Sông lạnh

Truyện ngắn của Trần Mạnh Hà

Tháng bảy.

Những trận gió Lào mang theo cái nóng khô xáp réo hù hụ vật vã tràn qua những mái tranh, mái ngói, mái tôn khô cỏng, khô queo và những vườn cây rũ bóng tướp tơ vàng ềnh ệch. Đất hầm hập bỏng rang. Một lớp bụi cát xám đen nhờ nhợ, chốc chốc lại cuộn vù vù mỗi khi bị cơn hứng tình của một trận gió vô thưởng vô phạt hay một cái xe công nông nhếch nhác xình xịch xả khói băng qua....

Con sông Lam trườn một vệt dài óng ả, mỡ màng, hun hút. Mùa này, nước tụt xuống thấp nên trông nó mảnh mai xinh xắn lạ. Nó đẹp tựa như một cô gái đang tuổi cập kê kiêu sa hội đủ ba vòng đo lý tưởng. Phải đến tận tháng chín, tháng mười, khi mùa lũ đến, lúc ấy trông nó chẳng khác nào một bà góa sồ sề, hung tợn, ngầm chứa bao toan tính được thua.

Xóm Lú.

Trời đã nhập nhoạng. Trên con đường nhỏ chạy ngoắt ngoéo dẫn xuống bãi sông bắt đầu thấp thoáng những bóng người ngả nghiêng, xiêu vẹo. Đã đến giờ họ xuống sông gột rửa sau một ngày bơ phờ, lấm lem và hôi hám. Tiện thể họ cũng xuống để xả nốt những thứ cặn bã trong người cho dòng sông trôi xuôi. Kể cũng lạ, như đã thành một thói quen cố hữu từ rất lâu, lâu lắm, có lẽ là từ khi khai lập xóm Lú này, cho đến tận ngày nay, một trăm phần trăm chẳng nhà nào đào giếng cũng như chẳng nhà nào có nhà vệ sinh. Tất thảy đều xả mọi thứ chất thải xuống sông rồi lại xách nước từ sông về để ăn uống, sinh hoạt. Cái tên xóm Lú hình như cũng do người làng trong đê đặt cho, họ bảo, với cách dùng nước ăn uống sinh hoạt như vậy, người khôn rồi cũng dần dần trở thành người lú.

Xóm Lú có khoảng hơn dăm chục hộ. Nó nằm ngoài vệ đê và chạy dọc theo một bãi bồi khá rộng. Đây là xóm của dân ngụ cư nên gốc gác của họ cũng từ khắp các nẻo quê tìm đến. Cách đây vài ba chục năm, lúc ấy số dân cả xóm chỉ chừng nửa bây giờ, nhưng đó mới là thời kỳ hưng thịnh. Hồi ấy, hầu như cả xóm đều là dân buôn gỗ. Cái xóm nhỏ lơ phơ, mỏng mảnh tưởng như nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương nên được dịp làm ăn thả cửa. Thâu đêm suốt sáng, xóm rậm rịch người bán kẻ mua. Từng bè gỗ xếp hàng nhấp nhô đen lùi lũi ngoài bến. Những tay trùm gỗ bắt đầu mọc lên lúc nhúc như nấm. Cả tỉnh, cả huyện đều biết nhưng rồi chẳng thấy có cơ quan chức năng nào sờ đến. Các đại ca, các tay anh chị cũng theo đó mà xuất hiện như sỏi ngoài bãi sông. Họ tiêu tiền như nước, đâm chém giành giật làm ăn coi mạng người như rác như rơm...

***

Cơm tối xong, ông nó bảo: “Quắt, mi đi theo tau!”. Nó có vẻ chần chừ, ông hạ giọng như dỗ: “Mi ngoan, mi đi theo ông, rồi mai ông cho mươi nghìn”. “Mười nghìn à ông? ông nhớ đó nha?”. Ông cười khẩy: “Ơ, thằng ni hay hè? Thì mi đã thấy tau lừa ai chưa?”. Cha nó cởi trần trùng trục, ngồi thu lu trước sân, tay khẩy tăm trong miệng nói lử khử: “Cho tiền thì mi cứ đi đi, mi sợ chi hè. Ông mi tử tế lắm đó!”

Ông ngửa mặt lên trời cười sằng sặc rồi vắt xéo áo lên vai túc tắc ra ngõ. Nó tợp vội ngụm nước rồi cũng tất tả tọt theo. Trăng đã treo chênh chếch sau bụi tre gai đầu xóm. Mảnh trăng gầy, vàng ệch và xấu xí lạ. Gió hây hẩy hắt lên từ dưới mạn sông làm dịu cái nóng hầm hập ban ngày ủ lại.

Ông đi trước một đoạn, cái bóng lầm lụi đổ dài chênh chao. Nó bước ngắn, cứ một lúc lại phải lúp xúp chạy theo. Thi thoảng, qua một cái ụ đất mà mấy thằng bạn cùng xóm gọi là gò mả, nó lại thấy chờn chợn, gai ốc trong người nổi u nổi hột nên càng cố bước gấp hơn. Ông quay đầu cười ha hả: “Quắt, có chi mô mà mi sợ hè. Ma mô mà ma, có mấy thằng nghiện như cha mi thì có”. Ông nói cũng phải, những lần theo ông đi đêm, nó thường hay bắt gặp từng bóng người lởn vởn, vật vờ ngoài bờ đê hay dưới mấy lùm cây tối. Họ ngáp ngắn, ngáp dài rồi lại chụm vào nhau thậm thụt thứ gì đó. Có hôm nó trông thấy người hao hao giống cha nhưng không dám gọi. Ông nó bảo: “Nghiện đó, mấy thằng nghiện đó. Như cha mi cả mà. Sắp sửa kéo nhau đi chầu diêm vương một lũ rồi đó”. Nó nghe cứ lơ mơ. Nó chỉ biết rằng, đồ đạc trong nhà có thứ gì bán được là cha nó dần khuân đi sạch. Ông chửi cha điêu ngoa ác mồm lắm, toàn những từ độc địa: Đồ chó má, đồ ôn vật, đồ ma sống trên đất… Nhưng cha chỉ nhe răng cười hềnh hệch, đến khi ức quá thì chửi lại, mà đã chửi thì còn ngoa ngoắt, tục tằn hơn cả ông.

Dạo trước, nó nghe lỏm bỏm chuyện mấy bà hàng xóm kể, ông nó từng thuộc hàng giàu nứt đố đổ vách ở cái xóm Lú này. Ông là tay trùm buôn gỗ, vàng bạc tiền của nhét đầy mấy cái hòm sắt tây to tổ bố giấu trong sập gụ. Ông có hai bà vợ. Bà thứ nhất nghe đâu tận mãi dưới miệt xuôi xa lắm. Sau khi lên đây làm ăn một thời gian, ông lấy tiếp bà hai rồi ở lại hẳn luôn. Bà hai sinh hạ được hai người con, đó là cha nó và o Giang. Ông đặt tên cha là Bè - để hàm ơn những cái bè gỗ mà nhờ đó ông giàu phất lên.

Trong nhà nó thương o Giang nhất. O Giang năm nay đã ngoài ba mươi tuổi, người gầy nhẳng nheo lại đen thủi đen thui. Ấy vậy mà ngày mô o cũng phải dậy từ tơ mơ sáng để nấu cơm cho cả nhà rồi chạy vội chạy vàng xuống bãi sông đội sỏi. Sỏi được vận chuyển từ những chiếc thuyền lớn lên bờ. Một chiếc cầu khấp khểnh gép bằng mấy tấm ván mỏng là sà mặt nước. Cái sọt sỏi đầy tú ụ, nặng chình chịch người ta nhấc lên rồi đặt lún xuống đầu o. O chùn người run run, thế rồi o bấm chân xuống liêu xiêu bước đi. Cứ ngày này qua tháng khác, khi mùa đông rét thấu gan thấu ruột, khi mùa hè nắng xém thịt, xém da, rứa mà o chịu đựng nổi mới lạ. Đến cuối buổi, o lại phải tất tả chạy về lo cơm nước cho cả nhà. Đêm đêm, o nằm bên quạt cho nó ngủ và ri rỉ hát những bài nghe buồn thê thiết …

Ông dẫn nó chui vào một ngôi nhà nhỏ tối thui thấp xùm xụp gần cuối xóm. Ở đó đã có mấy gã đàn ông cởi trần trùng trục đang ngồi hút thuốc lào vặt và kể chuyện tục. Ông nó bảo: “Bữa ni, trước khi ngồi vô chiếu, mấy chú cho bác kiểm tra tư cách công dân đã nha. Chớ như mấy bữa trước, nhiều thằng không có đồng mô cũng dám ngồi sát phạt. Tay không mà đòi bắt giặc. Đ.mẹ, không có tiền thì về mà nằm quặp vợ cho sướng, đỡ tốn thời gian.”. Mấy gã lườm lườm nhìn ông vẻ tức tối lắm.

Cách đây mấy năm, nó đã được bám chân mỗi lần ông đi đánh bạc. Ông rủ nó đi cho có bạn. Vả lại, thường mỗi khi có nó đi cùng thì dường như ông đỏ hơn, hay được bạc hơn. Bây giờ thì nó đã nhớ tuốt tuột các kiểu chơi. Từ xóc đĩa, ba cây, tá lả…Đôi khi, nó cũng được xem là một trợ thủ đắc lực cho ông. Đó là những cái nháy mắt, những thứ ám hiệu mà chỉ có ông và nó biết. Cũng lạ, mỗi khi ngồi xem ông sát phạt cùng đám con bạc, mắt nó cứ mở trơ trơ như mắt ếch mà không hề buồn ngủ. Thường ông đánh đến sáng. Hôm nào được bạc, ông cho nó mấy tờ bạc lẻ rồi hai ông cháu dắt díu nhau ra đánh chén lòng lợn, tiết canh ở quán mụ Dậu béo trên bờ đê, sau đó về nhà nằm lăn kềnh ra ngủ. Lại nhiều hôm mất trắng, ông bơ phờ, rệu rã, mắt vằn lên những tia máu đỏ đòng đọc, bước thấp tha thấp thửng vô hồn.

O Giang thương nó, o lò dò nói với cha: “ Cha ạ, thằng Quắt to rồi, nó đến tuổi đi học lâu rồi răng cha không cho nó đi. Cha bắt nó theo cha suốt đêm mà cha không thương nó à ?”. Ông ậm ừ: “Học, học hành mần chi! Mi coi cả cái xóm ni có ai học được không chớ? Học rồi cũng bỏ, rồi cũng thành mấy thằng nghiện thằng ngập. Thôi, cứ tập cho lỳ, cho khôn là được.”- “Rứa là cha giết thằng Quắt đó cha ạ. Rồi nó có khác chi anh Bè.”. O Giang cúi mặt, khóc hu hu… Nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt xạm đen, queo quắt. Ông nó xua tay: “Thôi Giang ạ, mi đừng khóc lóc nữa, tau ngán lắm, tau cũng thương thằng Quắt lắm chớ. Để rồi tau tính coi?”.

Cha về sau một đêm vật vạ cùng đám bạn ở đâu đó. O Giang nằm khóc rấm rứt trong buồng. Cái nồi cơm điện o mới mua sau khi nhận tiền công từ tay chủ bãi sỏi đã không cánh mà bay. Hồi trước nhà cũng đã có cái nồi điện. Thế rồi mất toi. Một thời gian dài, o phải nấu cơm bằng cái nồi gang bị ô xi hóa rỗ chằng rỗ chịt. O ước ao mỗi buổi trưa về, đỡ phải nhóm bếp lò khói bụi bay mù mịt. Trời ơi! Cái nồi điện Thái Lan bằng tiền công cả tháng đội sỏi của o. Thế mà…Trời ơi! O lại hu hu khóc…

Cha nằm vặn vẹo một lúc. Nghe tiếng khóc của o Giang rấm rứt mãi không thôi, thế là cha vục dậy, vắt hờ áo lên vai rồi vội lủi nhanh ra ngõ. Nó rón rén bước vô buồng. Căn buồng cũ kỹ tồi tàn lúc nào cũng tối nhờ nhợ gây cho người bên ngoài mỗi lần bước vô một nỗi sợ hãi mơ hồ. Đó là căn buồng mà bà nó đã treo cổ lên xà nhà tự tử. Thời đó, đã lâu lắm rồi, từ lúc nó còn chưa có hình có bóng. Nó nghe người ta kể lại, bà nó hồi xưa đẹp nhất nhì xóm Hạ, cái xóm trong đê nổi tiếng khắp huyện vì nhiều con gái đẹp. Thời đó, ông nó là tay chủ buôn gỗ tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Ông chơi thân với đủ các ông tai to mặt lớn đứng đầu xã đầu huyện. Đi đâu, ông cũng kè kè một bọc tiền bên người, nghe nói còn giắt cả súng lục để phòng thân. Và không biết có phải bằng cách biếu cho cha mẹ cô Đào xóm Hạ năm khối gỗ lim hay không, chỉ biết rằng, với dăm bảy lần vào xóm, ông đã nẫng tay trên cô Đào dưới ánh mắt hậm hực của không ít kẻ đẹp trai, chai mặt, ngày ngày trồng cây si trước cửa. Đám cưới không ồn ào rầm rộ bởi vì ông chưa ly dị được bà vợ ở dưới quê nhưng cũng đặt sẵn mấy chục mâm tại cái nhà hàng to nhất huyện, mời đủ các ông quan lớn quan bé lẫn bè mối làm ăn. Cưới xong thì ông đưa cô Đào ra ngoài xóm Lú. Cô Đào lúc đó được tả là đẹp lắm: da trắng, tóc dài, eo thon, ngực nở… Còn đôi môi thì khỏi phải nói, lúc nào cũng mơn mởn đỏ thắm như son. Ông giữ rịt cô Đào ở trong nhà suốt ngày, sợ ra ngoài lắm kẻ dòm người ngó. Chập tối, ông cũng lẽo đẽo đưa cô Đào xuống bến tắm còn mình ngồi chồm hổm gác trên bờ. Hơn năm sau thì cô Đào sinh cha hắn, hơn năm nữa lại tiếp o Giang. Con gái giống nụ hoa, đẻ đái rồi, thành đàn bà rồi thì như hoa đã bung hết cánh lơ phơ chờ rữa nhụy. Tuy chưa đến nỗi tàn tạ nhưng nhan sắc của cô Đào mười phần chỉ rút lại còn năm. Ông bắt đầu mơ màng tìm của lạ. Mà của lạ thì có thiếu gì. Sẵn tiền và những mối làm ăn xa, ông thoải mái có dịp đi mây về gió với các em út trẻ già đủ loại.

Rồi ông mắc bệnh lậu. Cô Đào hoang mang, tủi hổ đến cùng cực. Một người con gái đoan chính như cô sao sớm rơi vào vòng oan nghiệt. Cô suy sụp dần. Cái kim trong bọc lâu cũng lòi ra. Không biết bằng cách nào, sự việc chẳng hay hớm đó cứ lan dần, chảy dần như sóng dâng ngoài bến. Cô Đào gục ngã. Cô chẳng thể ló mặt ra bởi những ánh nhìn đầy mỉa mai, độc địa. Đàn bà họ cười vì hả hê ghen tức. Đàn ông thì tỏ ra tiếc nuối, thương hại. Cái tội của chồng mà cô phải gánh. Biết làm sao? Làm sao hả trời? Rồi cô giận oán mẹ cha đã vì chút lòng tham mà chuốc lấy ê chề nhục nhã. Như một kết cục buồn thảm, vào một đêm trăng lạnh, cô đã quyết lìa xa cuộc sống trần gian bằng cái chết oan thê trong căn buồng tăm tối.

Ông dìm nỗi nhục nhã, tang tóc bằng cách lao vào những cuộc đỏ đen thâu đêm suốt sáng. Hai đứa trẻ cứ lớn dần lên, sống lăn lóc vờ vật như những viên sỏi ngoài bãi sông. Cũng vào thời kỳ này, công cuộc làm ăn của các tay trùm gỗ đang đến thời vong mạt. Những kẻ khôn ngoan, mánh lỏi đã cóp nhặt được số vốn liếng kha khá thì bắt đầu rục rịch chuyển nghề bằng cách mua lại những lô đất ngoài thị trấn, thị xã mở nhà hàng, ki ốt. Xóm Lú vơi dần. Quang cảnh lại vắng vẻ, đìu hiu. Mãi ít năm sau mới có mấy tay dưới miền xuôi mon men tìm đến. Bấy giờ họ là những ông chủ bãi cát, bãi sạn ngoài mép sông. Đây là những thứ vật liệu xây dựng đang có cơ làm ăn phát triển. Hàng hóa được vận chuyển bằng thuyền từ mạn ngược xuôi theo dòng Lam tập kết về đây. Xóm Lú bắt đầu bị khuấy động bởi tiếng ùng ục của đám thuyền máy, tiếng phành phạch khó chịu của lũ xe công nông vào ăn hàng từ sáng sớm tơ mơ đến tối mịt.

***

Ngày chợ phiên, o Giang bảo: “Quắt, mi đi với o lên chợ, o mua cho cái áo phông mà mặc đi đá bóng”. Nó sướng quá, nhảy cẫng lên hôn chùn chụt vào má o. O Giang sang nhà hàng xóm mượn được cái xe đạp mi ni Trung Quốc rỉ ngòm ngòm. Khi mặt trời nhô quá bờ chè tàu lúp xúp, hai o cháu bắt đầu cuộc hành trình ngược lên phố huyện.

Hôm đó, không những nó được o Giang mua cho một cái áo phông con nít có in số loè loẹt như các cầu thủ bóng đá vẫn thường mặc, mà nó còn được o Giang dẫn vô quán phở sực nức mùi thơm làm nó tứa hết nước bọt. O Giang gọi một bát, o bảo o đang no, o chỉ ngồi nhìn nó ăn. Bát phở bò mới thơm ngon hấp dẫn làm sao, nó vừa húp vừa xuýt xoa khoái trá. Chợt o bỗng giật mình như chạm phải điện rồi vội vội vàng vàng úp cái nón lá lên đầu xoay ngang người ngồi che lấy nó. Nó ngước lên khẽ hỏi: “Răng rứa o?”. O nó lào phào: “Có chi mô! O không được khỏe, ăn mau đi mà về.”. Vậy là nó lại cúi xuống chăm chăm vào bát phở. Lúc đó, hình như nó thấy thấp thoáng có hai người bước vô quán. Người đàn bà mặc váy ngắn cũn cởn để lộ cặp giò trắng lợt. Người đàn ông mặc bộ đồ bò, đội mũ cối Tàu, chân đi cà nhắc, tay khoác vai người đàn bà vừa bước vừa nói cười khúc khích. Nó cũng chỉ nhìn loáng thoáng như vậy. Tâm trí nó lúc đó không còn gì khác ngoài bát phở đang bốc mùi ngào ngạt.

Trên đường về o Giang hỏi: “Quắt, mi có còn nhớ mẹ không?”. Nó ngây người giây lát rồi buông một câu: “Mẹ, mẹ Huệ à o?”- “Ờ, mẹ Huệ mi đó.”- “Mẹ bỏ cháu lâu rồi, hồi trước thì cháu nhớ, nhưng giờ thì cháu không nhớ mô.” - “Rứa Quắt không còn thương mẹ nữa à?”- “Không thương mẹ Huệ, ai bảo mẹ bỏ cháu mà đi. Cháu chỉ thương o Giang thôi!”- “Mi chỉ được cái nịnh o là tài. A mà cháu có nhìn thấy cái cô mặc váy ngắn khi ở quán không?”. “Có o ạ, nhưng mà cháu chỉ nhìn qua. Rứa ai đó o?”. O nó vội lấp láp: “A…à…đó là…là người bạn lâu rồi của o. Mà thôi, cháu ngồi cho chắc để o đèo nha.”

Nó ngồi yên lặng sau xe. O có nhắc thì nó mới nhớ. Chút ký ức mờ mịt trong trí nhớ của nó bỗng dưng ùa về trào dâng. Thế là mẹ đã bỏ nó, bỏ những người thân và cái xóm Lú ra đi đã được dăm bảy năm rồi. Dăm bảy năm đối với nó như một giấc mơ mịt mờ sương khói. Nó chỉ nhớ loáng thoáng cái dáng mẹ nó dong dỏng cao, khuôn mặt tròn tròn và đôi mắt lúc nào cũng mở to ươn ướt…

Nghe o Giang kể lại, mẹ gặp cha khi hai người cùng làm công nhân ở một tỉnh phía Nam xa xôi. Hồi đó, cha nó do chán cảnh gia đình, lại bị chửi rủa liên miên nên tức chí bỏ vào Nam kiếm sống. Cha nó lúc đó mới ngoài hai mươi tuổi, được thừa hưởng gien trội của mẹ nên trông đẹp trai lừng lững. Tuy làm thuê vật vờ nghèo xác nhưng vẫn có khối cô cứ xoắn xuýt muốn được làm quen. Ý thức được điều ấy nên cha cũng tỏ ra kiêu lắm, phải đến khi gặp được mẹ thì cha mới xiêu lòng, mới thề non hẹn bể mà sống chết cùng nhau. Không cần đến sự có mặt của hai bên gia đình, lễ kết hôn được tổ chức sau đó mấy tháng bằng cái tiệc mặn nho nhỏ, dăm mâm cơm mời bè bạn đồng hương. Gần một năm sau thì nó lặng lẽ chào đời giữa cái ồn ã xô bồ của khu nhà trọ. Gian phòng hẹp lợp prôximăng, xung quanh thưng cót ép, phía bên ngoài đầy rác rưởi hôi khắm là nơi trú ngụ đầu tiên của nó. Mẹ phải nghỉ việc, ở nhà trông con. Cha chạy ngược chạy xuôi, kiếm việc làm vục mặt suốt ngày mà không đủ nuôi cả nhà và trả tiền thuê phòng trọ. Đồng lương còm cõi. Thứ gì cũng mua, cũng thuê lại đắt đỏ khiến cha mẹ nó cứ đêm đêm lại nhìn nhau thở dài thườn thượt. Cuối cùng điều gì đến phải đến, nước cờ cuối cùng của họ là đành ngậm ngùi dắt díu nhau quay trở lại quê hương.

Ông gầm lên: “Đồ ăn cháo đái bát… Đồ vô giáo dục…Đồ đồ…”. Đủ thứ đồ mà ông trút lên cha nó. Thế nhưng cha câm lặng. Mẹ cũng vậy. Chỉ có o Giang là xoắn xuýt lấy nó và bênh chằm chặp cho cha mẹ. Ây thế rồi cũng dần dần yên chuyện. Ông chửi chán, rủa chán, biết cũng chẳng có cách nào khác nên đành mặc kệ thằng con tự xoay xỏa lấy, còn ông, niềm vui của ông vẫn là ở những chiếu bạc, những cuộc sát phạt thâu đêm suốt sáng. Cha lúc đầu còn có vẻ chăm chỉ siêng năng. Cha xuống bãi sỏi xin được một chân cửu vạn. Mẹ trước gốc là con nhà có nghề làm bánh cuốn nên cũng sắm sửa đồ  mở một cái quán lá nhỏ, sáng sáng làm mấy cân bánh ra ngồi bán cho dân trong xóm. Cũng đủ tằn tiện để sống qua ngày, mỗi tháng có dư dật ra đôi chút đem bỏ ống để dành lúc ốm đau. Người vui nhất có lẽ là o Giang. Thế là từ nay đã có anh có em, lại thêm thằng cu Quắt cả ngày líu ra líu ríu.

Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang. Những người bạn cũ trong xóm ít hôm lại mò sang nhà rủ cha nó đi nhậu. Ban đầu thì cha cũng từ chối khéo mặc cho mấy thằng bạn khích bác, cười cợt. Nhưng rồi nỗi buồn chán ở cái xóm quạnh quẽ đìu hiu này đã dần dần giết chết lòng kiên nhẫn của cha. Từng đêm, sau bữa cơm tối đạm bạc mà ít khi có mặt ông, cha lại nằm sõng sượt trên cái chõng tre xuệch xoạc, vẹo vọ mà ngửa mặt lên trời thở dài. Tiếng thở não nề như tiếng gió đêm hú dài từ dưới lòng sông thổi ngược lên càng khuya càng lạnh buốt. Và thế là sau một lần buông xuôi đi theo cùng đám bạn, cha đã dần dần trở thành kẻ hư hỏng, bê tha. Mẹ than trách, ca cẩm, o Giang kêu khóc nhưng kết cục cũng bằng không. Ông thì rủa: “Tao biết nó hư từ lâu rồi. Mà ở cái xóm này không hư mới là chuyện lạ. Tao chỉ sợ nó chết trước tao thôi?”. Ông rủa độc nhưng không phải không có lý, xóm Lú bây giờ đã xuất hiện nhiều con nghiện ma túy. Đây là cái xóm leo heo, vắng vẻ ngoài đê nên sự quản lý về mặt an ninh bị buông lỏng. Chẳng thế mà ông nó đánh bạc chuyên nghiệp bấy nhiêu năm ròng vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Lúc trên bến, khi dưới thuyền, lại lắm nẻo ngang đường tắt nên hễ thấy động là đám con bạc có muôn đường tẩu thoát. Giờ thì đến đám con nghiện cũng vậy, chúng ở đâu dạt về đây trú ngụ ngày càng nhiều. Rồi đến lũ thanh niên trong xóm cứ lần lần lượt lựơt dính theo.

Mẹ than thân trách phận cũng bằng thừa. Ngôi hàng bánh cuốn cỏn con không đủ nuôi mấy cái miệng. Nó ốm quặt ốm quẹo. Cũng vì không đủ chất dinh dưỡng. Người nó quắt lại, nhẳng nheo, dài như cái kẹo kéo. Nó chưa được làm giấy khai sinh nên mọi người cứ tiện thể kêu nó là Quắt, y như thân thể nó. Càng ngày, đôi mắt mở to của mẹ càng đậm một màu buồn thúi ruột thúi gan.

Thế rồi một buổi sáng trời âm u đầy mây đã làm thay đổi cuộc đời mẹ. Buổi sáng hôm đó, có một gã chủ thầu xây dựng đi cà nhắc ngoài phố huyện ghé xuống bến sỏi. Gã xuống tham khảo giá vật liệu xây dựng cho một công trình mới. Lúc gã lượn qua  hàng bánh cuốn của mẹ, gã đã đột ngột khựng lại vì đôi mắt mở to đăm đăm buồn bã của người đàn bà. Gã liền dừng xe nghé vào, rồi không biết cả buổi sáng hôm đó gã đã nói gì cùng mẹ, chỉ biết rằng mắt mẹ thỉnh thoảng lại chớp chớp nhìn lên một cách mơ màng xa xăm. Đôi mắt to tròn càng lúc càng thêm long lanh ươn ướt...

Ngày mẹ xách túi bỏ xóm Lú ra đi là một ngày mưa sùi sụt. Mẹ thừa lúc nó ngủ rồi đi. Cha còn mải say sưa cùng đám bạn nhậu còn ông chắc đang sát phạt đỏ đen ở một xó xỉnh tối tăm khuất nẻo nào đó. Lúc o Giang giặt quần áo ở dưới bến về thì chỉ còn thấy nó đang nằm co quắp ngủ và mấy dòng thư nguệch ngoạc mẹ viết vội trước lúc ra đi. Đại khái là mẹ muốn mọi người tha thứ vì không đủ sức chịu đựng ở thêm trong cái gia đình bệ rạc này nữa. Mẹ nhờ o Giang nuôi dạy nó lớn khôn, sau này có dịp mẹ sẽ về đón nó. O Giang ôm mặt khóc không thành tiếng. Năm ấy, o đã hăm ba hăm bốn tuổi rồi, cũng có vài ba người đàn ông làm cửu vạn dưới bến để ý, ướm hỏi. O thầm ao ước... Thế mà…Biết khi mô thì o mới được như những đứa con gái cùng trang cùng lứa, được lấy chồng rồi làm mẹ sinh con…

***

Thằng Quắt nằm lăn ra bãi cát thở hùng hục. Đá xong trận bóng giữa cái nóng oi nồng cuối hạ làm nó mệt lử. Thế nhưng đợi một lúc cho ráo mồ hôi là nó lại lao ùm ùm xuống sông ngay. Dòng nước mát lạnh sẽ gột rửa hết những mệt nhọc trong người. Nó ngắm nhìn con sông hiền hòa lờ lững trôi. Con sông đã gắn bó với tuổi thơ khốn khó nhưng đầy ắp kỷ niệm của nó. Nhìn lũ bạn tung tẩy cắp sách đến trường mà bụng dạ nó không khỏi phân vân, áy náy. Đã mấy lần o Giang định đưa nó đi xin nhập học nhưng rồi cha, ông nó đều gạt đi. Ông bảo: “Học làm chi cho tốn tiền tốn của. Lớn lên, nó cứ biết đếm tiền là tốt rồi”. Cha thì thở dài mệt mỏi: “Thôi đừng có mơ tưởng cao sang, rồi cũng đi đội sỏi là cùng”. O Giang thương nó nhưng o cũng chỉ biết đành vậy. Ngày ngày, o còn phải vật lộn với sọt sỏi để kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Thằng Quắt xoay ngửa người lại. Nó nhìn về phía xa xăm. Mặt trời như một cái mâm lửa cứ tụt dần, tụt dần xuống dải núi xanh mờ. Con sông nhuốm một màu vàng sậm chảy lơ đễnh. Đôi ba con thuyền của dân vạn chài trôi bồng bềnh trên ngọn sóng lăn tăn. Khung cảnh thật đẹp. Nó mơ màng, nó ước ao... Nó ước ao mình lớn thật nhanh để có thể thỏa sức ngược xuôi như những con thuyền ngoài kia. Nó có thể được đi xa, xa lắm... Rồi nó sẽ đưa cả o Giang nó đi. Cả đời o chưa được đi ra khỏi cái xóm Lú và bến sỏi này. Nó ước ao rồi cuộc đời nó sau này sẽ khác…

Ông vừa bước vô nhà đã hậm hực quát ầm lên: “Giang, tau nghe thiên hạ nói mi với thằng Bính lái công nông cập kè với nhau. Tau còn lạ chi mặt hắn. Mi mà để cái bụng chềnh ềnh ra đó thì coi chừng với tau”. O Giang đang ngồi rửa rau, mặt o tái dần, tái dần, đôi mắt o dại đi, o lẩm nhẩm: “Có chi mô cha, anh nớ chỉ là…”. “Là răng? Tau nghe hết chuyện rồi đó. Để coi, tau thì tau băm nhỏ!”…

O Giang nó ngồi đổ xoài bên chậu nước, rổ rau đổ tung tóe xuống nền đất cát xỉn đen. O ôm lấy mặt, hu hu khóc. Mỗi khi khổ đau hay oan ức điều chi, o chỉ biết khóc. Nó nhìn o mà thương đứt ruột, đứt gan. Nhưng nó cũng chẳng biết làm chi giúp o nó cả. Nó ngồi bất động nhìn o từ xa và bỗng nhiên thấy ghét ông đến lạ. O có tội tình chi mô chớ. Chẳng qua là o lỡ thương chú Bính. Chú Bính lái xe công nông thường lấy sỏi dưới bến sông. Chú Bính đen như cột nhà cháy, mặt có mấy cái sẹo dài dài. Nghe nói hồi trước chú cũng từng là một tay anh chị khét tiếng vì đâm chém. Rồi chú mắc nghiện ma túy phải đi trại để cai. Ra trại, bỗng chú tu chí hẳn, trở thành người chăm chỉ làm ăn. Thằng Quắt thi thoảng lại gặp chú. Mấy bữa đầu thấy mặt chú nó sợ. Nhưng dần dần nó thấy chú hiền khô, có bữa còn cho nó leo lên ca bin ngồi xe chơi một đoạn. Một bữa xế chiều nó chạy xuống bãi sông thì thấy o Giang đang ngồi bên chú Bính sau một đống sỏi lớn. Khuôn mặt o cúi thấp xuống vẻ thẹn thùng, hai cánh tay lóng nga, lóng ngóng quặp chặt lấy đầu gối. Chú Bính quàng tay qua vai o thủ thỉ điều chi đó. O lý nhí đáp lại. Một lúc, chú Bính ghé sát hơn rồi thơm vào mái tóc xáp xơ, loe hoe vàng vì phơi nắng của o. Nó thấy người o chợt run lên bần bật. Thế là nó tức cười quá vội vàng ù té chạy…

Đêm. Trời đã sắp bước sang thu. Cái nóng oi ả của mùa hạ đã dần dần dịu bớt. Những trận gió Lào nguôi ngoai thổi, thế vào đó là những cơn gió nồm lành lạnh, se se…

Nó đã ngủ được một giấc dài. Chợt tỉnh, nó quờ tay trong bóng tối. Không gian đặc đen và im ắng lạ. Cái giường đôi trống trơn. O Giang mô rồi. Nó định gọi nhưng lại thôi. Nó nghĩ, nếu o đi ra ngoài có việc gì thì chắc một lúc nữa sẽ quay vô. Mà từ khi ở với o đến giờ, nó có bao giờ thấy o đi đêm mô chớ. Nó gắng đợi, đợi mãi, càng đợi nó thấy đầu óc mình càng tỉnh táo lạ. Nó nghe rõ được cả tiếng mọt nghiến gỗ ken két trên xà nhà và tiếng gió hú dài ngoài liếp cửa. Bóng tối vẫn đen đặc bủa vây…

Chắc đã khuya, khuya lắm… Nó chỉ cảm nhận được là nó nằm chờ o mãi mà không thấy. Nó ngồi bật dậy đưa hai tay dụi mắt. Một lúc, nó trèo xuống giường lần lần bước đi. Cánh cửa ngoài khép hờ. Ngôi nhà im ắng.

Bên ngoài lờ mờ sáng nhờ một trời sao chi chít trên đầu. O nó đi mô không biết?- Nó đứng giữa sân và thầm nghĩ. Nó ngây ra hồi lâu. Rồi bỗng như có sự mách bảo của linh tính, nó vội vã chạy băng băng xuống bến sông. Con đường ngoắt ngoéo mấp mô sồi sụt làm nó nhiều lần suýt ngã. Nó vẫn cứ phăm phăm chạy… Ngoài bãi sông sáng hơn. Ánh sao soi xuống mặt nước phản chiếu trở lại có thể thấy được từng đợt sóng chạy lăn tăn, lấp lóa…

…Có một bóng đen đen, nhờ nhờ phía xa xa, cách mép bến độ hơn chục mét, một phần đã khuất chìm trong màn nước lạnh. Bóng đen đó chợt dừng lại có vẻ như hơi chần chừ, phân vân rồi tiếp tục tiến xa hơn. Đúng rồi…! Đúng o Giang nó rồi! O…O ơi…?! Thằng Quắt hét lên. Bằng linh cảm của mình, bằng tình yêu thương ruột rà như tình mẫu tử, nó biết o nó muốn làm gì. O muốn chết, trời ơi…! Phải rồi, đúng là o muốn chết!. Ở cái xóm Lú này, đã có biết bao người xuống sông tìm cái chết. Mỗi khi không còn lối thoát thì người ta tìm đến cái chết để mà quên đi tất cả mọi cơ cực, mọi khổ ải trên đời…

O…O Giang… ơi….? Thằng Quắt hét gọi lạc giọng. Âm vang của tiếng gọi lan chạy trên mặt sóng dội lại chơi vơi. Bóng đen sắp khuất chìm trong màn nước lạnh bỗng dưng thẫn thờ đứng lại. Tiếng gọi diết da, tuyệt vọng của nó đã níu kéo một sinh linh quay trở lại với cuộc đời…

…Gió càng lúc càng thổi mạnh. Gió ngập tràn réo rắt vun vút quất những làn roi vô hình vô ảnh trên mặt sông vụn nát. Mặt sông dồn sóng vỡ luênh loang. Những con sóng lạnh cuốn đuổi nhau trôi dạt mãi về miền vô định…

***

“Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh…”. Một lần, tôi được phiêu du ngược nguồn sông Lam cùng với một nhà thơ tỉnh lẻ. Tôi đã được đọc thơ anh, những vần thơ mộc mạc trong trẻo như chính con người anh, một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy bão tố nhưng chẳng kém phần thơ mộng. Đã chớm hạ. Chiếc thuyền nhỏ như một cánh lá trôi ngược giữa dòng sông ngút ngát. Nắng sớm đang lên. Những triền ngô xanh mướt mát trổ cờ trong cái gió lao xao, nhè nhẹ. Thuyền qua cầu Lường, một cây cầu mới vút cong với những hàng lan can trắng. Đi một quãng, anh nhà thơ rủ tôi lên bờ chơi. Anh bảo anh có người quen ở một xóm nhỏ gần đó. Cái xóm mang tên thật đẹp, đẹp như tên một người thiếu nữ, xom Yên Giang.

 Buổi sáng hôm ấy, tôi lang thang men theo con đường rợp bóng lá chạy ngoắt ngoéo dọc xóm nhỏ nép mình bên bờ sông Lam. Ơ đấy, chỗ gần ngã ba, tôi tạt vào một  quán nhỏ bán hàng tạp hoá. Và tại chính cái quán ấy, tôi đã gặp chị chủ nhà có tên là Giang. Chồng chị lái xe chở sỏi dưới bến. Chị đã kể cho tôi nghe về quãng đời lao đao, lận đận của chị… Đến gần trưa, lúc tôi chào để kịp xuống thuyền thì thấy một thằng bé, người xương xương đạp xe đi học về. Nó lễ phép chào tôi. Chị Giang chỉ vào nó nói: “Đó…cái thằng Quắt mà tui kể cho chú nghe đó. Nó sắp sửa lên học cấp hai rồi chú ạ!”.

…Thời gian lặng lẽ trôi xuôi. Bỗng một đêm mưa, kỷ niệm với dòng Lam Giang chợt trở về ào ạt. Thế là tôi quyết định cầm bút, hồi tưởng, sắp xếp rồi ghi lại câu chuyện cho có tầng có lớp. Câu chuyện giản dị như một kỷ niệm buồn man mác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên