Dân túy và cực hữu tranh quyền lãnh đạo Italia
VOV.VN - Hai thủ lĩnh của các đảng Liên đoàn phương Bắc, Matteo Salvini và Phong trào 5 sao là Luigi Di Maio đều muốn đứng ra thành lập chính phủ mới tại Italia
Một ngày sau cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa quan trọng tại Italia, tình hình chính trường nước này vẫn đang diễn biến phức tạp khi không có bất cứ đảng phái hay liên minh nào giành đa số tuyệt đối để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Trong ngày 5/3, sau khi đảng Liên đoàn phương Bắc vượt qua đảng “Tiến lên Italia” của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi để trở thành đảng có nhiều phiếu nhất (17,8%) trong liên minh trung hữu, thủ lĩnh đảng Liên đoàn phương Bắc là ông Matteo Salvini tuyên bố đảng của ông “có quyền và nghĩa vụ điều hành đất nước Italia”.
Đại diện 3 đảng trong liên minh trung hữu (Ảnh: CBC).
Tuy nhiên, thủ lĩnh đảng Phong trào 5 sao là ông Luigi Di Maio cũng không từ bỏ tham vọng nắm quyền. Phát biểu tại thủ đô Roma, ông Luigi Di Maio cho rằng đảng của ông đại diện cho toàn bộ đất nước Italia và có trách nhiệm không thể chối bỏ về việc lãnh đạo.
Nếu tính riêng từng đảng thì Phong trào 5 sao chính là đảng lớn nhất Italia hiện nay với việc giành 32% phiếu bầu, cao nhất từ trước đến nay.
Nhưng, khúc mắc lớn nhất với Phong trào 5 sao hiện nay là liệu đảng này có chấp nhận thay đổi quan điểm không liên minh với các đảng phái khác hay không.
Trong tình thế chính trị bế tắc hiện nay tại Italia, Tổng thống nước này là ông Sergio Mattarella sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo Hiến pháp Italia, trong trường hợp không có đảng hay liên minh nào có đủ đa số để tự thành lập chính phủ, Tổng thống có quyền chỉ định một đảng đứng ra chịu trách nhiệm lập chính phủ.
Tạm thời, khi chưa có chính phủ mới được lập, chính phủ đương thời của ông Paolo Gentiloni vẫn sẽ tiếp tục điều hành đất nước.
Trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với chỉ gần 19% số phiếu, đảng Dân chủ của ông Gentiloni nhận kết quả kém nhất từ trước đến nay, khiến thủ lĩnh đảng này là cựu Thủ tướng Matteo Renzi phải tuyên bố sẽ từ bỏ vị trí lãnh đạo đảng./.
Liên minh châu Âu trước làn sóng cực hữu và dân túy