Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?
VOV.VN -Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối không đăng kiểm và tài liệu này trở thành bằng chứng quan trọng kết tội người đưa vật liệu mới vào sản xuất.
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan
Trong vụ án chìm ca nô tại khu vực huyện Cần Giờ, TP HCM ngày 2/8/2013, chiếc ca nô ký hiệu BP 12-04-02 gặp nạn được xác định chủ sở hữu là Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chiếc ca nô này là một trong hai sản phẩm được sản xuất theo công nghệ và vật liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) mà Công ty Việt Séc bán cho Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 10/6/2013.
Đây không phải là sản phẩm đầu tiên mà Công ty này bán cho lực lượng vũ trang. Công ty Việt Séc cũng đã hoàn thành hợp đồng sản xuất cho Vùng 2 Hải quân xuồng công tác H400-02; Ca nô tuần tra H790 cho Bộ Chỉ huy Biên phòng Bình Thuận; Ca nô tuần tra VN-VSC79003F313 cho Vùng 2 Hải quân.
Sản phẩm mới nhất được Công ty Việt Séc bàn giao cho Vùng Cảnh sát biển 3 là xuồng CSB-241 ở thời điểm Giám đốc Công ty Việt Séc Vũ Văn Đảo đang ở trong trại tạm giam.
Tất cả các sản phẩm sản xuất này đều được Phòng Đăng kiểm – Bộ Tư lệnh Hải quân chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy.
Theo quy định, Phòng Đăng kiểm Hải Quân là đơn vị có thẩm quyền về đăng kiểm các phương tiện cho lực lượng vũ trang.
Thực tế ca nô gặp nạn BP 12-04-02 thuộc sở hữu của Bộ Chỉ huy Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận an toàn phương tiện vào ngày 16/7/2013, đạt tiêu chuẩn sử dụng cho lực lượng vũ trang.
Vào tháng 10/2012, Công ty Việt Séc gửi công văn và hồ sơ dự án sản xuất ca nô, tàu thuyền từ vật liệu tổng hợp PPC cho Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị được xem xét, xác định công nghệ của Dự án là công nghệ mới, chưa sử dụng tại Việt Nam.
Bộ Khoa học Công nghệ đã thành lập Hội đồng thẩm định công nghệ và đã có văn bản số 3697/BKHCN-ĐTG vào ngày 12/12/2012 xác nhận: Tính đến thời điểm hiện tại, công nghệ sản xuất ca nô, tàu thuyền từ vật liệu PPC của Công ty Việt Séc là công nghệ mới, lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục 1, ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010.
Đồng thời Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có giấy chứng nhận những sản phẩm hàng hóa được hình thành dựa trên vật liệu mới PPC do Công ty Việt Séc sản xuất. Việc sản xuất tàu thuyền, ca nô theo công nghệ vật liệu mới PPC được cơ quan quản lý kinh doanh công nhận.
Tháng 9/2012, công nghệ chế tạo ca nô, tàu thuyền bằng vật liệu mới PPC của Công ty Việt Séc được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân trao cúp vàng international Techmart Vietnam 2012.
Để có thể hoạt động kinh doanh dân sự đối với sản phẩm làm bằng vật liệu PPC, sản phẩm này phải có chứng nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR).
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối chứng nhận cho sản phẩm tàu thuyền, ca nô sản xuất bằng công nghệ PPC vì nó quá mới, VR không có tiêu chuẩn và quy phạm sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu này.
VR đã đề nghị Công ty Việt Séc tìm một cơ quan đăng kiểm quốc tế có khả năng đăng kiểm phương tiện bằng vật liệu PPC.
Công ty Việt Séc ký kết với cơ quan đăng kiểm Cslloyd để đánh giá năng lực nhà máy, đăng kiểm các sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, sau khi Cslloyd gửi kết quả, VR đã từ chối kết quả giám định.
Việc VR từ chối đăng kiểm đối với hàng hóa sản xuất bằng vật liệu mới PPC của Công ty Việt Séc được cơ quan tố tụng đưa làm cơ sở để buộc tội sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn đối với ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.
Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, hành vi sai phạm của bị can Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc là xuyên suốt qua ý thức chủ quan. Bị can Vũ Văn Đảo đưa công nghệ và vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam.
Tuy nhiên khi tổ chức sản xuất, Vũ Văn Đảo không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất phương tiện giao thông; không thực hiện những quy định về đăng kiểm nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa giải quyết đăng kiểm cho tàu sản xuất bằng PPC.
Vấn đề này, Cựu Chánh án Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế phân tích: Theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam là quản lý nhà nước về đăng kiểm và thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm chất lượng các phương tiện giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT chứ không phải cơ quan quản lý cấp phép sản xuất tàu thuyền.
Vậy để cáo buộc tội danh của ông Vũ Văn Đảo thì cần phải chứng minh rằng, giấy chứng nhận đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm – Bộ Tư lệnh Hải quân đối với ca nô bị tai nạn 12-04-02 thuộc sở hữu của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cho nên theo ông Thìn, việc cơ quan điều tra chỉ dựa vào kết luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam để cáo buộc Vũ Văn Đảo, Đinh Văn Quyết không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất phương tiện giao thông là chưa đủ căn cứ pháp luật./.