Đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài: Thiếu tầm nhìn!

VOV.VN - Quảng bá văn học phải có tầm nhìn chiến lược với những
chính sách rất cụ thể và sự quan tâm của những người làm lãnh đạo.

Được dịch ra gần 20 thứ tiếng, “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh và “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” được coi là hai tác phẩm văn học Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều nhất. Thế nhưng, hình ảnh Việt Nam đâu chỉ có vậy, đâu chỉ có chiến tranh và đau thương, mất mát.

Việt Nam còn hiện hữu phong phú, đa dạng với kho tàng đồ sộ văn học dân gian, thơ văn Lý-Trần, văn học đổi mới và không thể không kể đến hơi thở đương đại đang hình thành ở những cây bút trẻ, đang ngày ngày khẳng định sức viết của mình. Nhìn lại, phải chăng văn học Việt Nam ra thế giới còn quá khiêm tốn?

Sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm"

Điểm lại các tác phẩm văn học Việt Nam được chuyển ngữ và giới thiệu sang nước ngoài thời gian qua có thể thấy: hầu hết tác phẩm đến tay độc giả trên thế giới đều nhờ nỗ lực cá nhân. Mối quan hệ riêng của nhà văn và sự thôi thúc bên trong khi chứng kiến mức độ nhỏ, lẻ của hình ảnh Việt Nam khi ra biển lớn đã tạo động lực cho họ bắt tay với các nhà văn, dịch giả nước ngoài, với cộng đồng Việt kiều đang học tập và sinh sống xa quê hương.

Mới đây, kết hợp với nhà xuất bản Riveneuve, Tiến sĩ Văn học Đoàn Cầm Thi bước đầu tập hợp và giới thiệu đến cộng đồng Pháp ngữ “Tủ sách Văn học đương đại Việt Nam”. Đó là những gương mặt nhà văn, nhà thơ trẻ đương đại, có xu hướng tìm tòi, cách tân ngôn ngữ như Thuận (T. mất tích, Thang máy Sài Gòn), Nguyễn Bình Phương (Thoạt kỳ thủy), Phong Điệp (Blogger)…

Trở về từ Paris, nhà văn Phong Điệp chia sẻ: tham gia giao lưu với độc giả, chị nhận thấy công chúng Pháp biết rất ít về văn học Việt Nam. Khi đến một nhà sách châu Á lớn nhất Paris, thấy số lượng đầu sách văn học Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ so với các nước bạn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Công chúng Pháp, nếu “ai yêu lắm họ mới tìm đến văn học Việt Nam”:

Quảng bá văn học của một đất nước phải có tầm nhìn chiến lược với những chính sách rất cụ thể và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của những nhà lãnh đạo. Nếu chỉ dựa vào cá nhân, tuy hữu ích nhưng chẳng khác gì những đốm lửa nhỏ, rất khó để trở thành một ngọn lửa lớn hơn. Việc làm đó trước hết phải bắt đầu từ việc liên kết với dịch giả trong nước, dịch giả nước ngoài và cộng đồng Việt Nam xa tổ quốc.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn đưa ra ví dụ: trước đây, tại Nga đã có một thế hệ những dịch giả, những nhà văn hóa như Marian Tkachev, Anatoli Solocop, Nikulin đã có công dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga để giới thiệu với bạn bè quốc tế bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước. Thế nhưng, thế hệ đã góp công in hàng trăm tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nga ấy đang dần mai một và nếu không xây dựng đội ngũ mới thì hẳn sự giãn cách thế hệ sẽ là nguyên nhân nối dài sự chia cách sự đồng điệu tâm hồn hai dân tộc Việt-Nga và làm cho con đường ra nước ngoài của văn học Việt Nam chưa vượt qua được ngưỡng khiêm tốn.

Tất nhiên, sự kết nối là một trong ba nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm dịch Văn học- Hội Nhà văn Việt Nam ra đời cách đây không lâu, bên cạnh nhiệm vụ tổ chức nội dung và tham mưu giới thiệu các hình thức liên kết với nước ngoài. Cho dù mới ở bước đầu nhưng đây chính là tín hiệu vui cho con đường “xuất khẩu” các tác phẩm văn học Việt Nam. Rồi đây, chắc chắn sẽ không dừng lại ở kho tàng văn học dân gian Việt Nam, những tác phẩm đầy hào khí của thơ văn Lý-Trần hay những câu chuyện thời chiến khắc khoải, đau thương như “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Thời xa vắng” (Lê Lựu), truyện ngắn Lê Minh Khuê… Việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới sẽ có cả hơi thở đương đại của những cây bút trẻ.

Sách "Nỗi buồn chiến tranh"

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm dịch Văn học cho biết: “Chúng ta sẽ tập trung vào những tác giả trẻ và có chiến lược đào tạo những dịch giả trẻ. Với các nhà văn trẻ, chúng tôi sẽ chọn lựa những tác phẩm văn học, trước hết là những tác phẩm đạt giải thưởng như của Đỗ Doãn Phương - thơ, Nguyễn Danh Lam - văn xuôi, Trần Nhã Thụy hay Nguyễn Ngọc Tư. Làm sao chúng ta phải giới thiệu đồng bộ cùng lúc với những tác phẩm văn học cổ điển, những giá trị lâu bền của chúng ta trước kia”.

Có một dịch giả đã chia sẻ như thế này: tại Hàn Quốc, hàng năm, thông qua hội đồng tuyển chọn, các tác giả trong nước thường gửi cho các dịch giả nước ngoài những tác phẩm của mình để họ tự chọn lọc và chuyển ngữ cho phù hợp với đất nước đó. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong rất nhiều kinh nghiệm, nên chăng cần phải học tập?

Vẫn biết “Hữu xạ tự nhiên hương” thế nhưng, trong cuộc sống, ở một “thế giới phẳng” như hiện nay rất cần sự chủ động quảng bá để chúng ta được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn và cũng để câu chuyện khiêm tốn của văn học Việt ra thế giới có cơ hội được viết tiếp nhưng với chất lượng và mức độ cao hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên