Người Việt ở Tây Czech chuyển nghề

Thời gian gần đây nhiều người Việt Nam kinh doanh ở Tây Czech có xu hướng chuyển sang mở các cửa hiệu sơn sửa móng chân, móng tay và chăm sóc thẩm mỹ…

Ở biên giới phía Tây Czech số lượng người Việt Nam bán hàng tại các chợ vùng biên đang giảm đi. Một trong những người bán hàng nói rằng: công việc làm ăn rất tồi tệ. Mỗi ngày kiếm được khoảng hai chục khách đã là sung sướng lắm rồi; mặc dù, trong số đó có tới một nửa chỉ nhìn ngó mà không mua hàng. Hiện tại đồng euro mất giá nên lượng khách hàng ngày càng giảm. Tại chợ Svatý Kríz sự ra đi của người Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn. Chỉ còn các quầy ven chợ là có người bán. Càng đi sâu vào trong thì số lượng bỏ trống càng nhiều với hơn một nửa số quầy.

Một chợ khác ở Cheb- chợ Dragon vưa được xây lại khang trang cũng chịu chung số phận với chợ Svatý Kríz. Hơn một nửa số quầy bị bỏ không. Nhưng mặt hàng bán chạy trước đây như thuốc lá, rượu, băng đĩa giờ cũng chẳng ai đoái hoài. Sự nhanh nhạy của người Việt Nam được thể hiện qua việc số lượng nhà hàng, quầy ăn nhanh, hiệu cắt gội và sơn sửa móng tay, móng chân và thậm chí cả văn phòng du lịch đã tăng lên nhanh chóng. Chỉ có điều khách hàng còn ít quá.

Một doanh nhân Việt Nam tên là Nguyễn Phùng Hải sống ở Cheb gần 30 năm cũng đã rời bỏ chợ như những người khác để chuyển vào trong phố mở một cửa hàng thực phẩm nhỏ. Ông cho biết: đã thôi bán ở chợ Dragon từ 11 năm nay vì, nhận thấy việc bán hàng ngoài chợ chắc không thể kéo dài mãi. Ai rời chợ trước thì người đó sẽ tiến xa hơn. Ông Hải bán hàng ở cửa hàng của mình từ sáng sớm đến chiều muộn. Thậm chí có khách hàng bấm chuông ban đêm cũng vẫn được phục vụ. Ông Nguyễn Phùng Hải cũng là một trong số ít doanh nhân Việt Nam mang quốc tịch Czech. Một phiên dịch là thành viên của Hội đồng các dân tộc thiểu số ở Cheb tên là Lê Anh Phong cũng khẳng định là việc các chợ kiểu cũ của người Việt biến mất hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian. Chỉ 2 năm nữa là các chợ sẽ bị huỷ bỏ. Một phần đó là do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng mặt khác là do hiện nay ở Đức người ta cũng có thể mua các mặt hàng tương tự bằng giá hoặc thậm chí còn rẻ hơn.

Một phiên dịch khác tên là Đặng Thanh Mai ở chợ Potucky cũng khẳng định là lượng người Đức đến các chợ giảm đáng kể. Người Việt Nam đua nhau bỏ chợ cũng chẳng đủ sống. Chủ yếu họ đi vào trong nội địa tìm cách mở cửa hàng cố định. Theo số liệu của Cảnh sát ngoại kiều tỉnh Karlovy Vary thì trong tỉnh có khoảng 20 nghìn người nước ngoài trong đó có hơn 9 nghìn người Việt Nam và chủ yếu là ở Cheb./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên