Về Mường So, thưởng thức cá nướng ngon nhất Tây Bắc

(VOV) - Mảnh đất Mường So, thủ phủ của người Thái Lai Châu nổi tiếng là miền con gái đẹp và những món ăn ngon tới khó quên.


Mảnh đất huyền thoại của người Thái Lai Châu

Xã Mường So vốn là xã trung tâm, nơi cư trú lâu đời nhất của người Thái ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Mường So nằm trọn vẹn trong một thung lũng bằng phẳng, có núi bao quanh. Ở vùng núi non trùng điệp như Lai Châu, tìm được một thung lũng rộng lớn, đất đai trù phú như đồng bằng như thế thật không dễ dàng gì.

Chính vì vậy, hàng trăm năm trước, những người Thái đầu tiên đi qua nơi đây đã dừng lại, chọn mảnh đất này làm quê hương cho con cháu mai sau. Họ được gọi là những người tạo bản, dần hình thành nên tầng lớp quý tộc trong cộng đồng người Thái Tây Bắc khi xưa.

Dòng suối huyền thoại Tùng Lùm đoạn chảy qua bản Vàng Pheo

Mường So nổi tiếng vì có nhiều con gái đẹp. Truyền thuyết về nàng Han cũng xuất phát từ đây. Truyện kể rằng nàng Han là con gái một gia đình nghèo ở bản Lang. Cuộc sống đang yên ấm thì giặc phương Bắc hung hãn mang quân sang cướp phá, bắt giết các bản mường. Các tướng giỏi nhất của các xứ mường mang quân lên cũng không thể đánh thắng kẻ thù. Nàng Han ra ứng thí vào đội quân tiêu diệt giặc, được là chủ tướng cầm quân đánh đuổi bọn xâm lăng. 

Đội quân của nàng Han giành chiến thắng đúng ngày 30 Tết. Khi được tướng sỹ khiêng kiệu trở về đến mó nước Nậm So bên suối Tùng Lùm, nàng Han cởi xiêm y, tắm bên mó nước sau đó thăng thiên. Năm ngày sau khi nàng Han bay lên trời, ba vị tướng chỉ đạo ba cánh quân dưới quyền của nàng Han cũng biến mất. Nhân dân quanh vùng sau đó lập đền thờ nàng Han cùng với các vị tướng của bà ở ngay chính mó nước Nậm So.

Từ đó, lễ hội Nàng Han được tổ chức để tưởng nhớ công lao của vị nữ tướng, cầu mong mùa màng bội thu, lưu giữ tinh thần thượng võ, bất khuất của dân tộc, trở thành một “đặc sản văn hóa” của Lai Châu.

Nụ cười cô gái Thái Mường So bên khung cửi dệt

Mó nước nơi nàng Han tắm quanh năm ngày tháng nước trong văn vắt, không bao giờ cạn. Tương truyền con gái Mường So nhờ tắm nước trên dòng suối này mà ai cũng xinh đẹp mỹ miều. Tiếng tăm về vẻ đẹp của các mỹ nữ nơi đây lan khắp vùng Tây Bắc. Các vua, chúa đất đều cho người đi tìm chọn các cô gái Mường So về lập đội xòe để biểu diễn trong dinh thự của mình. Cho đến ngày nay, phụ nữ Mường So vẫn mang vẻ đẹp dễ làm ngẩn ngơ các vị khách ghé thăm.

Món cá nướng đầy quyến rũ

Bản Vàng Pheo nằm cách trung tâm xã Mường So hơn 1 km, đường đi lại thuận tiện, thích hợp cho việc làm du lịch. Đường đi trong bản cũng được xã đầu tư xây dựng thẳng thắn, sạch sẽ. So với các bản khác ở vị trí thuận lợi như vậy, Vàng Pheo là nơi còn giữ được nhiều mái nhà sàn truyền thống. Cả bản có 102 hộ thì còn 35 mái nhà sàn, tất cả đều khang trang, sạch đẹp.

Điều đặc biệt ở Vàng Pheo là bản nằm trong thung lũng, địa hình bằng phẳng nên các nhà không cách xa nhau, lại được dựng rất đều, nhà nào cũng nằm lọt giữa vườn cây. Du khách tới đây dễ dàng chiêm ngưỡng các ngôi nhà, tìm hiểu về đời sống của bà con mà không mất nhiều công di chuyển như ở nhiều bản miền núi khác.

Ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái ở Vàng Pheo

Vàng Pheo nổi tiếng không chỉ bởi quang cảnh đẹp mà còn bởi những món ăn ngon. Trong đó nổi tiếng nhất là món cá bống vùi tro. Nghệ nhân Lò Thị Đối, người am hiểu cách nấu ăn đặc trưng của bản đã giành ngôi vị quán quân trong nhiều cuộc thi ẩm thực trong và ngoài tỉnh. Trong đó có huy chương vàng tại Liên hoan văn hóa ẩm thực làng quê năm 2005 do Hội Nông dân Việt Nam và Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức dành cho món ăn này.

Du khách tới Vàng Pheo, nếu đặt trước sẽ được thưởng thức những món ăn do nghệ nhân Lò Thị Đối chế biến. Nhưng riêng món cá bống vùi tro thì không thể chế biến cho nhiều người ăn cùng một lúc vì cách chế biến rất cầu kỳ, mỗi mẻ cá chỉ được có số lượng vừa phải thì cá mới chín ngon.

Nghệ nhân Lò Thị Đối

Cá bống được bắt ở suối Tùng Lùm, được ướp bằng các loại gia vị đặc biệt của núi rừng Mường So rồi vùi trong tro nóng cho tới khi chín. Còn các loại cá to khác thì được quạt trên than hồng, trở luôn tục để cá chín đều. Cách chế biến tưởng chừng đơn giản nhưng cá nướng có vị ngon đặc biệt bởi mọi bí quyết nằm ở các loại gia vị. Trong đó quan trọng nhất là một loại rau húng rừng chỉ có ở núi rừng Mường So. Nghệ nhân Lò Thị Đối cho biết loại rau này rất kỳ lạ, chỉ hái được trên rừng. Bà thử đem về trồng trong vườn nhưng không được, cây không phát triển mà một thời gian sau cứ lụi dần đi. 

Món cá nướng ở Vàng Pheo có mùi thơm của cá, của các gia vị quyện với mùi khói than, vừa mềm vừa ngọt. Ai đã ăn một lần khó có thể quên.

Món cá, thịt nướng trong quá trình chế biến


Với tài chế biến các món ăn, đội văn nghệ gồm các cô gái xinh đẹp hát hay, múa đẹp, Vàng Pheo thường xuyên được tiếp đón các đoàn khách của huyện, tỉnh tới tham quan. Vàng Pheo cũng đã được xây dựng là bản văn hóa điểm để thu hút du lịch song vẫn chưa có chiến lược phát triển nào giúp bản khai thác được thế mạnh của mình.

Nếu được đầu tư và có hướng phát triển thích hợp, Vàng Pheo có thể trở thành điểm đến đầy sức hấp dẫn với du khách ưa khám phá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã “mời” được 200 người đẹp
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã “mời” được 200 người đẹp

200 hồ sơ dự thi của các thí sinh rất nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Thái, Khmer, Kinh…

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã “mời” được 200 người đẹp

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã “mời” được 200 người đẹp

200 hồ sơ dự thi của các thí sinh rất nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Thái, Khmer, Kinh…

Lễ hội “Xên Mường” dân tộc Thái Đen
Lễ hội “Xên Mường” dân tộc Thái Đen

Ngày 31/12, tại xã Chiềng Cơi, TP Sơn La đã diễn ra Lễ hội“Xên Mường” của dân tộc Thái đen, thu hút hàng ngàn lượt đồng bào trong vùng tham gia dự

Lễ hội “Xên Mường” dân tộc Thái Đen

Lễ hội “Xên Mường” dân tộc Thái Đen

Ngày 31/12, tại xã Chiềng Cơi, TP Sơn La đã diễn ra Lễ hội“Xên Mường” của dân tộc Thái đen, thu hút hàng ngàn lượt đồng bào trong vùng tham gia dự

Ngày văn hóa các dân tộc hướng tới văn hóa gia đình
Ngày văn hóa các dân tộc hướng tới văn hóa gia đình

(VOV) -Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam là chủ đề của ngày văn hóa các dân tộc năm nay.

Ngày văn hóa các dân tộc hướng tới văn hóa gia đình

Ngày văn hóa các dân tộc hướng tới văn hóa gia đình

(VOV) -Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam là chủ đề của ngày văn hóa các dân tộc năm nay.

Tuổi trẻ các dân tộc bối rối trước vấn đề văn hóa gia đình
Tuổi trẻ các dân tộc bối rối trước vấn đề văn hóa gia đình

(VOV) -Thanh niên các dân tộc thiểu số dường như chỉ biết “cầu cứu”, chứ chưa có giải pháp cho việc giữ gìn văn hóa truyền thống.

Tuổi trẻ các dân tộc bối rối trước vấn đề văn hóa gia đình

Tuổi trẻ các dân tộc bối rối trước vấn đề văn hóa gia đình

(VOV) -Thanh niên các dân tộc thiểu số dường như chỉ biết “cầu cứu”, chứ chưa có giải pháp cho việc giữ gìn văn hóa truyền thống.