CNC - Bí quyết giúp Triều Tiên chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Thiết bị CNC (máy điều khiển tự động) được cho là tạo nền tảng cho sự thành công của chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Năm 2009, bên trong đất nước Triều Tiên xuất hiện phổ biến một đoạn video với nội dung tôn vinh một “anh hùng dân tộc” mới.
“Anh hùng” đó, vốn có mặt rộng rãi trong các nhà máy trên khắp thế giới, chính là máy CNC – một dạng máy điều khiển tự động.
Sản xuất chính xác hàng loạt
Thiết bị này chính là phần lõi trong chương trình hạt nhân và tên lửa bị cấm của quốc gia khép kín trên bán đảo Triều Tiên.
Chương trình đồng diễn nghệ thuật ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào tháng 8/2011, với nội dung tôn vinh thiết bị CNC. Ảnh: Choson Exchange. |
Các máy CNC có kích thước lớn, màu xám với hình dáng giống một chiếc hộp. Các máy này đã được lập trình sẵn để tạo ra những bộ phận tinh xảo, phức tạp của mọi thứ từ ô tô đến điện thoại di động hay đồ đạc và quần áo. Thiết bị này mang lại độ chính xác mà con người bằng da bằng thịt không thể đạt tới được.
Ở Triều Tiên, nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tự chế trong nước và kỹ thuật đảo ngược, các máy này giờ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các chương trình vũ khí. Chúng cho phép Triều Tiên chế tạo các quả bom hạt nhân và các tên lửa đạn đạo mà không phải dựa nhiều vào trợ giúp kỹ thuật từ bên ngoài hay các thiết bị nhập khẩu.
Các chuyên gia vũ khí hạt nhân cho biết, điều này đã giúp Triều Tiên đẩy nhanh quá trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào việc chuyển giao các thiết bị nhạy cảm.
Jeffrey Lewis, Trưởng Chương trình về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Đông Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở Monterey, California, nói: “Các máy ly tâm và các tên lửa của Triều Tiên đều phụ thuộc vào các nhân tố được chế tạo bằng các máy công cụ CNC... Các máy này là công nghệ nền tảng thiết yếu cho việc chế tạo các tên lửa và vũ khí hạt nhân”.
Kể từ năm 1996, các máy CNC đã đưa vào “chương trình sắp xếp Wassenaar” – một chế độ kiểm soát vũ khí quốc tế có mục đích ngăn chặn việc phổ biển các thiết bị dùng cho cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Triều Tiên không phải là một bên ký kết trong thỏa thuận này.
Triều Tiên đã tổ chức rầm rộ các chương trình tôn vinh công nghệ CNC. Hàng trăm vũ công trong trang phục màu xanh và màu da cam lấp lánh đã biểu diễn bài hát CNC với nhan đề “Đột phá công nghệ hàng đầu” tại một lễ kỷ niệm của Đảng Lao động Triều Tiên vào năm 2010. Vào năm 2012, khi xuất hiện bài hát đình đàm “Gangnam Style” ở Hàn Quốc thì bài hát CNC đã phổ biến trong các máy hát karaoke trên toàn quốc Triều Tiên. Đoạn video chính thức cho bài hát này mở đầu bằng hình ảnh một quả tên lửa tầm xa Triều Tiên phóng vút lên bầu trời xanh.
Giảm phụ thuộc vào nước ngoài
Theo các chuyên gia hạt nhân, Triều Tiên có thể đã bắt đầu phát triển các máy CNC của riêng mình vào đầu thập niên 1990 như một phần trong chiến dịch chế tạo các tên lửa và vũ khí hạt nhân hiện đại. Có thể Triều Tiên đã tìm ra cách chế thiết bị này bằng cách tháo rời các máy móc nhập từ Liên Xô.
Chiếc máy CNC “cây nhà lá vườn” đầu tiên của Triều Tiên ra mắt vào năm 1995. Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đặt cho thiết bị thương hiệu “Ryonha”, theo một bài báo năm 2009 đăng trên tờ báo chính thống của nước này là tờ Rodong Sinmun. Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Triều Tiên nhắc tới công nghệ này.
Vào năm 2009, các máy móc trên đã trở thành dòng chủ lưu trong hoạt động tuyên truyền Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng phát động chiến dịch toàn quốc về thúc đẩy công nghiệp nội địa. Khi đó, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 2 và một phóng tên lửa tầm xa, các lệnh trừng phạt quốc tế đã được gia tăng nhằm vào quốc gia này.
Vào thời điểm đó, các chuyên gia về kiểm soát vũ khí đã bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của cố lãnh đạo Kim Jong-il tới một nhà máy Triều Tiên nơi các máy CNC tự chế có vẻ đang sản xuất các ống nhôm có thể sử dụng để chế tạo các máy ly tâm hạt nhân.
Ảnh: Hành trình tới nơi nguy hiểm nhất của quốc gia Triều Tiên
Kim Heung-gwang, một người đào tẩu sang Hàn Quốc và từng giảng dạy tại Đại học Công nghệ Vi tính Hamhung ở Bình Nhưỡng cho biết: “Vào khoảng năm 2010, có vẻ như họ đã có năng lực sản xuất nhiều loại máy CNC khác nhau”.
Nhưng mãi tới năm 2013 thì Công ty Liên doanh Máy móc Ryonha Triều Tiên mới bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách đen vì đã hỗ trợ cho chương trình vũ khí của nước này.
Và cũng chỉ vào tháng 8/2017 vừa qua, các quan chức tình báo Mỹ mới tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Triều Tiên có thể đủ khả năng tự chế tạo các động cơ tên lửa của riêng mình.
Giờ đây, ông Kim Heung-gwang ước tính Triều Tiên có khoảng 15.000 máy CNC. Tính toán của ông dựa trên các tin tức và các bức ảnh từ truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng như các cuộc phỏng vấn hơn 12 người đào tẩu từ Triều Tiên, gồm các nhà khoa học, giáo sư và công nhân nhà máy.
Công nghệ tiên tiến
Bình Nhưỡng chào đón các máy móc tự chế trong nước như một thắng lợi của tư tưởng chính thống “Juche” (Chủ thể) – hệ tư tưởng đề cao sự tự lực cánh sinh.
Nhưng tình hình thực tế có thể không hoàn toàn như vậy.
Hồi tháng 8/2016, truyền thông nhà nước công bố các bức ảnh ghi cảnh ông Kim Jong-un thăm một nhà máy sử dụng các máy CNC với logo của hãng kỹ thuật Thụy Sĩ ABB – một trong các hãng hàng đầu trong thị trường máy CNC toàn cầu. Hiện không rõ khi nào và bằng cách nào mà máy của hãng này tới đươc Triều Tiên.
ABB cho hay hãng này tôn trọng tất cả các lệnh trừng phạt thương mại được áp dụng nhằm vào Triều Tiên, và tự hãng không chuyển giao thiết bị của mình sang Triều Tiên.
Đại diện của hãng cho biết, họ không loại trừ việc một số thiết bị của họ đã được những bên khác bán lại cho Triều Tiên.
Một ban của Liên Hợp Quốc chuyên giám sát việc thực hiện lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên có báo cáo rằng năm nay công ty Tengzhou Keyongda của Trung Quốc đã cung cấp các máy CNC mới cho Triều Tiên. Tuy nhiên, một đại diện bán hàng của Tengzhou Keyongda khẳng định rằng công ty đã ngừng bán các máy CNC cho Triều Tiên cách đây 4 năm và không còn duy trì quan hệ thương mại với nước này nữa.
Lee Choon-geun, một nghiên cứu viên tại Viên Chính sách Khoa học và Công nghệ ở Hàn Quốc cho biết, bất chấp các lệnh trừng phạt, các máy CNC phổ biển tại các nhà máy chế tạo ở khắp Triều Tiên và các thiết bị này có thể được mua thông qua Trung Quốc và Nga.
Lệnh cấm đối với CNC nhập vào Triều Tiên ít hiệu quả vì đa số CNC phục vụ công nghiệp dân sự, chỉ có một số máy CNC bị cấm vì có cả chức năng quân sự và dân sự.
Ông Lee nói: “Với năng lực kép của thiết bị này, bạn có thể nhập nó với mục đích dân sự, rồi tháo rời ra và sử dụng theo bất cứ ý đồ nào khác”./.