Ký ức dòng sông tuổi bé

Tuổi thơ tôi - bình dị mà thiêng liêng, biết bao điều chưa nói, ký ức đôi khi vẫn còn gói nguyên, tươi mới trong tim theo năm tháng dội vào lòng ta những xúc động vô biên mà nước mắt hay nụ cười không đi hết

Ngày bé, tôi thường hay có những giấc mơ kỳ lạ. Khi thì tôi mộng thấy mình bay lên mặt trăng, được gặp và nói chuyện với Cuội. Mặt trăng lúc đó cũng chẳng cách mái nhà rêu phong của tôi bao xa. Rồi có đêm, tôi chợt giật mình tưởng như mình đang nằm giữa mênh mông sóng nước, trên một cây cầu nối hai bờ bất tận, bên trên có những nàng tiên nhảy múa, dưới đàn cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội.

Ký ức chiêm bao tuổi thơ tôi còn xuất hiện những cánh rừng, đa phần là bóng tối, tĩnh lặng, hoang vu và bạt ngàn. Đâu đó trên quãng đường rừng âm u ấy le lói chút ánh sáng, tôi tưởng tượng nó được hắt ra từ những quán lá che tạm bợ của mụ phù thuỷ độc ác dụ những khách bộ hành đi đêm vào để lừa bắt… Thật ngạc nhiên và kỳ diệu, những mộng ấy có khi được lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi lần đều giống nhau đến từng chi tiết. Giống cả niềm hân hoan khi chạm tới cung Hằng, nhập vào thế giới thần tiên và nhịp đập tim thình thịch, tiếng bước chân cuống quýt, vội vã, đôi tai giỏng lên nghe ngóng của tôi khi đi qua khu rừng yên tĩnh có bầy yêu tinh ấy.

Tuổi thơ tôi là những sáng ngủ dậy, quáng quàng nắm xôi nhỏ, gói bánh quế hay sang thì chiếc bánh rán, bánh rợm mẹ mua giúi vội. Con đường từ nhà tới trường thẳng như một sợi chỉ, tôi rảo bước chỉ mươi mười lăm phút là tới, vừa đi vừa ăn quà, đơn giản khâu vệ sinh chưa được giáo viên dạy kỹ như bây giờ và tôi cũng chẳng biết đến hai từ “lịch sự”. Lớp chúng tôi hồi ấy chẳng có đứa nào ăn mặc cho ra hồn, ôi chao, nào là áo vá, quần đụp, các bạn đa số ở nông thôn sáng ngủ dậy cả nhà đã theo trâu ra đồng, cái mặt đêm ngủ nước dãi chảy đùn mốc meo một bên má không thèm rửa, tóc rối vơ ngay cặp đi học, đứa quần đùi, đứa áo ngắn, thế mà lớp trưỏng hô một cái là xếp hàng cứ thẳng băng, nội quy đâu ra đấy, học ra học, chơi ra chơi, chẳng phân biệt chốn quê hay thành thị. Ngày đó không có phong trào học thêm như bây giờ, thế mà chúng tôi vẫn ganh đua học, cạnh tranh một cách lành mạnh hẳn hoi nhé. Phần thưởng vô giá có khi chỉ là tờ giấy khen cuối năm, tập vở thơm mùi giấy mới ghi những điểm 9, 10 đỏ chót hay ánh mắt thán phục của bạn bè... Tôi nhớ nhà cô chủ nhiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cho chúng tôi nghèo lắm, nhà thì lợp ngói cũ nhưng bếp trát vách, cô có hai cậu con trai thì một anh bệnh tim, tiền của đổ vào chạy chữa hết. Có hôm cô đến lớp môi thâm sịt, tóc rụng thành mảng, khăn buộc cổ vì ho. Một bạn con nhà giàu học kém nói mẹ bạn bảo, cô tướng mắt trắng môi thâm nên chồng con không được hưởng phúc… Từ lúc đó, tôi bắt đầu hoài nghi người lớn.

Tuổi thơ tôi là bóng cha mẹ đổ nghiêng xuống đường làng giữa trời trưa nắng chang chang, hì hục đẩy những bao nặng trên chiếc xe thồ làm gạo tạ, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán cha, ướt đẫm chiếc khăn của mẹ. Thời bao cấp khó khăn chung, tôi hiểu cha mẹ vất vả vì chị em tôi. Đêm, tôi bóp chân cho mẹ, đấm lưng cho cha, tiếng ngáy mệt nhọc của bậc thân sinh đã làm trái tim tôi thắt lại. Từ hôm sau đó, hôm nào đi học tôi cũng mang theo một chiếc bao tải, để cuối giờ tan lớp, tôi cùng mấy đứa trẻ khác vơ vải những cành củi khô, quét gom từng đống lá, đứa nào cũng nèn chặt bao, lễ mễ kéo lê về đun. Tôi nhớ như in dáng lũn cũn bé bỏng của những đứa trẻ thôn quê khuất dần sau cổng làng, còn tôi trở về ngôi nhà sáng ánh đèn dầu nơi ngã ba của một thị trấn nhỏ. Sau đó lại rộ lên phong trào làm giấy, bóc lạc, thậm chí móc len thuê, những chị lớn, bạn cùng tuổi tôi hưởng ứng nhiệt liệt. Thế là, ngoài thời gian học, tôi dành tất cả cho việc “làm thêm”, tôi làm mải miết lắm, nhất là ngày nghỉ cuối tuần, có khi quên ăn trưa, mẹ tôi cứ phải giục luôn luôn. Chẳng có buổi tổng kết tháng, quý hay năm nào cả, nhưng mẹ nhận xét tôi cuộn giấy khéo nhất, bóc lạc nhanh nhất và chỉ thua thành tích móc len một cô bạn xinh xinh có mười hoa tay. Nhớ sao là kỷ niệm chị em tôi gắn bó với nhau, tôi dính chị như sam, chị đi một bước cũng theo, thậm chí chị vào nhà tiêu tôi cũng đứng “canh” bên cạnh. Chị bé tuổi mà đảm hơn người lớn vụng, mẹ tôi bảo có chị mẹ đi đâu mấy ngày cũng yên tâm, chứ cứ rong chơi như tôi thì mẹ rời nhà là nóng ruột. Những năm tôi đi học, chúng bạn phải ghen tị vì cả tập vở và bộ sách giáo khoa của tôi được bọc hoạ báo bóng loáng, chị bảo có nâng niu sách vở mới học giỏi được. Với tôi, chị giống như người mẹ thứ hai, thế nhưng dù thế nào thì chị cũng vẫn là một đứa trẻ, nhiều tối học bài xong, chị em đi ngủ “rưa” nhau mắc màn, rút cuộc chẳng có ai chiến bại vì tấm màn vẫn cuộn nguyên. Đằng sau nhà tôi là khu vườn rộng với những bụi cây dại lúp xúp mọc ken nhau thành những ngôi nhà lý tưởng của muỗi, và đêm đêm chúng tấn công con người. Chị tôi, sau một hồi tranh cãi ngủ ngon lành còn tôi không sao ngủ yên, tôi sợ muỗi đốt chị và đứa em bé bỏng nên cứ nửa thức nửa tỉnh để quạt muỗi, những hôm như thế, nếu mẹ tôi không lên xép kiểm tra thì tôi cứ ngủ ngồi như thế suốt đêm. Cha tôi biết chuyện dù bực mình cũng không nén được cười, làm gì có đứa trẻ nào ngốc nghếch như tôi chứ…

Tuổi thơ tôi là những đêm tỉnh giấc lúc canh hai, nghe tiếng tàu đêm tu tu hồi dài, tiếng xình xịch, xình xịch dồn dập, như đập, gọi vào khoảng không gian lạnh vắng thông điệp tha thiết không hồi kết của cuộc sống. Thi thoảng, hay nhiều khi tôi luôn là người nhận ra những tiếng gõ cửa đầu tiên, bất kể thời khắc nào trong đêm, vội vàng và gấp gáp của người nhà bệnh nhân trở nặng hay cảm bất ngờ mời cha tôi đến khám. Thường thì tôi gọi mẹ, mẹ lay cha tôi dậy nói: “Dậy, dậy, có người cấp cứu” và cha tôi sẽ “Hả” một tiếng rất to, đồng thời bật dậy như một chiếc lò xo, rồi lóc cóc mang túi cứu thương đạp xe thăm bệnh, đi xa 5-10 cây số trong đêm là chuyện thường tình và trở về nhà khi trời gần sáng.

Tuổi thơ tôi là những xâu cá, rổ bánh, mèn lạc… “quà biếu” của bệnh nhân cảm ơn cha tôi đã không quản ngại khó khăn vì người bệnh, mẹ bảo từ đó tôi hay ăn quà nên thành tính xấu… giờ nhớ lại vẫn thấy nao nao. Buồn cười nhất là có trường hợp bệnh nhân nghèo nợ tiền thuốc hàng năm, khất mãi cũng ngại, đến nỗi sợ chạm mặt thầy thuốc, mà nhà tôi sao lại chềnh ềnh giữa cái ngã ba, bà con mấy xã trong, ngoài muốn ra phố chợ không thể không qua. Một bà có lẽ mới ngũ tuần nhưng răng đã rụng vài chiếc, gánh lòng tòng mấy mớ rau hành đi bán đến ngã ba dùng dằng nửa ở nửa về, bất ngờ thấy cha tôi vội chạy nấp sau đống gạch cát đổ đùn xây nhà trẻ. Người thầy thuốc thấy vậy chạy lại than thở: “Cớ sao phải làm vậy, bà cứ nghênh ngang mà đi, bà không có tiền thì nợ năm nữa, cùng quá thì tôi biếu bà, lần sau bà cứ tự nhiên…”. Cha tôi, người ăn mày gặp bữa cũng cào cạt mời vào ăn, chén thù chén tạc như thân từ lâu, có lần cha mẹ tôi cãi nhau vì chuyện này xảy ra nhiều lần, mẹ sợ chúng tôi bị lây bệnh qua đường hô hấp. Thời bao cấp, mua được cái xe đạp là quý lắm mà cha tôi 4 lần mất xe vì vội đi thăm bệnh cho người ta, lơ đễnh bị trộm mất, mỗi lần mất là một lần mẹ ốm vì xót của - công sức bao năm chị tôi lội ao lấy bèo, mẹ làm gạo tạ lấy cám nuôi lợn… Ôi, cái sự “lãng đãng” ấy của cha mà sao tôi lại thương, lại kính đến vậy. Dù sau này cha tôi có mắc sai lầm, dù có lúc tôi đã không phải với đấng sinh thành, nhưng tôi chưa bao giờ thôi yêu thương và tự hào về Người…

Tuổi thơ tôi - bình dị mà thiêng liêng, biết bao điều chưa nói, ký ức đôi khi vẫn còn gói nguyên, tươi mới trong tim theo năm tháng dội vào lòng ta những xúc động vô biên mà nước mắt hay nụ cười không đi hết… Tuổi thơ - ai trong đời không một lần nhìn lại, để tìm và cảm nhận những giá trị bản thân và ý nghĩa vô song cuộc sống mang lại mà đôi khi những bánh xe cuộc đời băng qua quá nhanh…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên