Nhớ nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Kim Cúc

(VOV) -“Tôi như còn nghe giọng kể chuyện hào hứng với các tình huống kịch anh đang chuẩn bị cho một vở sắp viết”...

Cuối tháng 2/2013, tôi gọi điện về nhà anh Nguyễn Kim Cúc thì được chị Võ Thị Thương, vợ anh báo tin anh Cúc đang được cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế. Mấy năm gần đây, từ Hà Nội vào Huế, đến thăm vợ chồng anh, thấy anh đã yếu nhiều, tôi thật sự lo lắng. Sáng mùng 7/3, anh Mai Thúc Long báo cho biết anh Nguyễn Kim Cúc đã qua đời trưa 6/3.

Ngày 7/3, Đài Truyền hình Huế cùng gia đình đình tổ chức tang lễ ở Huế, sau đó đưa anh về yên nghỉ tại Bình Định quê nhà.

Nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Kim Cúc, bút danh Kim Nguyên. Năm 1968 vào chiến trường Trị Thiên Huế, anh ký bút danh Nguyễn Tuyến Trung.

Sinh ngày 6/1/1928, quê quán xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, Nguyễn Kim Cúc tham gia cách mạng từ năm 1949, đã từng là trưởng Đoàn văn hóa văn nghệ tỉnh Bình Định. Tập kết ra Bắc, anh công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, là trưởng Phòng Phóng viên biên tập Ban miền Nam.

Ở Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế năm 1970. Từ phải sang: Nguyễn Khoa Kim Bội, Nguyễn Kim Cúc, Trần Phương Trà, anh Thanh, Lê Thị Thu (Ảnh: Trọng Thanh)

Năm 1968, ở chiến trường Trị Thiên Huế, tôi vui sướng được đón tiếp anh Nguyễn Thành (sau là Giám đốc Đài Phát thanh Giải Phóng) và anh Nguyễn Kim Cúc. Sau đó, anh Nguyễn Thành ra Bắc, anh Nguyễn Kim Cúc ở lại cùng chúng tôi lo tổ chức Đài Phát thanh Khu Trị Thiên Huế. Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Trưởng ban tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế làm Giám đốc Đài Phát thanh, các anh Nguyễn Kim Cúc và Hồ Như Ý là Phó Giám đốc.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo và ác liệt, Đài chưa hoạt động được, Nguyễn Kim Cúc là Trưởng Ban tuyên truyền báo chí Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế. Chúng tôi khai thác tài liệu, viết bài và dùng hệ thống điện đài gửi cho Đài Phát thanh Giải Phóng, có cả kịch, truyện ngắn, ký, thơ và các bài hát ghi lại dưới dạng như pha đen, đô đơn, sol đơn… gạch nhịp.

Mùa thu năm 1969, Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ Giải Phóng Khu Trị Thiên Huế. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành của Chi hội, do nhạc sĩ Hồ Thuận An tức Trần Hoàn làm Chi hội trưởng, nhà thơ Thanh Hải làm Chi hội phó kiêm Tổng thư ký. Trong Ban chấp hành còn có nhạc sĩ Thuận Yến, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà viết kịch Nguyễn Tuyến Trung, nghệ sĩ Thu Lưỡng, Trần Vàng Sao, Lê Khánh Thông, Trần Phương Trà…


Chi hội Văn nghệ Giải Phóng ra Tạp chí Sinh hoạt văn nghệ. Số đầu in bằng rônêô. Các anh Trần Hoàn, Nguyễn Kim Cúc, Nguyễn Khoa Điềm và tôi lo bài vở, biên tập, theo dõi in và phát hành. Sau đó, tạp chí được in tại nhà in của báo “Quyết Thắng”, cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trị Thiên Huế.

Năm 1971, anh Nguyễn Kim Cúc và tôi đi vùng đường 9 – Nam Lào đến các đơn vị vừa đánh vào Khe Sanh. Anh cố gắng vượt dốc, vượt suối để đến với các chiến sĩ. Chi hội ra số tạp chí số 4/1971 mừng chiến thắng đường 9 Nam Lào. Trong số này có đăng vở kịch ngắn “Định hướng” của Nguyễn Tuyến Trung.

Năm 1970, nhà in báo “Quyết Thắng” bị bom B52 hủy diệt, 7 công nhân bị giết không tìm được thi thể. Tôi cùng với 4 công nhân mới từ Hà Nội vào mang bản thảo số “Sinh hoạt văn nghệ” số 4 sang in nhờ ở báo Quân Giải phóng Quân khu Trị Thiên Huế.

Các anh Nguyễn Kim Cúc, Nguyễn Khoa Điềm và tôi cùng ở một nhà, ngủ trong một căn hầm chữ A có sạp nứa. Ngày 31/10/1971, trại sáng tác văn học của Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế khai mạc. Tham gia trại có 8 người: Nguyễn Tuyến Trung, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Quế Lâm, Hà Nguyên, Trần Lâm, Trần Phương Trà.

Mới được 20 ngày thì Khu nhà Ban Tuyên huấn Khu ủy bị một trận bom B52. Lúc này, Nguyễn Khoa Điềm và tôi ở cùng 1 hầm. Tôi bị thương vào trán phải đi bệnh viện. Anh Cúc ở một hầm khác.

Xa Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Nguyễn Kim Cúc và tôi thường nhắc những kỷ niệm và anh chị em ở Đài. Chúng tôi theo dõi các chương trình phát thanh và trân trọng công việc của đồng nghiệp ở Hà Nội.

Từ trái sang: Nguyễn Kim Cúc, Nguyễn Kim Trạch, Hồ Văn Lại, Huy Lam

Có thể khẳng định, chính anh Nguyễn Kim Cúc là một trong những người đầu tiên ở Đài Tiếng nói Việt Nam đưa thể loại câu chuyện truyền thanh lên sóng phát thanh. Những câu chuyện truyền thanh của Nguyễn Kim Cúc như “Trời giông”, “Dân ý”, “Người Mỹ thứ 333”, “Lối thoát một đường hầm”, “Bệnh đau đầu khó chữa”, “Nòng súng có khói”… đã được phát thanh nhiều lần.

Ở chiến trường Trị Thiên Huế, Nguyễn Kim Cúc đã viết các vở kịch: “Cái tủ”, “Giữ cờ”, “Định hướng”… Sau này anh Nguyễn Kim Cúc làm Giám đốc Đài Truyền hình Huế. Anh đã viết thêm nhiều câu chuyện truyền thanh, kịch ngắn. Kịch bản phim truyện “Đất bằng”, Đài Truyền hình Việt Nam dựng và phát sóng năm 1980. “Nợ sữa” do Đài Truyền hình Huế dựng và phát sóng năm 1998. Có thể kể các kịch bản khác như “Huế và em”, “Kẻ có công”, “Vườn trăng huyền thoại”, “Tên người dưới mộ”…

Từ đầu năm 1968 đến giữa năm 1972, anh Nguyễn Kim Cúc là một trong những người cao tuổi nhất ở Ban Tuyên huấn khu ủy Trị Thiên Huế. Anh đã tự vượt mình, vượt lên tuổi tác và sức khỏe để bám trụ ở một chiến trường ác liệt và hết sức gian khổ làm công tác biên tập, tuyên truyền, sáng tác, làm rẫy, làm nhà, đào hầm, gùi gạo… đóng góp tích cực cho làn sóng Đài phát thanh Giải Phóng và cho phong trào văn nghệ.

45 năm qua, chúng tôi đã nhiều lần gặp nhau ở Huế, Hà Nội. Hình ảnh thân thuộc của nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Kim Cúc – Kim Nguyên - Nguyễn Tuyến Trung vẫn luôn ở trong tôi. Tôi tưởng như còn nghe giọng kể chuyện hào hứng bằng những đối thoại với các tình huống kịch mà anh đang chuẩn bị cho một vở sắp viết. Anh có ý thức rõ rệt khi kể cho người khác nghe chính là để làm cho câu chuyện nhuần nhuyễn và bố cục chặt chẽ và hợp lý hơn.

Anh Nguyễn Kim Cúc ra đi ở tuổi 86, mà hơn một nửa cuộc đời anh đã gắn bó mật thiết với mảnh đất Trị Thiên Huế thân yêu.

Cầu chúc anh yên nghỉ ở quê hương Bình Định của anh./.

                                                                                                             Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2013

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời
Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời

(VOV)- Được làm việc, được đem những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người, đã trở thành niềm vui sống trong con người chị...

Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời

Nhà báo Kim Cúc: Một đam mê, cả cuộc đời

(VOV)- Được làm việc, được đem những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người, đã trở thành niềm vui sống trong con người chị...

Nhà báo Hữu Thọ: Khi đưa tin người làm báo phải cân nhắc
Nhà báo Hữu Thọ: Khi đưa tin người làm báo phải cân nhắc

(VOV)- Trước khi đưa tin, nhà báo phải cân nhắc thông tin thật hay giả và lợi hay hại. Cái lợi ở đây là cái lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân

Nhà báo Hữu Thọ: Khi đưa tin người làm báo phải cân nhắc

Nhà báo Hữu Thọ: Khi đưa tin người làm báo phải cân nhắc

(VOV)- Trước khi đưa tin, nhà báo phải cân nhắc thông tin thật hay giả và lợi hay hại. Cái lợi ở đây là cái lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân

Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang
Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang

(VOV) - Đầu Xuân Quý Tỵ, nhà báo Phan Quang lại có một ấn phẩm mới tập hợp những bài viết của ông trong vòng mươi năm lại đây.

Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang

Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang

(VOV) - Đầu Xuân Quý Tỵ, nhà báo Phan Quang lại có một ấn phẩm mới tập hợp những bài viết của ông trong vòng mươi năm lại đây.