Covid-19 làm suy yếu quân đội Mỹ và Nhật Bản trước Trung Quốc?
VOV.VN - Hiện quân đội của cả Mỹ và Nhật Bản đang phải đối đầu vất vả với dịch Covid-19. Thực tế này làm giảm sức mạnh răn đe của họ trước Trung Quốc.
Ngày 11/5/2020, truyền thông đưa tin về việc Đô đốc Mike Gilday, người đứng đầu hoạt động tác chiến hải quân – sĩ quan cao cấp nhất trong Hải quân Mỹ, sẽ được cách ly phòng dịch trong một tuần sau khi tiếp xúc với một người thân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Cờ Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: Lục quân Mỹ ở Nhật Bản. |
Cùng bài báo đề cập vấn đề trên nói rằng viên tướng chỉ huy Cục Vệ binh Quốc gia trong Không quân Mỹ đã cho kết quả dương tính với Covid-19.
Các thông tin trên một lần nữa cho thấy đại dịch Covid-19 chẳng chừa bất kỳ ai.
Trước đó Hải quân Mỹ đã vấp phải thách thức trong xử lý trường hợp Thuyền trưởng Brett Crozier, sĩ quan chỉ huy của chiến hạm USS Theodore Roosevelt. Ông Crozier đã bị cách chức sau khi bản ghi chú của ông này cảnh báo về tác động nghiêm trọng từ sự lây lan của Covid-19 lên thủy thủ đoàn của tàu bị rò rỉ cho báo chí.
Các sự cố như trên phản ánh các thách thức mà tất cả các quân đội đối mặt khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng y tế công cộng do Covid-19 gây ra.
Thách thức kép đối với quân đội 2 nước Mỹ-Nhật
Khi đối diện với đại dịch Covid-19, các lực lượng quân đội mặc nhiên phải tham chiến đồng thời trên 2 mặt trận. Thứ nhất, bản thân các hoạt động quân sự khiến họ rất khó khống chế các bệnh có tính lây lan mạnh. Các hoạt động quân sự thường tiến hành theo kiểu tập thể, các quân nhân thường phải sống cạnh nhau, trong những hoàn cảnh khiến việc “giãn cách xã hội” trở nên bất khả thi. Thứ hai, quân đội thường được huy động để phản ứng lại các tình huống khẩn cấp, trong đó có dịch bệnh.
Đối với quân đội Mỹ, thách thức này đặc biệt nổi rõ. Với đặc trưng hay phải hoạt động ở những nơi xa xôi với tổ quốc của mình, quân đội Mỹ cần triển khai một lượng lớn nhân lực trong một thời gian dài để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, và các lực lượng này của quân đội Mỹ thường sống trong cự ly gần với nhau.
Việc huấn luyện (được thực hiện theo nhóm) đóng vai trò trọng yếu trong duy trì mức độ sẵn sàng của quân đội. Và việc giao lưu trực tiếp với các đối tác trong quân đội các nước đồng minh của Mỹ, cũng như các đối tác trong các đợt huấn luyện hỗn hợp... là yếu tố quan trọng thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ và cam kết của họ trong duy trì vai trò tiên phong về duy trì hòa bình và ổn định.
Dịch Covid-19 bùng phát trên tàu hải quân USS Theodore Roosevelt, để lại hậu quả là hoạt động của tàu bị hạn chế nhiều ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, đại dịch trên có thể phá hoại năng lực của Mỹ trong duy trì và thực hành sự răn đe hiệu quả trước các đối thủ của họ.
Trong khi đó Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (tức quân đội Nhật Bản) cũng gặp thách thức tương tự trong việc khống chế dịch Covid-19 khỏi lây lan trong nội bộ. Hơn nữa, khác với quân đội Mỹ chủ yếu có nhiệm vụ hoạt động ở hải ngoại, quân đội Nhật Bản đảm nhiệm không chỉ các nhiệm vụ phòng thủ quốc gia (như là các hoạt động cảnh báo và theo dõi ở vùng biển và không phận Nhật Bản) mà còn cả các nhiệm vụ quốc tế cũng như các nhiệm vụ cứu hộ thiên tai (tỷ như vụ 3 thảm họa cùng một lúc ở Nhật Bản vào tháng 3/2011: động đất, sóng thần, và sự cố nhà máy điện hạt nhân).
Một thí dụ về vai trò của quân đội Nhật Bản trong cuộc chiến chống Covid-19: Bệnh viện trung ương quân đội Nhật Bản là một trong các cơ sở chính đón nhận các bệnh nhân Covid-19 được đưa tới từ du thuyền Diamond Princess (một ổ dịch Covid-19). Quân đội Nhật Bản cũng cung cấp hỗ trợ đi lại cho những người rời khỏi du thuyền này.
Bệnh viện trung ương quân đội Nhật Bản còn được giao sứ mệnh sẵn sẵng làm nơi điều trị nếu xảy ra các tình huống khẩn cấp liên quan đến vũ khí hóa học và sinh học ở Nhật Bản.
Quân đội Nhật Bản đang thực sự bị căng mỏng vì nhiều nhiệm vụ. Quy mô quân đội Nhật Bản không lớn lắm, chỉ tương đương với quy mô của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Đã vậy, họ phải liên tục lo đối phó với hoạt động gia tăng không ngừng của tàu bè và máy bay Trung Quốc, cả trên không và trên biển. Những áp lực này làm giảm khả năng sẵn sàng phòng thủ của quân đội Nhật Bản.
‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật
Tác động sâu rộng lên bản thân quân đội mỗi nước và quan hệ giữa họ
Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp lên quân đội Nhật Bản. Đại dịch này còn có nguy cơ tạo ra tác động dài lâu lên hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật về song phương và trên cả thế nữa.
Chẳng hạn, thứ nhất, việc hạn chế họp hành và các hoạt động tập thể khác dựa trên cảnh báo y tế có thể làm giảm số lượng huấn luyện chung song phương và các cuộc tập trận chung cũng như các giao lưu trực tiếp giữa 2 quân đội. Điều này sẽ làm giảm cơ hội để đôi bên làm quen với nhau, tăng cường quan hệ cá nhân.
Đáng lưu ý, quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đóng vai trò hạt nhân của các tương tác quân sự ba bên và đa phương, như mối quan hệ Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc; Mỹ-Nhật Bản-Australia; và Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ.... Tương tự như trường hợp song phương, các hạn chế về họp hành và các hoạt động khác có thể giới hạn cơ hội làm sâu sắc các mối quan hệ quốc phòng ba bên khác.
Thứ hai, các cảnh báo y tế công cộng có thể cản trở giới chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa quân đội Mỹ và Nhật với các cộng đồng dân cư xung quanh.
Cuối cùng, sự bùng phát của Covid-19 trên tàu chiến USS Theodore Roosevelt còn làm bộc lộ một khả năng có thật là đại dịch này có thể tác động xấu lên khả năng tác chiến của các lực lượng Mỹ triển khai ở tuyến trước.
Nguy cơ này đòi hỏi Nhật Bản phải xem xét các cách thức nhằm duy trì hiệu quả răn đe của liên minh Mỹ-Nhật khi quân đội 2 nước này phải đồng thời chiến đấu với Covid-19 ở trong nước.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra là liệu Nhật Bản có cần tìm kiếm năng lực hoạt động độc lập khi cần thiết để đảm bảo các yêu cầu về phòng vệ, và cả Mỹ lẫn Nhật có cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn để duy trì hiệu quả răn đe chung nếu một bên hoặc cả bên bị suy giảm năng lực tác chiến?
Các hoạt động của Trung Quốc phô diễn sức mạnh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ngay giữa đại dịch Covid-19 là một bằng chứng sinh động cho thấy khủng hoảng an ninh quốc gia có thể xuất hiện ngay cả khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát xong xuôi./.