Mali trước sự can thiệp của quân đội nước ngoài
(VOV) - Nhiều lo ngại cho rằng sự can thiệp quân sự vội vã, thiếu tính toán có thể là mầm mống xung đột sắc tộc ở Mali.
Dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc, khoảng 1.000 binh sĩ đầu tiên thuộc lực lượng của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Cộng hòa Chad đang tiến vào các thị trấn miền Trung Mali để thay thế sứ mệnh của Pháp hỗ trợ quân đội chính phủ chặn đà Nam tiến của phiến quân ở phía Bắc.
Trong bối cảnh đó, xuất hiện một số cáo buộc rằng quân đội chính phủ Mali hành quyết những người Tuareg và Arab bị cho là có liên hệ với phiến quân. Quân đội Mali ngay lập bác bỏ cáo buộc này song điều đó không thể xóa đi những lo ngại rằng sự can thiệp quân sự một cách vội vã và thiếu tính toán có thể nuôi dưỡng mầm mống xung đột sắc tộc về lâu dài tại quốc gia Tây Phi này.
Cộng đồng các quốc gia Tây Phi đã gửi 1.000 binh sĩ tới Mali (Ảnh: dailynewsegypt) |
Tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) tuyên bố có những bằng chứng về việc quân đội đã hành quyết ít nhất 11 người kể từ hôm 10/1 đến nay vì cho rằng họ có liên hệ với phiến quân Hồi giáo Jihad hoặc sản xuất vũ khí trái phép. Một cơ quan phi chính phủ khác là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ cũng cho biết họ đã nhận được những báo cáo về các vụ việc tương tự tại thị trấn miền Trung Niono. Tuy nhiên, lãnh đạo bộ lạc Tuareg Mohamed Ag Ossade bác bỏ những thông tin này.
“Tôi và gia đình, họ hàng tôi không nhận được bất cứ lời đe dọa nào. Tôi cũng có thể khẳng định rằng những cáo buộc về việc quân đội chính phủ đàn áp người Tuareg là không đúng. Chúng tôi chia sẻ chung một tương lai với tất cả người dân Mali. Đối với riêng tôi và người Tuareg nói chung, chúng tôi không thể tách rời khỏi dân tộc này mà phải chung tay xây dựng cuộc sống hòa bình ở đây”.
Ông Ossade nhấn mạnh, cần phải tách biệt người Tuareg với những nhóm cực đoan, đồng thời cho rằng, bất ổn ở khu vực phía Bắc Mali là do người Tuareg không hài lòng với tình trạng đói nghèo và chỉ “muốn đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự không hòa hợp giữa cộng đồng người Tuareg ở phía Bắc và các sắc tộc khác ở Mali đã kéo dài nhiều thế hệ. Điều đó đang hằn sâu hơn bao giờ hết bởi nhiều người Mali cáo buộc người Tuareg đã tạo ra tình trạng bất ổn hiện nay.
Một người dân ở thị trấn nhỏ Diabaly, miền Trung Mali, nơi vừa được quân đội Pháp và chính phủ Mali giải phóng khỏi tay phiến quân, cho biết: “Chúng tôi không thích người Arab và Tuareg. Làm sao có thể chịu được những người đã bắn phá làng mạc của mình. Kể từ ngày sinh ra tôi chưa bao giờ thấy bom đạn súng cối bắn vào nơi này nhiều như thế. Chúng tôi không thể chấp nhận nếu họ cứ tiếp tục hành động này”.
Lực lượng gọi là “phiến quân” ở phía Bắc Mali hiện khá phức tạp. Nhiều người Tuareg đã tham gia vào nhóm phiến quân Ansar Dine, có liên quan với chi nhánh của al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) để chiếm miền Bắc Mali với hy vọng đòi được quyền tự trị. Sau đó họ lại dứt bỏ liên minh với al-Qaeda để thành lập Phong trào Hồi giáo AJAWA (MIA) nhưng mục tiêu vẫn không thay đổi, đó là đòi quyền tự trị cho miền Bắc Mali.
Do đó, dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc, sự can thiệp quân sự của cộng đồng quốc tế vào Mali là cần thiết để ổn định tình hình tại khu vực phía Bắc. Nhưng rõ ràng với những rối ren và xung đột sắc tộc đã có nguồn gốc từ lâu, sự can thiệp này cần phải đi kèm với một kế hoạch dài hơi hơn trên các lĩnh vực chính trị, hỗ trợ nhân đạo để kiểm soát tốt tình hình an ninh tại Mali./.