Tết này….xa quê!

Tết đã đến cận kề lắm rồi, ngồi đếm ngày bao nhiêu sẽ đến Tết mà lòng bồi hồi. Đó hầu như là tâm trạng chung của những lưu học sinh trên đất Thái.

Vinh (Loi Rajabhat) chia sẻ: “Thời gian này là lúc mà tớ đang bù đầu lên với thi cuối kì nên không thể về được. Đúng ngày 30 tết là ngày tớ thi. Thôi đành ở lại vậy, tớ không thể bỏ thi về ăn tết được mặc dù rất nhớ nhà”.

Không như ở Việt Nam, năm học mới của Thái lan bắt đầu vào tháng 6 và thời gian này là thường là học hoặc thi cuối kì nên đây là thời gian ôn nước rút của các bạn, việc không thể về được cũng là điều dễ hiểu. Hoài lại khác, trường của Hoài lúc này chưa bận rộn thi cử, Hoài lại học cao học nên chỉ học thứ bảy và chủ nhật, việc “bùng” một hai tuần để về quê là chuyện bình thường nhưng cô nàng lắc đầu: “Tớ không về được, tháng 10 tớ về “dính” trận lụt ở Hà Nội nên không ra sân bay được, phải bù lỗ 2 triệu. Tết này đành ở lại ăn Tết xa quê thôi, đi về cũng tốn kém, tội bố mẹ”.

Với những bạn vừa đi học vừa đi làm thì việc về quê ăn Tết là chuyện không tưởng. Hằng vừa dạy tiếng Việt vừa học cao học ở Phixanuloc chia sẻ: “Tết này mình không về được, vừa phải chuẩn bị đề thi cho sinh viên lại phải chuẩn bị ôn thi. Ngày mồng một tết còn phải đi học, thôi coi như là khai bút đầu xuân vậy”.

Lý do không về tết được thì muôn hình vạn trạng và nỗi buồn, nỗi nhớ nhà cũng không ai giống ai. Blog của Hằng: “…Sao bỗng nhiên thèm cái cảm giác lạnh chát của miền Bắc mỗi độ xuân về đến thế! Càng gần năm mới càng cảm thấy nhớ nhà, nhớ nhiều đến cồn cào, cồn cào…!!! Tết năm nay sẽ chúc tết mọi người qua điện thoại. Làm thế nào để không khóc đây??? Chưa bao giờ mình lại thấy hoa đào ý nghĩa như thế này…!”

Hoài tâm sự: “Mình đã dặn đứa bạn thân Tết vào nhà xem các cụ chuẩn bị Tết thế nào. Bình thường nếu mình ở nhà thì mình sẽ đi mua hoa, mua kẹo bánh và trang trí nhà cửa rồi. Năm nay chắc bố mẹ sẽ bận rộn hơn, không về được đành phải nhờ bạn vào giúp vậy”. Với Vinh, con trai thì không mít ướt rồi nhưng chắc cậu cũng không khỏi chạnh lòng ngày ba mươi, khi một mình nhớ đến mâm cơm tất niên ở nhà.

Họ là những người Việt trẻ xa quê, là những người lần đầu tiên ăn tết xa nhà, là những cảm giác yêu thương và nhớ nhung về gia đình, về quê hương và những ý tưởng đón tết nơi đất khách quê người:

Hằng đã chuẩn bị sẵn những món quà cho thầy cô giáo: “Ở Việt Nam mình, mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy. Năm nay xa nhà, không Tết mẹ, Tết cha được, chỉ có thầy cô và bạn bè thôi. Nên năm nay mình sẽ mua quà tặng thầy cô dạy mình, để cảm ơn thầy cô và cũng để người Thái biết về văn hóa Việt Nam”.

Hoài đi học theo dạng học bổng bán thành phần, bố mẹ vẫn phải gửi tiền cho Hoài nên cô hết sức dè sẻn trong chi tiêu. Thế nhưng sắp đến Tết, mặc dù không được về, Hoài vẫn sắm sửa quần áo mới “Để đón Xuân cùng mọi người ở nhà và được trở về với cảm giác thơ bé ngày xưa: Được mặc đồ mới đi chúc Tết mọi người, mình vốn là con út trong nhà nên với mình tết bao giờ cũng háo hức thế này”.

Vinh cho biết: “Ở trường mình, chỉ có mỗi mình là người Việt Nam, ngoài ra còn có mấy em học sinh người Thái mình dạy tiếng Việt. Chắc hôm đấy mình sẽ mời các em một bữa cơm Việt Nam mình nấu, dù thiếu bánh chưng nhưng vẫn còn chút hương vị quê nhà vậy”.

Ngoài một số nơi có nhiều người Việt sinh sống hoặc ở đại sứ quán, lãnh sự quán có tổ chức Tết cho người Việt thì phần lớn những bạn lưu học sinh ở đây vẫn phải tự đón tết một mình. Phương (BKK) đã có kế hoạch đón tết thật hoành tráng: “Tớ sẽ làm một Powerpoint thật đầy đủ về ngày Tết Việt Nam để các bạn trong lớp hiểu rõ hơn về con người, văn hóa Việt Nam. Chắc chắn không quên tặng cho mỗi người một tấm thiệp hoa đào và câu chúc mừng năm mới. Ngày mồng một tớ sẽ lên chùa cầu phúc lộc thọ cho cả nhà”. Cô bạn còn tiết lộ là nhờ mẹ xem “giờ đẹp” để còn khai bút, cho một năm học hành suôn sẻ.

Thái Lan... gần mà xa. Tết này lỗi hẹn với mùa xuân quê nhà, lỗi hẹn với những người thân yêu nhưng cảm giác trưởng thành hơn, yêu quê hương và biết tự hào nhiều hơn về một thế hệ trẻ biết vươn mình, biết mang mùa xuân quê nhà và tình yêu đất nước đến cho mọi người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên