Sức mua tăng mạnh ngày 30 Tết, giá không tăng đột biến
VOV.VN -Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, sức mua trên thị trường ngày 30 Tết vẫn tăng mạnh so với ngày 29 Tết và lượt khách đến chợ tập trung vào buổi sáng.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua theo dõi tình hình thị trường của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính báo cáoTổng hợp tình hình giá cả thị trường trước Tết từ ngày 14/2- 15/2/2018 (tức ngày 29/12- 30/12 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018).
Tại một chợ hoa tự phát trên phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) mỗi cây quất nhỏ này có giá 250.000-500.000 đồng/cây.(ảnh: Chung Thủy) |
Theo đó, Bộ Tài chính cho hay, người lao động nghỉ dài ngày nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Tết được dàn trải ra nhiều ngày, tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết Ông Công ông Táo) và kéo dài đến 30 Tết. Các mặt hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, quà bánh, quần áo mới... đã được người tiêu dùng mua sắm từ trước.
Vì vậy, ngày 30 Tết, tại các Thành phố lớn, hầu như người dân đều đã về quê để đón Tết, nhưng nhìn chung sức mua vẫn tăng mạnh so với ngày 29 Tết và lượt khách đến chợ tập trung vào buổi sáng. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và các thành phố lớn hoạt động mua sắm số động chủ yếu là hoa cảnh (đào, quất), cây cảnh, rau củ quả, thực phẩm tươi sống; tập trung ở Siêu thị và chợ truyền thống.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn lượng hàng hoá dồi dào, sức mua tăng 30-35% so ngày thường nhưng giá cả ổn định. Trên phạm vi cả nước, về cơ bản, giá hàng hóa ổn định so với ngày 28 Tết.
Đơn cử, đối với nhóm hàng công nghệ phẩm chế biến thì giá ổn định do nguồn cung lớn, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với Tết Đinh Dậu 2017 và các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự, ngoại nhập.
Hàng thực phẩm tươi sống giá ổn định do nguồn cung dồi dào. Giá thịt bò, gia cầm, hải sản có nhích nhẹ so với ngày thường, phản ánh xu thế chung sức mua tăng trong dịp Tết. Hàng rau củ quả, hoa, cây cảnh: mặt hàng rau xanh tăng nhẹ do thời tiết rét đậm kéo dài, nhưng nguồn cung dồi dào. Giá hoa, cây cảnh tương đương hoặc tăng 5-10% so Tết năm trước.
Tại thị trường Hà Nội, ngày 30 sức mua tăng so với ngày 29 Tết. Tại chợ dân sinh mặt hàng được mua bán nhiều hơn là rau xanh hoa quả bày bàn thờ và gà ta còn sống (dao động trong khoảng 135.000-150.000 đồng/kg. Tại siêu thị Big C Lê Trọng Tấn, hàng hóa được mua nhiều là các loại bánh mứt kẹo, bánh chưng (60000 đồng/chiếc) giò lụa 160000/chiếc, cà chua 20000 đồng/kg.
Tại TP Hồ Chí Minh, sức mua ngày 29 Tết (14/2/2018) trên thị trường tăng 20%-30% so với ngày thường, tập trung tại các chợ lẻ, buổi sáng. Tại các chợ đầu mối giá bán các mặt hàng đa số ổn định, riêng mặt hàng thịt gia súc và gia cầm biến động không đáng kể. Tại các chợ lẻ giá mặt hàng thịt gia súc giảm nhẹ sau khi đã tăng trong các ngày trước; các mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, thủy hải sản, hoa chưng Tết tăng nhẹ.
Chẳng hạn tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng thủy hải sản về chợ đạt 530 tấn, giảm 353 tấn (40%) so ngày trước và giảm 77 tấn (13%)so cùng kỳ năm trước. Giá cả các mặt hàng đa số ổn định, riêng cá điêu hồng giảm 2.000đ/kg, cá tra giảm 9.000đ/kg, tôm thẻ và cua giảm 10.000đ/kg; so với cùng kỳ năm trước giá cả các mặt hàng tăng 4%-21%. Lượng thủy hải sản khô về chợ khoảng 11,6tấn, giảm2,2tấn (15,9%)so ngày trước nhưng tăng 3,5tấn (43%) so cùng kỳ năm trước, giá bán buôn các mặt hàng tiếp tục ổn định so với ngày trước nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng, giảm 6%-26%.
Tại một số địa phương khác (Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Phước…): Giá cả nhìn chung không có biến động bất thường. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên giá tại một số chợ dân sinh tăng so với ngày thường do yếu tố tâm lý, tập trung chủ yếu ở nhóm thịt bò, thịt gà, giò với mức tăng phổ biến khoảng 10- 15%; giá hoa cảnh, cây cảnh biến động tăng tại một số khu vực. Giá rau, củ ổn định hoặc giảm (Lạng Sơn, Bắc Giang) do nguồn cung dồi dào.
Do ngày mai (16/2/2018) là ngày Mùng 1 Tết, vì vậy hầu hết các siêu thị đều không mở cửa, thường chỉ có một số sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng mở bán lấy may. Người dân chủ yếu đi thăm hỏi chúc Tết và đi lễ chùa đầu năm. Vì vậy, Bộ Tài chính dự báo giá cả các loại hàng hóa (nếu có) sẽ ít biến động so với ngày 30 Tết./.
Sôi động thị trường hoa tươi ngày 30 tết trên cả nước
Quần áo mừng thọ đắt hàng những ngày giáp Tết Mậu Tuất
Ảnh: Những mặt hàng sốt giá dịp Tết