Triều Tiên, Hàn Quốc có thể bắt tay nhau do cảnh giác với Trung Quốc?
VOV.VN - Dường như ký ức về sự cai trị của Trung Quốc đã khiến cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng xích lại nhau, thể hiện qua Thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều.
Cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào hôm 12/6 là một bước tiến lớn của cả ông Trump và ông Kim, đồng thời là một khởi đầu quan trọng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu nhìn nhận cả vấn đề lớn của Bán đảo Triều Tiên thì đây mới chỉ là bước khởi đầu khiêm tốn bởi lẽ hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chưa ký một bản hòa ước nào để chấm dứt về mặt pháp lý cuộc Chiến tranh Triều Tiên – cuộc chiến mới chỉ chấm dứt trên thực tế vào năm 1953.
Từ trái qua phải: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn ảnh: Getty và Nupi. |
Đã vậy Tuyên bố Trump-Kim không đề ra nhiều chi tiết về thời điểm và cách thức đạt được một sự “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên” – ưu tiên hàng đầu trong chính sách của chính quyền Trump đối với Triều Tiên.
Nhưng dù sao sự kiện 12/6 vẫn hết sức đáng quý, như một câu nói phổ biến ở Trung Quốc “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước đi nhỏ”. Hội nghị Thượng đỉnh này là bước đi nhỏ để đạt bước đại nhảy vọt cho hòa bình dài lâu ở Đông Bắc Á. Theo nghĩa này, hai nhà lãnh đạo đã đi và đã gặp nhau và họ đã viết lên lịch sử.
Quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên
Trung Quốc và Triều Tiên vốn có mối quan hệ đặc biệt, nên người ta sẽ rất quan tâm đến những tác động từ hội nghị thượng đỉnh lịch sử này lên Trung Quốc.
Trước sự kiện 12/6, ông Kim Jong-un đã 2 lần sang Trung Quốc để gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Một dấu hiệu rõ khác về vai trò quan trọng của Trung Quốc trong Thượng đỉnh Mỹ-Triều là việc ông Kim bay tới Singapore bằng một máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Trung Quốc Air China.
Ở đây cần đặt hội nghị này trong bối cảnh lịch sử của mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Đối với nhiều người Trung Quốc, ký ức của họ về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên có thể mở đầu bằng việc Trung Quốc đã hy sinh rất nhiều trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, và rồi sau đó (kể từ kết thúc cuộc chiến tranh này), là sự trợ giúp kinh tế to lớn và sự ủng hộ ngoại giao gần như vô điều kiện cho Bình Nhưỡng. Và do vậy, lẽ tự nhiên là họ mong chờ Triều Tiên sẽ đáp lại sự “hào phóng” và tình hữu nghị của Trung Quốc bằng lòng biết ơn và sự trung thành.
Nhưng đối với nhiều người cả Triều Tiên và Hàn Quốc (hai phía của khu phi quân sự liên Triều), ký ức của họ về Trung Quốc có thể đi ngược trở lại trước cả thời Chiến tranh Triều Tiên. Trong hàng trăm năm, Bán đảo Triều Tiên là một nước chư hầu của đế chế Trung Quốc. Khi ấy Bán đảo Triều Tiên nằm chắc trong quỹ đạo của Trung Quốc, cho tới năm 1895, khi Trung Quốc chính thức từ bỏ sự cai trị của họ đối với bán đảo này do thất bại trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật vào năm 1894.
Tư tưởng bài Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên
Ảnh hưởng văn hóa và chính trị sâu đậm của Trung Quốc đã dẫn tới chỗ người Triều Tiên có sự phẫn nộ sâu sắc qua nhiều thế hệ đối với Trung Quốc. Kết quả của thái độ bài Trung Quốc này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên/Hàn Quốc phản kháng lại Trung Quốc. Một dấu hiệu rõ nét của chủ nghĩa dân tộc này là sự ra đời của bảng chữ cái Triều Tiên/Hàn Quốc, gọi là Hangeul – một biểu tượng cho khát vọng xóa bỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
Một dấu hiệu khác về mối quan hệ không được tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng kể từ thập niên 1940 là việc ông Kim Jong-un, người trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào năm 2011, đã không hề sang thăm Trung Quốc, cho mãi đến tháng 3/2018 vừa qua.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và chủ nghĩa dân tộc Triều/Hàn không dừng lại ở Triều Tiên mà còn mở rộng sang cả Hàn Quốc. Ký ức lịch sử không tốt đẹp về Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in quyết định gặp Lãnh đạo Kim Jong-un tới 2 lần trong năm nay.
>> Xem thêm: Triều Tiên loại bỏ ảnh hưởng của nhóm thân Trung Quốc
Năm 2016, khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye quyết định xúc tiến lắp đặt hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn Cuối (THAAD) của Mỹ để đáp trả các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh đã phản đối Hàn Quốc gay gắt. Thế đối đầu ngoại giao căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc quanh vấn đề THAAD đã khiến quan hệ ngoại giao 2 nước xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992, khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tình trạng tẩy chay các doanh nghiệp Hàn Quốc trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm việc giảm mạnh số du khách Trung Quốc tới Seoul, đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhiều người Hàn Quốc xem phản ứng của Bắc Kinh như là sự cưỡng ép về ngoại giao và kinh tế, và là sự nhắc nhở mạnh mẽ về sự cai trị của Trung Quốc trong lịch sử.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, được bầu ngay sau tranh cãi về THAAD, có thể có thêm lý do để thúc đẩy quan hệ với lãnh đạo Triều Tiên. Một bán đảo Triều Tiên thống nhất chắc chắn sẽ tăng thêm cơ hội củng cố thế độc lập của bán đảo này trước Trung Quốc.
Khả năng Triều Tiên-Hàn Quốc thống nhất để ứng phó với Trung Quốc
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Triều Tiên gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh. Sự phụ thuộc này làm cho nhiều người Trung Quốc tưởng rằng họ có ảnh hưởng chiến lược đối với Bình Nhưỡng mà không ai cạnh tranh được.
Nhưng sự phụ thuộc nói trên cộng với các ký ức lịch sử thời Trung Quốc cai trị đã dẫn tới thái độ căm phẫn thay vì biết ơn. Không có gì lạ khi một sử gia có tiếng của Trung Quốc khẳng định rằng Triều Tiên “không cảm thấy chắc chắn về Trung Quốc và có một não trạng trả thù”.
Như vậy Trung Quốc có thể không phải là người thất bại lớn nhất nhưng cũng không phải là người thắng lợi lớn nhất sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đối với Washington, thế hòa hoãn của họ với Bình Nhưỡng làm suy giảm đáng kể giá trị chiến lược của Bắc Kinh.
Việc Mỹ và Triều Tiên đang “làm lành” sẽ khiến Trung Quốc phải cài đặt lại chính sách của họ đối với Bình Nhưỡng và Seoul.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thống nhất 2 miền Bán đảo Triều Tiên, thì Trung Quốc có thể đối mặt với một Bán đảo Triều Tiên thống nhất và liên minh với Mỹ./.