Hàn Quốc sẽ đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân để đối phó Triều Tiên?
VOV.VN - Trước việc Triều Tiên mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công trang bị tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc cũng được cho là đang xúc tiến đóng tàu ngầm hạt nhân.
Mới đây trong chuyến công du Hàn Quốc (vào các ngày 7-8/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã thảo luận về vấn đề Hàn Quốc muốn sở hữu các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN), theo một quan chức chính phủ Hàn Quốc.
Một chiếc tàu ngầm của hải quân Hàn Quốc. Ảnh: Cimsec.
Quan chức Hàn Quốc nói trên không cung cấp thêm chi tiết về cuộc thảo luận. Tuy nhiên việc Tổng thống Moon thể hiện sự quan tâm của nước ông đối với việc phát triển hoặc mua sắm các tàu ngầm hạt nhân trong cuộc họp đó là một chỉ dấu cho thấy chính phủ Hàn Quốc đang ngày càng mong muốn có được năng lực SSN trong một tương lai không quá xa.
Đáp trả Triều Tiên
Lý do chính đằng sau việc chính quyền của ông Moon muốn phát triển năng lực SSN được cho là do Triều Tiên đang mở rộng nhanh chóng lực lượng tàu ngầm, bao gồm cả các tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới chạy bằng năng lượng không phải hạt nhân, có khả năng bắn tên lửa đạn đạo KN11/Pukguksong-1.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể lặn dưới nước trong thời gian dài và do vậy có thể giúp Hàn Quốc theo dõi các tàu ngầm hạt nhân của Triều Tiên hiệu quả hơn.
Nhưng khả năng hải quân Hàn Quốc vận hành một đội nhỏ tàu SSN có mức độ hiện thực đến đâu?
Rất ít khả năng Mỹ sẽ cho Hàn Quốc mua hoặc thuê các tàu ngầm hạt nhân như là tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virgina hay là lớp Los Angeles (sắp cho nghỉ hưu). Có một loạt lý do cho việc này, như nỗi lo về phổ biến vũ khí hạt nhân, hay sự miễn cưỡng phải chia sẻ công nghệ tàu ngầm nhạy cảm với một nước đồng minh. Ngoài ra còn có lý do nữa là các tàu ngầm do Mỹ chế tạo thường vận hành rất tốn kém, có thể không thích hợp với hải quân Hàn Quốc.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 9 nói rằng “Mỹ chưa bao giờ bán tàu ngầm hạt nhân cho bất cứ nước ngoài nào và do đó, nếu chúng tôi muốn có một chiếc như vậy, chúng tôi sẽ phải tự phát triển lấy”.
Hải quân Hàn Quốc có thể mong muốn đưa ít nhất ba chiếc tàu ngầm SSN vào tuần tra 24/24.
Theo một số ước tính, tổng chi phí để có được 3 tàu ngầm loại này cộng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ có thể lên tới 9 tỷ USD, chưa tính chi phí vận hành.
Theo truyền thông Hàn Quốc, nước này đã khởi động một dự án quân sự bí mật vào năm 2003 mang mật danh “sáng kiến 362”, với mục đích phát triển năng lực tàu ngầm hạt nhân bản địa. Nhưng dự án này đã bị đóng cửa vào năm 2004 khi nó bị “lộ” và thu hút sự chú ý giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Mặc dù vậy, trước đó cơ quan năng lượng nguyên tử của Hàn Quốc được cho là đã hoàn thành thiết kế cơ bản của một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ dùng cho một loại tàu SSN mới.
Trở ngại lớn
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in sẽ phải vượt qua vô số trở ngại khác nhau về mặt chính trị và kỹ thuật để đạt được giấc mơ về một hạm đội tàu ngầm hạt nhân.
Một trong các thách thức lớn đối với bất cứ hạm đội SSN nào của hải quân Hàn Quốc là làm thế nào để có được nhiên liệu hạt nhân. Theo một thỏa thuận hạt nhân đã được sửa đổi giữa Mỹ và Hàn Quốc ký vào năm 2015, Seoul bị cấm làm giàu uranium và tái xử lý các nhiên liệu đã qua sử dụng cho mục đích quân sự (mặc dù thỏa thuận này cho phép làm giàu uranium cho năng lượng hạt nhân dân sự trong tương lai). Mặc dù một tàu SSN vẫn có thể chạy bằng uranium làm giàu ở mức độ thấp, Mỹ nhiều khả năng cũng phản đối điều đó do các quan ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên đang chế tạo tàu ngầm hạt nhân có thể bắn tên lửa đạn đạo?
Hồi năm 2016, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với tờ Korea Times rằng “hai nước vẫn chưa xem xét lại liệu thỏa thuận sửa đổi nói trên có thể cho phép Hàn Quốc làm giàu uranium cần thiết cho một chiếc tàu ngầm hạt nhân hay không”.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã phê chuẩn Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1975 và hiện nay vẫn chính thức tuân thủ hiệp ước này.
Theo các chuyên gia hải quân, ngay cả khi có sự trợ giúp từ bên ngoài, Hàn Quốc cũng sẽ phải mất 5 năm mới có thể đóng được chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình. Một chương trình SSN bản địa mà không có sự hỗ trợ từ nước ngoài là điều không thực tế. Các đối tác tiềm năng của Hàn Quốc có thể bao gồm Ấn Độ, Pháp, và Mỹ. Tuy nhiên cho đến nay chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump chưa công khai nhất trí với kế hoạch của Hàn Quốc xây dựng đội tàu SSN.
Hải quân Hàn Quốc chủ yếu là hoạt động gần bờ. Lực lượng này dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 18 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-diesel vào năm 2019 – tất cả các tàu này sẽ được gắn công nghệ sonar và các hệ thống đẩy tiên tiến không phụ thuộc không khí. Các tàu này có khả năng lặn trong 2 tuần hoặc lâu hơn.
Việc bổ sung các tàu ngầm thông thường này sẽ giúp Hàn Quốc bảo đảm khả năng tuần tra liên tục quanh các khu vực có căn cứ tàu ngầm của Triều Tiên. Các tàu ngầm điện-diesel này còn có lợi thế là yên tĩnh hơn và khó bị phát hiện so với tàu ngầm hạt nhân. Chúng cũng rẻ hơn so với tàu ngầm tấn công hạt nhân, và vì thế có thể triển khai với số lượng lớn.
Bên cạnh tàu ngầm, hải quân Hàn Quốc có thể triển khai thêm các máy bay săn ngầm để dò tìm và bám sát các tàu ngầm của Triều Tiên./.