Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan
VOV.VN - Trong vụ chìm ca nô, bị truy tố về tội sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, nhà sản xuất ca nô kêu oan.
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: Phạm tội vì sản xuất bằng vật liệu… quá mới!?
Ngày 10/11, ông Vũ Văn Đảo (SN 1968, trú tại TP Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Vũng Tàu) – người được cơ quan tố tụng TP HCM xác định là bị can trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ, TP HCM vào đầu tháng 8/2013, đã gửi đơn kêu oan đến báo điện tử VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo đơn, ông Đảo cho rằng, mình bị cơ quan tố tụng truy tố oan sai về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Người sản xuất phương tiện bị truy tố
Vụ chìm ca nô ở vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM xảy ra cách đây hơn 1 năm.
Theo đó, vào thời điểm tối 2/8/2013, ca nô BP12-04-02 do tài công điều khiển đi từ Tiền Giang về Vũng Tàu chở người vượt quá quy định cho phép đã bị tai nạn tại vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM, khiến 9 người tử vong.
Hai ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc, đơn vị sản xuất ca nô BP 12-04-02 và ông Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina bị khởi tố điều tra về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Nguyên nhân một đằng, buộc tội một nẻo?
Ngày 17/10 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.
Hai người này bị cơ quan tố tụng của TP HCM cáo buộc tội: “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Kết luận bản cáo trạng số 474/CT-VKS-PA1 của Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM, xác định nguyên nhân vụ tai nạn ca nô tại Cần Giờ, TP HCM ngày 2/8/2013 như sau:
Tại Công văn số 2273/ĐKVN-TB ngày 2/10/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thuộc Bộ GTVT xác định: “Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02”; ngoài ra còn các nguyên nhân khác như: Phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp”.
Tại Báo cáo điều tra số 3839/CHHVN-ATANHH ngày 30/10/2013 của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT kết luận nguyên nhân gây ra tại nạn: Sử dụng ca nô sai mục đích; Ca nô chở số lượng người gấp 2,5 lần cho phép; Ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; Người điều khiển ca nô đã điều động ca nô không phù hợp với tình huống thực tế; Người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại 2 tốc độ cao; Ca nô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu (phía Vũng Tàu) và vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách (phía Tiền Giang); Ca nô không làm thủ tục, rời bến theo quy định.
Theo Tiến sĩ Cao Thị Oanh – Phó Trưởng khoa luật Hình sự – Đại học Luật Hà Nội: Kết luận truy tố xác định nguyên nhân gây tai nạn chết người liên quan đến trách nhiệm hình sự trong vụ này là việc chiếc ca nô chở quá số người cho phép.
Do vậy người chịu trách nhiệm ở đây là người lái ca nô. Tuy nhiên người chịu trách nhiệm về hành vi này là tài công đã tử vong trong tai nạn nên vấn đề trách nhiệm hình sự không được đặt ra.
Đối với hai cá nhân là ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết, việc truy tố theo điều 214 Bộ luật hình sự quy định về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được tình trạng không đảm bảo an toàn của phương tiện là nguyên nhân gây ra hậu quả của vụ việc. Điều này không được thể hiện trong cáo trạng truy tố ông Đảo và ông Quyết.
Do vậy, với cáo buộc này, Tiến sĩ Oanh khẳng định: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người khi hành vi của họ chưa thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tương ứng là trái với nguyên tắc của pháp luật./.