Trở về

Truyện ngắn của Trần Thu Hương

Li yêu Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt. Đó là Hà Nội của những năm 90. Dịu hiền, mơ màng và lặng lẽ. Những dãy phố mái ngói lúp xúp nằm chen nhau, một dải nâu thẫm trầm lặng xô nghiêng đổ về phía sông Hồng. Ngày ấy không có nhiều nhà cao tầng và các quán ăn rực rỡ đèn màu như bây giờ. Phố cũng vắng hơn. Ra đường chỉ thấy toàn người đi xe đạp, hiếm lắm mới thấy một chiếc ô tô hay xe máy phóng vụt qua, nhả khói mù mịt. Li vẫn nhớ những quán bia vỉa hè đông nghịt khách mỗi giờ tan tầm, những cửa hàng bách hóa người ra người vào tấp nập, những chiều hè lộng gió. Li nhớ cả mùi hương nồng nàn của hoa sữa phố Nguyễn Du, những con đường cây xanh ngút mắt, mùa lá xà cừ rụng những ngày giông bão và nhớ cả những buổi chiều tan học cùng các bạn đạp xe lên hồ Tây ngắm hoàng hôn, nô đùa, chụp ảnh…

Suốt những năm tháng học Đại học rồi Cao học ở Tokyo và Nagasaki, kí ức về Hà Nội như một màn sương lúc nào cũng dày đặc khắc khoải trong nỗi nhớ của Li. Những người bạn Nhật rất quý Li, cô gái Việt bé nhỏ thông minh, thường say sưa kể cho họ nghe về Hà  Nội. Họ thầm mong có ngày sẽ đến thành phố của Li, đi trên những con phố nườm nượp người xe, thăm các di tích lịch sử nổi tiếng, những ngôi chùa cổ kính rêu phong, ngắm áo dài tha thướt và một loài hoa cứ mỗi độ xuân về lại nhấn lên nền xanh của cây cối đất trời một giai điệu trắng tinh khiết.

“Hà Nội của Li đẹp quá!” – Yutasi, cậu bạn có mái tóc đen rậm rạp, xúc động nói.

“Nhưng Hà Nội của mình vẫn còn nghèo lắm. Mức thu nhập của người dân tính trên đầu người thấp, cuộc sống khó khăn...”. Li trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ, bắt gặp một sắc lá phong bùng lên đỏ rực.

 “Li buồn à?”.

 “Ừ. Tớ muốn làm một điều gì đó, dù nhỏ bé cho đất nước của mình, để Hà Nội của tớ không chỉ đẹp mà còn giàu nữa”.

“Chắc chắn vậy rồi”. Yutasi ngập ngừng. “Hẹn gặp lại Hà Nội, Li nhé”.

Cầm tấm bằng loại ưu trên tay, Li trở về mảnh đất quê hương yêu dấu với bao dự định, mơ  ước, bao niềm vui sướng. Li được nhận vào làm công tác giảng dạy ở một trường Đại học lớn của Thủ đô. Cuộc đời Li rẽ sang trang mới, cô lập gia đình với một kĩ sư tin học trẻ  tuổi. 

*       *

*

Hà  Nội có nhiều hồ tự nhiên. Nét duyên thầm và dấu tích thơ mộng của một vùng sông nước phù sa châu thổ. “Thành phố Sông Hồ”, một giáo sư sử học đã đặt tên cho đất Thăng Long – Kẻ Chợ này như vậy.

“Cháu vẫn không hình dung được, hàng nghìn năm trước, miền đất Kinh thành của chúng ta có diện mạo như thế nào bác ạ?”.

Vị giáo sư cười hiền từ, mái tóc bạc phất phơ trong làn gió thu thổi nhẹ. “Cháu học Văn, có nhớ câu ca dao nào nói về sông Tô không?”.

“Có ạ! Nước sông Tô vừa trong vừa mát. Em đỗ thuyền ghé sát thuyền anh. Dừng chèo muốn tỏ tâm tình. Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu. Sông và người đều tình tứ bác nhỉ?”.

“Rất ngọt ngào, tình tứ. Sông Tô nước chảy trong ngần. Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa. Sông Tô ngày xưa tha thướt và trong xanh lắm. Có thể ví con sông như một cô gái mang trong mình dòng máu nửa hoang sơ hồn hậu dân dã nửa yêu kiều diễm lệ. Hà Nội trong buổi bình minh lịch sử là một làng quê với xóm, thôn như bao làng quê khác. Ba con sông lớn sông Hồng, sông Tô, sông Kim Ngưu cùng chầu về đây rồi lan tỏa ra hướng biển Đông. Bên bờ sông là những rừng cây nhỏ. Sát bìa rừng nổi lên một gò đất – núi Nùng được xem là trung tâm vũ trụ, Long Đỗ rốn rồng. Ở đây có vạn chài, trại cá tươi ở ngã ba Tô Giang – Nhị Thủy. Làng quê với bóng cau, cây gạo, con thuyền, dòng sông… rất điển hình của văn hóa làng xóm Việt Nam”.

“Hà Nội có dáng dấp một Kinh thành từ khi nào hở bác?”. “Khi Lý Bí xưng đế, lần đầu tiên trung tâm Hà Nội có dáng hình một đô thị cổ. Vua cho xây thành Tô Lịch, lập chùa thờ Phật, “chùa Khai Quốc” mà ngày nay chúng ta vẫn gọi chùa Trấn Quốc. Mùa thu Canh Tuất, năm 1010, miền trung tâm Hà Nội mới trở nên Kinh thành”.

Câu chuyện với nhà sử học hôm đó làm tôi nhớ  mãi. Hà Nội của tôi, miền đất “phồn hoa thiên tài”, nơi hội tụ hình sông thế núi, thủ đô tự nhiên của lưu vực sông Hồng. Một thủ đô vừa thượng võ với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn vừa văn hiến với Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… Đắm mình trong những câu chuyện thì thầm bên hồ nước, tôi lắng nghe tiếng rung nhè nhẹ của lá cỏ, khí trời, hương thơm của những cánh hoa li ti vàng, lắc rắc rơi như mưa bụi trong gió.

      - Kìa! Trang phải không?

      - Ai đấy? – Tôi quay nhìn lại.

      - Li đây mà!

      - Ôi! Li. Đúng Li rồi. Lâu lắm mới gặp.

      - Trang bây giờ làm gì? Đã lấy chồng chưa và sống ở đâu?

      - Tớ vẫn sống cùng bố mẹ. Còn vợ chồng tớ đã li dị cách đây 5, 6 năm rồi, Li ạ

      Một tiếng thở dài tan trong vòm cây.

      - Mình cũng vậy.

      - Li cũng vậy à? Tại sao?

Tôi thích ngồi cùng Li trong căn gác nhỏ của tôi, ôn lại những câu chuyện xưa cũ. Ngày ấy chúng tôi học cùng một lớp, trong ngôi trường cấp II xinh xắn. Li nổi tiếng học giỏi và dễ thương nên được một cậu bạn đẹp trai, tài tử nhất lớp đem lòng thương mến. Sáng nào cậu cũng mang một bông hồng đỏ  thắm đứng đợi trước cửa nhà, chờ Li đi học.

“Ừ, tớ nhớ rồi. Huy phải không?”. Tôi hỏi. Li mỉm cười, khẽ gật đầu.

“Còn Ngọc lại yêu Huy” – tôi nói.

“Vậy nên bạn ấy ghét tớ. Không cho tớ chơi cùng, học cùng nhóm với các cậu”.

“Ngày ấy chúng mình trẻ con và thơ ngây quá, Li nhỉ?”

Li nhìn những cánh hoa cúc trắng muốt, rụng vương vãi trên mặt bàn, bối rối trả lời “Ngày ấy thật vui…”.

Ngày  ấy thật vui. Sao bây giờ Li buồn thế? Cả tôi nữa, sao tôi cũng buồn nhiều thế? Mảnh gương vỡ  trong lòng chúng tôi bao giờ mới liền lại. Tớ  cũng không biết mình có lỗi gì?

Li nhẹ nhàng tâm sự. Lúc mới quen nhau, trước những cử chỉ yêu thương vụng về của anh ấy, Li rất cảm động. Vậy mà…


Một cơn gió mang theo những giọt nước li ti, lạnh lẽo tràn vào phòng. Cánh hoa cúc trong tay Li run lên khe khẽ. Chỉ sau ngày cưới, anh ấy bỗng dưng thay đổi, trở thành con người khác hẳn. Nếu Li để giầy của mình đè lên giầy anh ấy, bị mắng. Nếu Li để khăn mặt của mình chạm vào khăn mặt anh ấy, cũng bị mắng. Có hôm dậy muộn chưa kịp chuẩn bị bữa sáng, anh ấy định đánh mình. Quần áo hai vợ chồng thay ra cho vào máy giặt, anh ấy cũng bắt phải để riêng, giặt riêng. Nhiều lúc Li tự hỏi, phải chăng anh ấy coi Li là thứ ghê sợ, bẩn thỉu. “Chính anh ta mới là giống vật đáng kinh tởm” – Tôi phẫn nộ nói và nhìn Li thương cảm. Trái tim bạn tôi mong manh quá. Hà Nội của chúng ta cũng mong manh quá giữa một thế giới đầy xáo trộn và biến động. Cánh hoa rơi xuống dòng nước rồi có bị cuốn trôi? 

*       *

*

“Tớ vừa giành được một suất học bổng tiến sĩ ở Nhật, Trang à”. Li gọi điện cho tôi thông báo. Cảm giác của tôi lúc đó thật khó tả. Như có một thanh âm trong suốt nhẹ bẫng vừa rơi xuống, vỡ từng mảnh nhỏ.

“Cậu sẽ đi chứ?”. Giọng Li chùng xuống như vọng về từ xa xăm. “Tớ đi rồi tớ sẽ trở về mà”. “Bao giờ Li đi?”. “Tháng 4”.

Tháng 4! Mùa hoa anh đào Nhật Bản. Người đi trong tiếng hoa rơi thắc thỏm. Đến Nhật Bản mùa này, ở đâu cũng thấy những tấm khăn voan trắng hồng choàng lên các thành phố, những ngoại ô yên bình, tươi đẹp của đất nước Phù Tang. Ai đã từng ngắm hoa anh đào nở rộ lên rồi tàn đi nhanh chóng mới thấy hết vẻ đẹp mong manh của những khoảnh khắc bất ngờ.

Hoa anh đào. Loài hoa của những nỗi lòng xa xứ. Nhưng có  lẽ đối với tôi và Li, đó là loài hoa mang màu nỗi nhớ, phải không? 

(*) Truyện ngắn có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Dặm dài đất nước” của cố  giáo sư Trần Quốc Vượng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên