lại vẽ và những bức vẽ của chị đã lọt vào mắt xanh của nhiều hoạ sĩ ở thành phố Zittau. Có người biết đến chị qua các cuộc triển lãm tranh quốc tế trước đây, họ càng nhiệt tình ủng hộ chị. Các hoạ sĩ đã giúp chị tổ chức nhiều cuộc triển lãm chung với họ. Xem tranh của Đoàn Thanh, với những phong cảnh núi rừng Tây Bắc lãng đãng trong sương, thấp thoáng hình ảnh các cô gái vùng cao trong các trang phục của dân tộc, nhiều người Đức trầm trồ thán phục. Có người đã mua một lúc nhiều bức tranh ngay tại triển lãm vì “Việt Nam đẹp quá”. Có người “tò mò” sang tận Việt Nam để được ngắm nhìn cảnh đẹp như mơ của núi rừng Tây Bắc và những bộ trang phục của các thiếu nữ dân tộc thiểu số.

Một tác phẩm của hoạ sĩ Đoàn Thanh
Hoạ sĩ Đoàn Thanh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ và bắt đầu tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân ở các thành phố Zittau và Lobau, bảo tàng thị xã Neugersdorf, Hernhut… thu hút được sự quan tâm của giới nghệ thuật Đức.

Năm 1991, nước Đức thống nhất, nhiều công nhân tại nhà máy nơi chị làm bị mất việc và được trợ cấp một khoản tiền để về nước. Đoàn Thanh cũng nằm trong số đó. Chị chuyển đến định cư tại Furth. Ở đây, chị may mắn nhận được sự trợ giúp bởi có rất nhiều hoạ sĩ ở Furth từng biết đến chị. Năm 1995, cùng với các hoạ sĩ tên tuổi của Đức và Nhật, chị mở triển lãm “Những họa sĩ sống tại thành phố Furth vẽ cho hòa bình”, gây được tiếng vang lớn trong giới chuyên môn.

Năm 2004, hoạ sĩ Đoàn Thanh khánh thành Gallerie & Caffe tại trung tâm thành phố Nurnberg. Tranh của chị luôn mang nét tươi tắn, trẻ trung và mạnh mẽ với những gam màu sáng, đưa người xem như lạc vào phong cảnh miền quê tuyệt đẹp của Việt Nam bừng sáng sắc hoa và nắng… Cũng từ những bức tranh này, đã đem đến cho người xem một cách nhìn mới về đất nước và con người Việt Nam. “Tôi muốn qua cuộc triển lãm, bạn bè quốc tế biết thêm về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam. Họ đã thực sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp thiên nhiên và nét văn hoá của Việt Nam.” - Chị tâm sự.

Duyên nợ với vùng cao

Thỉnh thoảng, chị lại về Việt Nam lấy thêm chất liệu để sáng tác. Mỗi lần về, chị lại đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, ăn cùng, ngủ cùng, lên nương cùng với bà con các dân tộc thiểu số. Vì thế, mỗi bức tranh của chị đều mang đậm hơi thở cuộc sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Họa sỹ Đoàn Thanh đã mở một số triển lãm cá nhân về Việt Nam như: “Việt Nam - con người và tác phẩm” tại Saalfeldent thuộc Cộng hòa Áo; “Bức tranh Quê hương Việt Nam” tại Phòng tranh vùng Burgfarmbach, triển lãm trong Gallerie ánh sáng với “Nỗi nhớ về Mặt trời”; Trưng bày tranh về sinh hoạt & phong cảnh Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán của Đại sứ quán Việt Nam tại tòa nhà thị chính Tây Berlin Schoneberg năm 2002…

Hoạ sĩ Đoàn Thanh là người có duyên nợ với bản làng và thung lũng vùng cao. Năm 1968, khi mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh đầu tay “Nữ dân quân tập bắn” của chị vẽ về các cô dân quân miền núi phía Bắc. Bức tranh này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua với giá bằng mấy tháng lương của công chức Nhà nước lúc bấy giờ. Hoạ sĩ Đoàn Thanh tâm sự: “Phong cảnh và con người các dân tộc miền núi phía Bắc như có ma lực đối với tôi. Một vẻ đẹp lãng đãng, vừa thực, vừa hư ảo đã tạo nên sự quyến rũ kỳ lạ. Vẻ đẹp này cũng khá phù hợp với sở trường của tôi là tranh lụa và khắc gỗ”. Với nhiều cuộc triển lãm được tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là những bức tranh: “Họa sĩ miền núi”, “Thiếu nữ Thái bên suối”, “Tết Trung thu”, “Bản làng trong thung lũng”…, tranh của Đoàn Thanh đã có vị trí trong làng mỹ thuật Việt Nam.

Người chồng hiện nay của chị là kỹ sư người Áo tên Erich Retteensteiner, kém chị 14 tuổi, một trong những người mê tranh của chị. Yêu vợ, anh yêu cả nét đẹp văn hoá của quê hương vợ. Anh cần mẫn học tiếng Việt để có thể hiểu hơn về nền văn hoá của Việt Nam. Anh đã mở riêng cho vợ một trang web (www.doan-thanh.vietnam-infothek.de) để giới thiệu tranh của chị cũng như nền văn hoá của Việt Nam đến với bạn bè thế giới. “Tôi thấy cuộc sống của mình thực sự hạnh phúc và có ý nghĩa hơn từ khi có Erich. Anh luôn quan tâm, động viên để tôi được thoả sức sáng tạo nghệ thuật.” - Đôi mắt chị ngời sáng khi khoe về người chồng của mình.

Có lẽ hạnh phúc lớn nhất đối với hoạ sĩ Đoàn Thanh sau 20 năm xa quê là cuối năm 2008, chị đã thực hiện được dự định của mình là mở triển lãm tại quê nhà. Triển lãm giới thiệu 42 bức tranh lụa, khắc gỗ, màu nước và sơn dầu, thấm đượm tình cảm thương mến đối với quê hương./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên