Syria đứng bên bờ một cuộc nội chiến

Nhiều người cho rằng Syria đang có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến kéo dài như kịch bản của nước láng giềng Lebanon

Trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài suốt 6 tháng qua do phe đối lập phát động, ngày 16/9, các lực lượng an ninh Syria đã triển khai rất đông binh sỹ trên các đường phố ở thủ đô Damascus. Đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đã làm 20 người thiệt mạng.

Tại thành phố Homs, cách Damascus 165 km về phía bắc cũng có người thiệt mạng.

Đáng lo ngại hơn, hai nhân vật quan trọng của phe nổi dậy, Samir Altaqi - một cựu nghị sĩ và Samir Seifan - nhà kinh tế từng tham gia các chương trình cải cách trong những năm đầu Tổng thống Bashar al-Assad lên nắm quyền, đã tiến hành một loạt cuộc gặp ở London (Anh) để kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào Syria.

Cả hai nhân vật này đều cho rằng, cuộc cách mạng ở Syria đang tiến gần một giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều so với hiện nay, với khả năng nội chiến khá cao.

Cả Samir Altaqi và Samir Seifan đều thừa nhận rằng, hiện tại chưa có dấu hiệu của một sự can thiệp quốc tế vào Syria ngoài lệnh cấm vận, nhưng ông Altaqi dự đoán điều này cuối cùng rồi sẽ diễn ra, hoặc là trước hoặc là sau khi xảy ra nội chiến.

Những ngườ ủng hộ ông Bashar al-Assad tại thủ đô Damascus (Ảnh: Reuters)

Đó có thể không phải là sự can thiệp của phương Tây, mà khả năng cao hơn sẽ là sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Saudi Araba. Đồng thời một tình huống nữa cũng được đặt ra là liệu Iran có nhảy vào ủng hộ chính quyền Syria hay không?

Phát biểu trong chuyến thăm Libya ngày 16/9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố: “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là những diễn biến tại Syria không biến thành một cuộc chiến giáo phái”.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 15/9, tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập ở Syria đã tổ chức họp báo công bố danh sách 140 thành viên "Hội đồng Dân tộc Syria", tổ chức mà lực lượng này thành lập hôm 23/8 với nhiệm vụ điều phối các chính sách của phe đối lập nhằm chống lại nhà cầm quyền ở Syria.

Ông Abdulbaset Sida, thành viên Hội đồng Dân tộc Syria cho biết, 60% thành viên của họ sống ở Syria, trong khi số còn lại đang sống lưu vong. Còn nữ phát ngôn viên Hội đồng Dân tộc Syria, Basma Qadmani khẳng định: “Chúng tôi mở cửa cho tất cả. Mục tiêu của chúng tôi là hạ bệ chế độ này, bằng phương tiện hợp pháp, bảo vệ các tổ chức nhà nước và để bảo vệ các nguyên tắc hòa bình của cách mạng".

Theo giới quan sát, vẫn chưa có nước nào dám đưa ra một đề xuất can thiệp quân sự có tính khả thi với khả năng thành công cao.

Sự lựa chọn can thiệp của nước ngoài vào Syria bị hạn chế hơn nhiều so với ở Libya. Nếu chỉ cung cấp vũ khí cho phe chống đối (như một số nước đang muốn ngấm ngầm thực hiện) sẽ khiến xung đột ở Syria kéo dài thay vì chấm dứt.

“Bóng ma” về một cuộc nội chiến kiểu Lebanon, kéo dài suốt 15 năm, có thể sẽ xuất hiện ở nước láng giềng Syria./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên