Có một nền văn hóa Hoa riêng biệt ở Singapore
VOV.VN - Một cuộc triển lãm mới đây cho thấy các nét riêng biệt của tộc người Hoa ở Singapore. Đây có thể là thông điệp gửi tới Bắc Kinh.
Một văn hóa Singapore riêng
Ở Singapore, các quán cà phê truyền thống được gọi bằng cái tên kopitiam. Thuật ngữ phổ biến này là sự kết hợp của từ kopi (có nghĩa là cà phê trong tiếng Mã Lai) và tiam (có nghĩa là cửa hàng trong tiếng Hokkien – một phương ngữ của Trung Quốc).
Khu Chinatown ở Singapore. Ảnh: AFP. |
Đây chỉ là một ví dụ về sự kết hợp của các nền văn hóa sản sinh ra từ mới, các món ăn, cũng như bản sắc của một thành bang có 5,6 triệu dân, nơi tộc người Hoa chiếm hơn 3/4 dân số đảo quốc này.
Sự tiến hóa của nền văn hóa Hoa Singapore và cách thức hình thành nền văn hóa này thông qua chủ nghĩa đa văn hóa là chủ đề của một triển lãm tương tác mới, được Trung tâm Văn hóa Hoa Singapore mở vào đầu năm 2020.
Trung tâm văn hóa này được lập vào 3 năm trước với nguồn quỹ chủ yếu của chính phủ, ngoài ra cũng có quyên góp từ các hiệp hội, doanh nghiệp và các cá nhân.
Những người làm tại trung tâm nói trên cho hay: “Bản sắc Singapore Hoa là phức tạp và luôn thay đổi. Sau khi tương tác với các ảnh hưởng đa dạng trong nhiều năm, văn hóa Hoa ở Singapore đã tiến hóa theo một cách không giống các cộng đồng khác trên thế giới”.
Giới phân tích cho rằng triển lãm nói trên là một phần trong nỗ lực của giới hoạch định chính sách Singapore muốn nhấn mạnh bản sắc khác biệt của cộng đồng tộc Hoa ở Singaore dù cho nước này có cố gắng dựa vào di sản văn hóa chung để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.
Duy trì quan hệ với Trung Quốc đại lục
Hiện nay tiếng Anh là công cụ giáo dục trong các trường học Singapore nhưng nước này vẫn có những trường chuyên biệt, ở đó người tốt nghiệp sẽ được bảo đảm có kiến thức sâu về văn hóa Trung Quốc và kỹ năng tiếng Hán bằng với Trung Quốc đại lục, Đài Loan, và Hong Kong.
Singapore là thành phố duy nhất bên ngoài Trung Quốc có đa phần dân cư là người Hoa.
Các nhà phân tích, trong đó có Chong Ja Ian –giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, đã theo dõi chặt chẽ quan hệ Singapore-Trung Quốc, tin rằng những mối quan ngại về việc Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự tương đồng với dân cư người Hoa ở Singapore sẽ ngày càng gia tăng khi có thêm nhiều người Trung Quốc nhập cư và định cư ở Singapore.
Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc vào năm 2015, trong số 2,54 triệu người Singapore sinh ra ở nước ngoài thì có khoảng 18% là người nhập cư từ Trung Quốc.
Một ví dụ về nỗ lực của Trung Quốc muốn kết nối văn hóa với Singapore là sự kiện Liên hiệp Toàn Trung Quốc của những người Hoa Hải ngoại Hồi hương phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Jinshang của Singapore để tổ chức một trại hè ảo cho các cư dân Singapore tuổi từ 6 đến 18. Tại trại hè này, những người tham gia sẽ được học về địa lý và lịch sử Trung Quốc.
Hong Kong gìn giữ tiếng mẹ đẻ trước tiếng Trung Quốc phổ thông
Vẫn bảo đảm độc lập văn hóa với Trung Quốc
Dylan Loh - một trợ lý giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Dương, cho hay việc Singapore đẩy mạnh xây dựng bản sắc Hoa riêng là nhằm đáp lại “năng lực của Trung Quốc trong việc huy động di sản văn hóa và Hoa kiều dưới cái ô rộng lớn hơn là “bản sắc Trung Hoa” nhằm đặt được các mục tiêu đối ngoại nhất định”.
Dylan Loh cho biết thêm: “Đây đó trên thế giới người ta xác nhận Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình thông qua các thể chế như các trung tâm văn hóa, đại sứ quán và Hoa kiều”.
Ông Loh cho rằng triển lãm nói trên đã chỉ rõ một “bản sắc Hoa độc đáo, riêng biệt dành cho Singapore” và hướng tới không chỉ các nhân tố trong nước mà còn bắn cả tín hiệu tới Bắc Kinh.
Theo Loh, “về mặt chính trị, người Hoa Singapore thuộc về một xã hội tự trị, độc lập, chứ không phải là của một cộng động Trung Quốc hải ngoại nhất quán, liên thông và không ngắt quãng nào đó”.
Trung Quốc chỉ tính đến yếu tố chính trị quốc gia?
Nhưng Chan Ying-kit, nghiên cứu viên tại Viện châu Á học Quốc tế của Đại học Leiden lại cho rằng Bắc Kinh “hầu như không bao giờ quan tâm” đến việc chính quyền Singapore thực hiện chính sách dân tộc, ngôn ngữ và xã hội của riêng họ.
Theo Chan, “Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn tới việc Singapore xác định vị trí của mình như thế nào giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo Singapore, như Thủ tướng Lý Hiển Long, đã liên tục nhấn mạnh rằng họ sẽ không đứng về phe nào cả khi căng thẳng leo thang giữ Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng Thủ tướng Lý thừa nhận việc giữ trung lập là điều khó khăn.
Ông Lý Hiển Long cho hay: “Thỉnh thoảng khi Singapore và Trung Quốc có quan điểm khác nhau, một số người bạn chúng tôi ở Trung Quốc lại hỏi chúng tôi như sau: “Chúng ta cùng chung một ngôn ngữ, một tổ tiên, một di sản chung, vậy sao Singapore không chung quan điểm”.
Giáo sư Chong Ja Ian cho rằng việc nhóm người Hoa Singapore xa rời phần còn lại của cộng đồng người Hoa toàn cầu sẽ có tác động lên quan hệ Trung Quốc-Singapore với mức độ tùy thuộc vào việc hai nước này cố gắng đến đâu trong việc xác định thế nào là tộc người Hoa.
Chong cho rằng vấn đề bản sắc Hoa là một câu chuyện chưa có hồi kết, vẫn đang gây tranh cãi. Chẳng hạn sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949, người ta tranh luận lại về định nghĩa thế nào là người Hoa.
Theo Chong, việc Singapore nhấn mạnh bản sắc Hoa riêng của mình là một phần trong nỗ lực xác định và tái xác định thế nào là tộc người Hoa. “Và đây cũng là một phần của quá trình xây dựng quốc gia và dân tộc ở Singapore”./.