Người đẹp Đặng Tuyết Mai về Việt Nam mở quán “Phở ta”

Vào cái tuổi U60 mà Tuyết Mai vẫn giữ được cái dáng lưng ong thon mềm mại như thời con gái, vẫn  trẻ trung khi nói, vô tư khi cười, nhưng khi bắt tay vào bếp núc thì tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát mọi việc.

Ngày đầu tiên từ Mỹ trở về Việt Nam, chị bay liền về Hà Nội nóng lòng thăm lại mái nhà xưa. Thuở bé, nhà ở phố Hòa Mã, gần chợ Hôm, có lẽ vì thế nên chị nhớ rất nhiều món ăn xưa của người Hà thành. Hôm nay gặp lại những đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, ngồi với nhau nhắc lại những món khoái khẩu ngày xửa ngày xưa, ánh mắt ai cũng lấp lánh như con trẻ, tranh nhau kể những món nào là bánh đúc nóng rưới nước mắm thịt bằm chưng hành, bánh cuốn Thanh Trì, bún ốc nguội, cháo trai rau răm, cơm nguội chan nước dưa cải củ ăn với tép rang, phở ăn với cơm nguội, nhớ mãi miếng thịt nạm gàu bò thái mỏng nhai ròn xật. Rồi mỗi khi đi qua hàng cơm tám giò chả thơm lừng ở Phố Huế nghe bụng đói cồn cào. Nhớ cả những củ sắn ruột vàng thơm dẻo ngọt, những củ khoai lang mật vỏ tím lựng hấp dẫn…

Chị kể, ngày nhỏ chẳng biết gì về nấu nướng. Lớn lên lấy chồng, nhà có mấy đầu bếp, người chuyên nấu món miền Bắc, người chuyên nấu món Nam, người nấu món tây và các món để tiếp khách. Nhưng Tuyết Mai thích “lăn vào bếp” quan sát kỹ năng chế biến của họ. Nhờ khéo tay nên chị đã tự nấu các món đặc sản để chồng tiếp khách.

Tuyết Mai rất thích phở, thỉnh thoảng chị làm món phở mời bạn bè. Ăn riết thành “ghiền” rồi bạn bè “xúi” Tuyết Mai bán phở để có phở ăn dài dài. Và… Tuyết Mai về Việt Nam mở quán “Phở ta”. Chị bảo: Trong tất cả các món ăn của Việt Nam, món phở có thể “dụ” người ta đến với mình hấp dẫn nhất. Mở quán cũng là để tạo nơi cho mọi người gần gũi nhau hơn. Ở Mỹ mỗi khi muốn hẹn ai gặp nhau phải lên kế hoạch trước cả tuần, có khi cả tháng, kể cả người ruột thịt cũng vậy. Về Việt Nam chỉ một cuộc điện thoại là đến tối có thể cùng ngồi ăn và “tán dóc” với nhau, hát với nhau. Về quê hương, được sống gần gũi tình cảm bạn bè, thế mới thích.

Từ đầu tháng 9, Tuyết Mai đã bận rộn cải tạo lại số nhà 14 Lê Quý Đôn quận 3 để khai trương “Phở ta” vào ngày trùng cửu 9/9/2009. “Phở ta” ra đời thời @ nên bà chủ quán đã đầu tư từ mặt tiền nhà hàng đến nội thất toát lên những nét kiến trúc hiện đại.

Ngày khai trương, mới có mấy tiếng buổi sáng mà mặt tiền của quán đã như một vườn hoa do khách mang đến chúc mừng. Đó là lý do mới 12h00 trưa đã hết nước chan phở, NSƯT Thanh Bạch cười: “Đến lượt Thanh Bạch thì hết phở, nhưng mọi người gặp nhau ở Phở ta vui quá nên Thanh Bạch cùng các bạn nói chuyện càng vui. Bữa khác sẽ tới thưởng thức sau”. Giáng My - Hoa hậu đất tổ Hùng Vương nhận xét: “Nước phở rất chất lượng, khi ăn không thấy mùi vị bột ngọt. Không chỉ Giáng My đâu, mà ai cũng khen ngon lắm”.

Tâm huyết của Tuyết Mai tạo ra quán “Phở ta” là niềm say mê với một món ăn của đất mẹ

Hai ngày đầu khai trương, bà chủ quán đã chuẩn bị mỗi ngày 800 tô, nhưng cuối cùng khách đến quá đông, ăn hết trên 1.000 tô. Đến nỗi quán “Bún ta” phải hỗ trợ nhân viên sang phụ giúp “Phở ta”.

Trong menu của “Phở ta” có nhiều loại phở, nhưng nhiều người thử phở Mai. Có người ăn xong nhận

Tự tay phục vụ khách
xét: “Trong tô phở Mai có đủ thứ gân, mỡ, gầu, vè, tái, nạm, với màu xanh rau thơm, màu trắng của hành tây, màu đỏ của ớt… như cuộc đời nếm trải sướng, khổ, chua, cay, mặn, ngọt…”

Tâm huyết của Tuyết Mai tạo ra quán “Phở ta” không chỉ để kinh doanh, đó là niềm say mê với một món ăn của đất mẹ. Chị muốn chứng tỏ mình vẫn là một phụ nữ Hà Nội, muốn đáp lại tấm thịnh tình của bạn bè trong và ngoài nước. Tài tử điện ảnh Trần Quang nâng tô phở Mai, vừa gắp mấy cọng giá vào tô vừa nhẩn nha:

Trong tô phở có nước người hiền hậu
Có vườn rau xanh ngát của mẹ tôi
Có bò con đang nhai cỏ trên đồi
Có thiếu phụ nửa chừng xuân tái giá…”

Đó là đoạn của một bài thơ ca tụng phở của Việt kiều nào đó được nhiều người ở hải ngoại biết đến. Mỗi dòng thơ đều có tên một loại thực phẩm trong tô phở và nói lên tình hoài hương của người xa xứ.

Từ nhỏ, Tuyết Mai được dạy dỗ chu đáo và khắt khe về lễ giáo. Chị rất thích nghe cha mình kể chuyện cổ tích Tấm Cám, Mai An Tiêm, sự tích Vua Hùng, Nỏ Thần… Mới 11 tuổi theo gia đình vào Sài Gòn rồi sau năm 1975 định cư tại Mỹ, Tuyết Mai nuôi dưỡng ký ức tuổi thơ Hà Nội suốt gần đời người. Xưa, mẹ dạy chị thế nào, nay chị dạy con như thế. Con gái chị, MC Kỳ Duyên vẫn được mẹ dạy truyền lại: “Mình là con gái mang dòng máu Việt phải sống theo nếp của gia đình Việt, không bao giờ được quên tiếng mẹ đẻ”. Sắp tới, Kỳ Duyên cho hai con của mình về Việt Nam 2 năm để học tiếng mẹ đẻ. Theo chị Tuyết Mai, đó là bước chuẩn bị cho việc gia đình Kỳ Duyên sẽ về sống tại Việt Nam.

Ngày xưa (ảnh do nhân vật cung cấp)

Bây giờ (ảnh do nhân vật cung cấp)

Người đẹp vang bóng một thời nay không còn trẻ, nhưng chưa bao giờ cũ trong mắt bạn bè. Phong cách khuê các, nhưng lại chẳng quản ngại khó nhọc trong công việc. Mở quán “Phở ta” là để được sống với quê hương, chết trên quê hương và để con, cháu theo chân mình mà trở về quê hương./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên