Chạm vào ngực mùa xuân

Hôm nay, không một lời hẹn, tôi trở lại Đà Lạt trong mùa xuân. Tôi trở lại không báo trước. Tôi có cảm giác như đang trở về nhà mình. Tôi không muốn mọi điều trở thành quá trễ

Một ngày nào đó, trong ký ức của bạn đã tràn ngập sự lãng quên. Rồi tình cờ bạn ngang qua con phố đó, nhìn thấy nóc chuông nhà thờ cao ngất, rồi tiếng chuông bỗng vang lên nhưng âm thanh quen thuộc. Chắc chắn bạn sẽ nhớ về.

Tôi tưởng rằng mình đã quên anh. Quên cả giấc mơ là hai đứa sẽ trở thành vợ chồng. Tôi sẽ nấu cơm cho anh ăn mỗi ngày, chủ nhật hai vợ chồng sẽ đi đến một nơi nào đó để tận hưởng hạnh phúc.

Nhưng cuộc đời không phải là những con số, cũng chẳng phải phép toán một cộng một bằng hai..

Nó là những hằng đẳng số buộc ta phải giải cho bằng được. Tôi tưởng rằng mình đã giải được đẳng số của mình, nhưng thực ra thì tôi đã làm một bài toán không có đáp số.

Đó là một mùa xuân đẹp nhất trong cuộc đời tôi.

Mùa xuân năm đó tôi chạm gặp Đà Lạt. Đó cũng là khởi đầu cho những ngày tháng xa nhà khi tôi bắt đầu khấp khểnh vào đời. Với tôi, Đà Lạt không còn là một nơi đến, mà đó là một thiên đường. Ở thành phố này, dường như chỉ dành cho những yêu thương mà không hề có một góc nhỏ nào dành cho sự hận thù.

Lý do tôi đến Đà Lạt thật hồn nhiên, vì tôi muốn khám phá một vùng đất mới, một không gian mới và muốn ăn một cái tết hoàn toàn mới mẻ. Lúc ấy, tôi, một cô sinh viên mới ra trường, khát khao có một việc làm, muốn chứng tỏ mình. Trong lòng không vướng bận, tình yêu cũng không, có thể với những cô gái khác, họ sẽ từ chối chuyến đi này, một chuyến đi không phải để rong chơi, mà là để đối mặt với những bất trắc trong cuộc sống mà mình chưa nhìn thấy trước.

Tôi nhớ gương mặt của chú Hoàng. Chú lật đi lật lại tập hồ sơ xin việc của tôi:

- Cháu đã suy nghĩ chưa khi xin vào làm việc ở đây? Nhiều người đã bỏ cuộc rồi cháu ạ.

Chú Hoàng rót ly trà nóng, bảo tôi uống. Rồi chú nói tiếp:

- Với lý lịch của cháu có tới 8 năm sinh hoạt Đoàn, từng sinh hoạt cộng đồng nhiều năm, từng là Bí thư Đoàn trường, lại có năng khiếu ca hát thì quả là một người chú cần tìm. Chú cũng rất mong cháu sẽ làm việc ở đây lâu dài. Còn nếu không, cháu có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào, chú sẵn sàng giới thiệu cho cháu một công việc khác.

Tôi xoắn hai bàn tay mình:

- Không. Cháu đã tìm hiểu rồi mới làm đơn xin việc ạ. Cháu không biết cháu làm việc tại đây có bền lâu không? Nhưng chú hãy cho cháu một cơ hội.

Cơ hội của tôi ở đây là phải có mặt thường xuyên ở những nơi heo hút, nơi đó dân nghèo cần được chữa trị bệnh miễn phí vì họ không có tiền và cả đời họ không hề biết đến từ thiện. Tổ chức tôi làm việc là tổ chức nhân đạo, nói theo kiểu của chú Hoàng thì đó là tổ chức nhận của nơi này, đem đến cho nơi khác. Tết năm đó  tôi đã lên Đà Lạt.

Thật ra thì thẳm sâu trong lòng tôi là nỗi buồn. Cuộc sống của gia đình tôi không hạnh phúc. Dẫu ăn tết ở nhà thì tôi cũng chỉ là một người khách ghé chân. Tôi đã dọn ra ở riêng, thuê một căn phòng nhỏ, thỉnh thoảng tôi mới ghé về nhà. Mẹ tôi qua đời sớm, ba tôi gá nghĩa với một người đàn bà khác, và ba có thêm những đứa con khác. Trong căn nhà của ba, của vợ ba và những đứa con của ba, tôi giống như một chiếc bàn không có chỗ đặt, tôi giống như một vật trang trí thừa thãi, mà người ta có thể bỏ vào một cái xó nào đó cũng được. Tôi đã trải qua những những cái tết buồn, có khi nằm lì trong phòng, nghe những thanh âm của phố xá vọng vào để biết rằng mùa xuân đang tới, để biết rằng moi người đang vui.

Từ ngày ra ở riêng, tôi cũng tự sắm cho mình đủ thứ để làm nên một cái tết riêng cho mình. Bánh mứt để đó, nhưng dẫu bánh mứt ngon thì ăn một mình cũng chán. Bạn bè lần lượt xa rời, bởi mỗi đứa đều tìm thấy tình yêu của mình. Ai cũng vậy thôi, tình yêu luôn lớn hơn tất cả mọi điều, ngày tết quấn quýt bên người mình yêu hẳn là vui hơn khi tới căn phòng trống vắng của tôi. Vậy là ngủ. Có khi tôi uống rượu cho say, trùm chăn mặc cho đất trời lẳng lặng dịch chuyển. Thậm chí tôi không về nhà, ba tôi cũng chẳng cần gọi điện để biết rằng ông còn có một đứa con gái hiện hữu trên thế gian này.

Tôi đã tập yêu rồi đó chứ. Đàn ông con trai ngoài đường hằng hà sa số. Có anh chàng gương mặt điển trai như gương mặt của các diễn viên Hàn Quốc. Bạn bè giới thiệu cho tôi dăm ba người như thế. Tiểu sử ai cũng đầy sức hấp dẫn đối với các cô gái mới lớn. Nhưng lạ thay, tôi nhìn người đàn ông nào cũng bằng trái tim của mình chứ không phải bằng gương mặt xinh đẹp, làm điệu trong cách nói, mái tóc làm dáng bằng cách xịt keo. Ai có nói tôi là con gái nhà quê thì tôi đành chịu.

Tôi tập yêu bằng cách khờ khạo theo chân một đứa con trai vào quán nước. Cây cối che khuất tầm nhìn, những âm thanh che dấu tiếng cười. Không ai nhìn ai, chẳng ai chào ai. Quán đông như thế mà vẫn cảm thấy sợ hãi khi người con trai mới quen giả vờ như vô tình đưa tay khuấy dùm ly nước, đụng vào ngực. Chỗ linh thiêng đó chỉ dành riêng cho một người, sự xâm phạm làm tôi cảm thấy mình mất thì giờ vô ích. Bạn bè cười: “Có gì ghê gớm đâu? Tính ra thì tới mấy lớp vải” khi nghe tôi kể chuyện. Chúng nó hồn nhiên đùa giỡn với tình yêu như người ta hồn nhiên phóng xe trên phố mỗi ngày. Ra công viên mà xem, nắng còn chưa nhạt nhòa trên cây lá, trai trẻ đang ôm nhau, hôn nhau. Tới tòa án mà xem, những cuộc hôn nhân tưng bừng mới xong đã ngồi đợi tòa tuyên bố cho ly dị. Cuộc sống muôn mặt ấy làm cho tôi lạc lõng. Mà tôi thì đã lạc lõng ngay chính trong cái gọi là gia đình của tôi rồi mà.

Đêm ba mươi Tết năm đó tôi gặp Hảo. Mọi người hay gọi đùa anh là Hảo Hảo. Chúng tôi tổ chức một chương trình văn nghệ đón giao thừa tại một làng dân tộc dưới chân núi Lang Biang. Đêm lạnh se da, ngọn lửa cháy bập bùng như đánh tan đi những đám sương mù từ trên đỉnh núi kéo về. Có lẻ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời của những người dân làng ở đây đón một đêm giao thừa vui đến thế. Cả mấy ngày, đoàn khám bệnh từ thiện đã khám bệnh cho tất cả người dân. Buổi sáng, đoàn bác sĩ theo xe về Đà Lạt đón Tết. Chỉ còn nhóm tình nguyện chúng tôi ở lại.

Hảo xuất hiện trước mặt tôi. Bàn tay anh chìa ra: “Chào Chân Trân, tôi là Hảo, đội trưởng đội văn nghệ xung kích. Tới đây hỗ trợ các bạn”. Tôi nắm tay anh, mừng vì đã có người hỗ trợ. Đêm cứ khuya dần. Chương trình văn nghệ cũng kết thúc.

Cho đến khi Hảo nói: “Này Chân Trân, đêm nay đón giao thừa với anh và mẹ anh nhé”. Tôi lên ngồi sau xe anh. Chiếc xe lao trong đêm, trở về thành phố. Không hề thắc mắc là gia đình anh có bao nhiêu người? Tại sao tôi lại nhận lời về nhà anh trong đêm giao thừa? Thẳm sâu lòng tôi, ngay cái bắt tay đầu tiên ấy là sự tin cậy. Lạnh, tôi hồn nhiên đưa tay mình ôm choàng vòng eo người con trai đó.

Ở Đà Lạt có một nhà thờ khá đẹp. Trên nóc nhà thờ có một con gà. Hảo kể cho tôi nghe lịch sử ngôi nhà thờ đó khi tiếng chuông đổ vang: “Đơn giản thôi, gọi là nhà thờ con Gà vì trên nóc tháp chuông có một con gà. Nhà thờ được người Pháp xây dựng năm 1931. Riêng tháp chuông cao 47m.  Nhà thờ này còn có tên là nhà thờ Mai Anh vì trước đây khu vực này có rất nhiều hoa mai anh đào. Từ năm 1940 - 1943 nơi đây là nhà nguyện của nữ tu dòng Bác Ái. Năm 1943 nhà thờ này được xây dựng lại theo lối kiến trúc mà mình thấy hiện nay”. 

Tôi theo chân Hảo đến mỏi rã rời trong một cái tết xa lạ. Trở về nhà anh, những món ăn do mẹ anh nấu thật ngon miệng. Đôi mắt bà ánh lên một niềm vui không che giấu: “Con biết không? Cái thằng chỉ lo đi làm từ thiện. Đã 30 tuổi đầu rồi mà vẫn chưa có bạn gái. Đây là lần đầu tiên nó đưa bạn gái về nhà đó”. Bà nói hồn nhiên, còn Hảo thì vội vàng: “Không phải đâu mà”. Hảo chỉ sợ tôi giận. Còn tôi thì có cảm giác như mình đã trở về trong căn nhà của mình, chứ không phải là khách trọ.

Tôi rời Đà Lạt khi những cánh hoa mai anh đào đã bắt đầu rụng cánh, những chiếc lá non búng mình làm xanh cả những con dốc. Công việc của tôi ở nơi này đã hoàn thành, tôi sẽ đến một vùng đất khác.

Mẹ anh Hảo đưa cho tôi một túi xách, trong đó toàn là các loại mứt chế biến bằng các loại cây trái Đà Lạt. Bà nói: “Con sẽ trở lại con nhé”. Tôi ôm lấy bà. Tôi cũng thèm được ôm anh. Tôi mơ bàn tay anh chạm vào ngực mình, chứ không phải như tôi đã từng hoảng hốt vì tên con trai hôm nào tìm cách chạm vào ngực tôi trong quán cà phê.

Hảo nói khi xe chạy:

- Em sẽ trở lại nhé? Mẹ anh nhớ em lắm.

Tôi gật đầu, tôi biết anh còn muốn nói thêm: “Và anh cũng nhớ em lắm...” Tôi rời Đà Lạt trong  tiếng chuông nhà thờ ngân vang.

Còn hôm nay, không một lời hẹn, tôi trở lại Đà Lạt trong mùa xuân. Tôi trở lại không báo trước. Tôi có cảm giác như đang trở về nhà mình. Tôi không muốn mọi điều trở thành quá trễ. Xe rẽ vào đường Trần Hưng Đạo. Tôi thấy dọc đường hoa đang nở. Tiếng chuông nhà thờ như đang vang lên, báo lễ.

Hảo chắc chắn còn ở đó. Mẹ anh chắc còn ở đó. Tôi, anh và cả mẹ đang nghe tiếng chuông nhà thờ gọi mùa xuân trở về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên