Trung Quốc và những thách thức ngoại giao trong tương lai
VOV.VN - Thế giới đang trông đợi thiện chí từ Trung Quốc để giải quyết những bất đồng trong khu vực và thể hiện mình là một nước lớn “có trách nhiệm”.
Những vấn đề trọng tâm mà Trung Quốc cần quan tâm bao gồm vấn đề căng thẳng về gián điệp mạng với Mỹ, tranh chấp lãnh hải với các nước trên Biển Đông và biển Hoa Đông và hơn hết là mối quan hệ hết sức nhạy cảm với Nhật Bản trong bối cảnh năm 2015 sẽ đánh dấu 70 năm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tuy nhiên, theo Reuters, thước đo thực sự cho việc liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thực sự thiện chí trong việc thu hẹp những bất đồng với Mỹ và các quốc gia khác liên quan đến những vấn đề nói trên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ giải quyết những bất đồng đó như thế nào trong những tháng sắp tới.
Những “thiện chí” đầu tiên
Từ cuối năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực bằng nhiều hành động khác nhau như ngang nhiên tuyên bố thiết lập Khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, đưa giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và mới đây nhất Trung Quốc đã công mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J-31 được cho là đối trọng với mẫu máy bay tối tân nhất của Mỹ là F-35.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, Trung Quốc đã có những bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng nhất là trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đóng vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC.
Theo đó, Trung Quốc đã có những động thái hòa giải với Philippines và Nhật Bản cũng như đã ký kết một thỏa thuận với Mỹ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi những diễn biến tiếp theo tại Trung Quốc trong vòng từ 6-12 tháng tới hoặc thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Trung Quốc đang có những thay đổi căn bản trong chính sách ngoại giao của mình”, ông Shi Yinhong, Viện trưởng Viện nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết.
Theo đó, Trung Quốc đã không còn dồn tiền chi tiêu cho quốc phòng mà đã sử dụng nó để có thể gây tác động đến chính sách ngoại giao của mình. Cụ thể là khoản tiền 40 tỷ USD chi cho Quỹ Con đường Tơ lụa và 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng châu Á ngay trước khi Hội nghị APEC diễn ra.
Ngoài ra, kể từ tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã cam kết tài trợ khoản tiền 120 tỷ USD vào châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á.
Tờ China Daily ngày 17/11 nhận định: “Thông điệp mà Trung Quốc muốn truyền tải là Trung Quốc chân thành mong muốn sẽ đóng vai trò là một cường quốc có trách nhiệm hơn”.
Chưa thể giải quyết gốc rễ vấn đề tranh chấp trên Biển Đông
Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tân Hoa xã lại cho rằng, bất chấp những “tuyên bố mềm dẻo”, cả Mỹ và Trung Quốc “vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến những cam kết thành hành động cụ thể”.
“Vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề và vẫn còn có quá nhiều điều chưa rõ ràng trong những ngày tới”, ông Jia Qingguo, Trưởng Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh và là cố vấn chính sách cho Chính phủ Trung Quốc nhận định.
Theo Reuters, Trung Quốc từ lâu đã muốn “dẹp yên” những lo ngại trong khu vực và trên thế giới rằng việc phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc trở nên “hung hăng hơn” cả trong chính sách ngoại giao và quân sự của mình.
Trước đó, trong cuộc gặp với lãnh đạo các nước Đông Nam Á tại Hội nghị ASEAN trong tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một thỏa thuận hữu nghị giữa các nước nhưng vẫn không quên “nhắc lại” rằng Trung Quốc sẽ chỉ giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông riêng rẽ với từng nước có liên quan.
Ngoài ra, dù Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nói rằng, ông và ông Tập Cận Bình đã có một cuộc gặp “rất tốt đẹp” tại Bắc Kinh, giới chức quân đội Philippines tuyên bố vẫn chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc muốn giảm sự hiện diện của mình trên Biển Đông trên khu vực mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Nhật Bản, Ấn Độ- hai bài toán nan giải cho Trung Quốc
Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, vẫn đang dính vào tranh chấp nhóm đảo trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
Ngoài ra, Trung Quốc được cho là muốn giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong khu vực.
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có các cuộc đàm phán mang tính đột phá ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC liên quan đến những tổn hại về kinh tế do những cuộc tranh chấp giữa hai nước gây ra, bầu không khí nghi kỵ lẫn nhau vẫn chưa được cởi bỏ hoàn toàn.
Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Han Zhiqiang đã lớn tiếng cho rằng: “Việc hai nước có xảy ra những đụng độ hoặc những hành động gây rối có thể được ngăn chặn để không lặp lại trong tương lai hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành động và thái độ của Nhật Bản”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ tổ chức một lễ hội lớn kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ 2 vào năm 2015 và tuyên bố đây là cơ hội để Nhật Bản có thể xin lỗi vì những hành động trong quá khứ.
“Nhật Bản đang lo ngại không biết Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm đó như thế nào”, một quan chức phương Tây làm việc tại Bắc Kinh nhận định.
Bên cạnh Nhật Bản, Ấn Độ cũng là một vấn đề khá “đau đầu” với Trung Quốc khi nước này không hề có dấu hiệu muốn hòa giải những tranh chấp lãnh thổ trên đất liền.
Để “trấn an” thế giới, ông Tập Cận Bình đã viện dẫn một câu nói rất nổi tiếng của danh tướng Trung Quốc Tôn Tử trước Quốc hội Australia ngày 17/11: “Một quốc gia hiếu chiến sẽ sớm tiêu vong dù quốc gia đó có lớn như thế nào đi chăng nữa”.
Tuy nhiên, có thể ông đã “vô tình” không nhắc đến vế sau của câu nói này: “Dù thiên hạ thái bình, một quốc gia vẫn có thể bị nguy hiểm nếu không chuẩn bị trước cho chiến tranh”./.