Dấu hiệu tích cực trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Tổng thư ký ASEAN cho biết các bên tranh chấp đang muốn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng sớm càng tốt.
Hôm 30/10, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông luôn có nguy cơ bùng phát thành bạo lực, song Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thể hiện một thái độ nỗ lực nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng.
Trả lời báo giới bên lề một hội nghị tại Kuala Lumpur, Malaysia, ông Pitsuwan cho biết đã có "những dấu hiệu tích cực" trong các cuộc thảo luận không chính thức diễn ra trong tuần này tại khu nghỉ dưỡng Pattaya của Thái Lan giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Tranh chấp trên khu vực Biển Đông có thể sẽ được giải quyết (Ảnh minh họa, nguồn: Cơ quan khí tượng Singapore) |
Ông Pitsuwan nói: "Hiện hai bên đang muốn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt, vì nếu trì hoãn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của tất cả các bên. Dù khó khăn nhưng ít nhất họ đã đồng ý đối thoại". Tuy nhiên, ông Pitsuwan không cho biết thêm về những kỳ vọng của mình tại Hội nghị Cấp cao ASEAN từ ngày 15-20/11 tới ở Campuchia.
Cuối tháng 7 vừa qua, ASEAN đã công bố "Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông", trong đó tái khẳng định cam kết của các nước thành viên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC, đồng thời các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)./.