Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Luật chưa theo kịp thực tiễn
VOV.VN - Quy định pháp luật hiện chưa theo kịp thực tiễn để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong môi trường số.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong Thời đại kỹ thuật số" do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ (Bộ KHCN) và Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội ngày 12/3.
Hội thảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số. (Ảnh: Vân Anh). |
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Theo thống kê, số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tăng từ 7 - 15% mỗi năm. Mặc dù đã cải thiện, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế bởi số lượng doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép đăng ký kinh doanh thường dao động ở mức 500.000 - 600.000 hàng năm.
Nhưng số văn bằng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp ra từ 2005 đến nay chưa đến 300.000 văn bằng, trong đó chưa kể đến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dược có đến 100-200 nhãn hiệu. Điều này cho thấy có nhiều doanh nghiệp có nhãn hiệu nhưng chưa đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo AmCham, bảo vệ quyền SHTT sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ. Nếu không có việc bảo hộ ý tưởng, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích từ những phát minh của họ và ít tập trung hơn vào việc nghiên cứu, phát triển.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành của AmCham đánh giá, hiện nay, việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp. (Ảnh: Vân Anh). |
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành của AmCham đánh giá, hiện nay, việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp, việc thực thi chưa đồng bộ cùng với những khoản phạt hành chính không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Thêm vào đó, năng lực và số nhân lực các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Quy định pháp lý chưa theo kịp thực tiễn
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN, từ sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan Nhà nước, vấn đề SHTT tại Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm SHTT trên môi trường số còn khó khăn hơn nhiều so với trên môi trường thực. Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử trên internet, rất khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cớ để xử lý vi phạm.
"Cơ quan chuyên trách xử lý pháp luật là tòa án ở Việt Nam chưa có chuyên trách về lĩnh vực SHTT. Rất ít kiểm sát viên hay chánh án có chuyên môn sâu về SHTT. Do đó, trong suốt thời gian qua, số vụ vi phạm về SHTT được đưa ra xử lý tại tòa hầu như không đáng kể", bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư Baker McKenzie Việt Nam cũng chia sẻ thực tế trong quá trình tư vấn về bảo hộ quyền SHTT, nhất là bảo hộ quyền SHTT trong môi trường số: "Đa số vụ việc chúng tôi xử lý qua biện pháp thương lượng, đạt kết quả tốt hơn trong thời gian ngắn. Còn nếu đưa ra tòa để xử lý, thường bị kéo dài thời gian. Thời gian càng kéo dài, thiệt hại cho khách hàng càng lớn".
Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN, để tăng cường bảo vệ và thực thi quyền SHTT trên toàn ngành công nghiệp ở Việt Nam đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN. (Ảnh: Vân Anh). |
Một trong những biện pháp Bộ KHCN sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới là tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan giải quyết tranh chấp quyền SHTT... Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về quyền SHTT để tránh vi phạm./.