Truyện ngắn: Nữ thần đồng trinh

Truyện ngắn của Trần Nguyễn Anh đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội.


Tôi và Hoàng sinh ra trong một ngôi làng nhỏ giữa đồng bằng hiu quạnh. Gia đình của Hoàng kinh tế khá giả. Nó tuy cùng tuổi với tôi nhưng đã là một ông trưởng họ đầy quyền thế. Trong nhà treo đầy những bức đại tự, câu đối cùng vật dụng quý giá cổ xưa. Nhà tôi gia đình công nhân, nằm giường sắt, uống nước sôi để nguội, gia sản chẳng có gì ngoài vài tấm bằng khen.

Một điều lạ là tôi lập gia đình sớm hơn nó, nay đã được một nhóc. Còn Hoàng đã gần bốn mươi mà chưa yêu ai.

Mới rồi dòng họ họp, phản ứng gay gắt yêu cầu trưởng họ phải có người thừa tự. Thế là dòng họ nhờ mai mối, tìm được một cô giáo cao to dạy môn sinh vật ở trường xã kế bên, sửa soạn làm đám cưới cho ông trưởng họ.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Một buổi chiều Hoàng tìm gặp tôi và bảo: “Tôi phải đi lên mạn ngược, ông đi cùng tôi”. Chẳng còn cách gì khác, tôi phải gật đầu.

Câu chuyện của Hoàng, chỉ tôi và nó biết. Số là nó yêu phải người trong mộng đến nay đã hơn hai chục năm. Người con gái ấy tên Duyên, đang trên mạn ngược.

Câu chuyện vừa ly kỳ vừa giản dị.

Hồi nó còn nhỏ, một hôm mẹ bảo rằng gia đình thủa xưa kinh tế giàu có, vì nạn giặc Minh, phải giấu của cải trong hang trên rừng.

Để khỏi bị đánh cướp, cụ tổ đã mua một cô gái đồng trinh vô cùng xinh đẹp với giá 100 lượng bạc, cho ngậm sâm, rồi dán miệng, trói vào chiếc ghế gỗ lim, để trong hang đá, ngay trước đống của cải, rồi lấp hang lại. Đấy là cách giữ của phổ biến của người xưa. Cô gái ấy tên là Duyên.

Theo lời người làng tôi thì các cô gái đồng trinh khi qua đời linh thiêng vô cùng và cũng tác oai tác quái khó kể xiết. Với một nữ thần, giữ kho báu, đời đời đi kiếm tìm, bao nhiêu kẻ mất mạng, sự linh thiêng tăng lên gấp bội. Có lẽ vậy mà nữ thần đã ám vào cuộc đời Hoàng, như là một sự trả thù dòng họ của chàng?

Theo lời Hoàng kể, vào năm 15 tuổi, một buổi chiều đi học về, trời nhập nhoạng, nó thấy một một cô gái bận đồ trắng, má hồng như trái đào, đứng cầm nhành hoa lan, dựa vào cây xoan đang đổ hoa như mưa. Thấy hắn, nàng nghiêng mình e thẹn, chẳng nói gì.

Hoàng hỏi: “Tên bạn là gì? Nhà bạn ở đâu? Bạn học trường nào?”. Cô gái trả lời, bằng một giọng nói tự xa xăm, câu được câu mất, như dòng suối róc rách dưới chân rừng: “Em tên là Duyên, người ở Động Đình”.

Vừa chớp mắt, đã không thấy cô gái đâu nữa. Một cơn gió thoảng qua và thoáng một con chồn bông lau biến vào bụi rậm.

Về nhà Hoàng kể chuyện với mẹ. Mẹ nó nói: “Chẳng qua là con chồn thành tinh mà thôi. Con lấy roi dâu tẩm máu gà trống, vụt một cái nó thổ ra huyết chết”.

Bố của Hoàng đang thắp hương trong bàn thờ tổ, hỏi: “Con yêu tinh ấy bảo nó sống ở đâu?”.

Hoàng đáp: “Con không nghe rõ lắm”.

Bố hỏi nhỏ: “Có phải Động Đình không?”.

Hoàng giật mình: “Vâng ạ”.

Ông cụ trượt chân, như bị ai kéo, ngã xuống nền nhà, cấm khẩu. Nửa năm sau cụ lặng lẽ qua đời.

Mẹ của Hoàng giỏi về phong thủy bùa chú, mấy lần cúng bái trừ tà, dùng thủy trận quanh nhà, vẫn chưa bắt được yêu tinh.

Tuy vậy, bà bảo: “Đã dùng đại đao mà chém, nó đứt một chân rồi”. 

Bà lại nói: “Nó đã mò về đến nhà thì chẳng còn ai sống sót”.

Là vì thế mà bà cụ chưa cho Hoàng lấy vợ, sinh con. Bà sợ tai họa ập xuống nhà. Ngày ngày bà luyện phép thuật, quyết bắt cho được con yêu tinh.

Mỗi năm, vài bận Hoàng lại gặp thần giữ của. Có khi nó hóa thành con chim ưng bay trên trời, cười khanh khách như người điên. Một lần hóa thành con trăn xanh, quấn Hoàng, quật xuống dòng kênh, may nhờ tôi đi học về thấy thế, xông vào cứu được.

Thật ra tôi là người trần, đâu thấy gì. Nhìn Hoàng giãy giụa trong làn nước mà lao xuống cứu thôi. Nhưng, sau thấy ngực nó đầy vết bầm, như vết cắn sâu, còn rỉ máu. Nghe nó kể chuyện về nữ thần giữ của, mới biết đầu đuôi sự thể.

Hoàng lại kể: “Có lần tôi đi trên tàu, xuống thành phố, có cô gái mặc áo chàm ngồi bên cạnh, dựa vào vai ngủ thiếp. Mùi hương thơm, mùi mật ngọt quyến rũ không tả nổi. Tôi quay sang nhìn, hóa ra đó là một người ăn mày cụt chân, đã chết queo tự lúc nào không biết”.

Tôi nghĩ rằng người ta thần hồn nát thần tính, cái bụng hay suy diễn, nhìn đâu mà chẳng ra ma. Chẳng qua vì một truyền thuyết dân gian, vô bằng, đi tin vào điều ma quái, thực chẳng ra gì.

Câu chuyện về kho báu thời giặc Minh, được truyền tụng, cả họ đều biết. Bao nhiêu người đã đi tìm, bỏ mạng nơi rừng sâu, nào kết quả. Mở gia phả ra xem, tuyệt nhiên không hề có dòng nào bàn việc của cải. Lấy của cải đâu mà mua gái đồng trinh cả trăm lượng! Thực là chuyện thêu dệt hoang đường mà nỗi ám ảnh về tổ tiên, tiền bạc và quyền lực đã xô đẩy con người ta trong những truyền thuyết vô bằng.

 Bao nhiêu người bị rắn cắn không ai nói gì, mẹ của Hoàng bị rắn cắn, bán thân bất toại, lại bảo là do ma nữ trả thù? 

Trở lại câu chuyện của Hoàng hôm nay, khi nó bảo lên mạn ngược, tôi đã biết nó đi tìm thần rồi.

Tôi không lẽ nào lại để nó đi một mình? Dạo này nó ốm o, ho hen rục rã, có khi còn ho ra máu nữa. Bác sĩ bảo nó lao lực, nhiễm lao nặng lắm.  Đành đồng ý đi thôi, chứ tôi nghĩ những chuyện nhảm nhí của gia đình nó thực là tốn phí thời gian và vô nghĩa lý. Tôi vốn không tin vào các nữ thần.

Nhưng, dù sao nó cũng sắp lấy vợ, giúp nó để cho mọi việc trôi chảy. Chí ít, đi mạn ngược một chuyến, bà cụ cũng yên tâm hơn. Đấy mới là điều quan trọng. Sau nữa, cũng là dịp nó thỏa chí tìm người trong mộng, tôi lại một phen lên miền sơn cước chơi. 

Trước ngày ra đi, chúng tôi đến trước mẹ Hoàng. Bà cụ mạch đã rất yếu. Cụ bảo: “Phải hết sức cẩn thận. Tìm được nơi cất giữ kho báu, dứt khoát không lấy của cải, bởi đó không phải của do chúng ta làm ra. Cái cần phải lấy chính là xương cốt của con ma nữ. Hãy đem chúng rải xuống dòng suối, để rái cá ăn, không bao giờ nó còn quấy phá chúng ta được nữa”.

Cụ nói vậy rồi mệt thiếp đi.

Chúng tôi lên mạn ngược, nhắm vào chỗ trận địa mà quân ta và quân Minh từng giao tranh quyết liệt. Quân ta đã vùi chôn hai vạn quân Minh chỉ trong một buổi chiều. Tôi với Hoàng nghĩ rằng Động Đình không thể cách xa chỗ đó. Theo bản đồ, đấy là thung lũng, còn rất nhiều bãi than vùi trong lòng đất, không biết là đốt cháy từ thứ gì. Người Thổ đào chúng lên làm phân, bón cho hoa thì hoa đổi từ màu xanh ra trắng. Vũ khí thời xưa, dân làng đi trồng sắn vẫn lượm được, có khi còn bị mũi tên đâm vào chân, tử vong.

Trên chuyến xe khách, hai chúng tôi ngồi cùng ghế với một người phụ nữ da trắng, hơi lùn, mặc áo vải tự dệt, đầu đội khăn thêu màu xanh sẫm. Chị nói: “Tới Bãi Trận, hai bác đi về hướng Nam mười dặm sẽ gặp hai ngọn núi rất cao và xinh đẹp người ta gọi là núi Duyên núi Thề”.

Bấy giờ, tôi mới hỏi chị quê ở đâu và đang đi đâu. Người đàn bà đáp đi thăm chồng. “Chồng tôi đi lính, bị thương, sống trong trại điều dưỡng 45 năm rồi”. Hỏi: “Bị thương năm nào, chiến trường nào?”, chị lại bảo: “Không nhớ nữa”.

Thiu thiu chợp mắt, giật mình đã không thấy người đâu.

Tài xế hỏi chúng tôi: “Chị ta dừng xe mà xuống giữa rừng rồi. Các bác mất đồ đạc gì không?”. Soát lại, chẳng mất gì, chỉ túi thuốc lao phổi của Hoàng không cánh mà bay. Nhìn ra cửa sổ, thấy con sóc đã chạy vào bụi rậm.  

Hoàng bắt tôi xuống xe đi tìm người đàn bà đội khăn. Nhưng tôi không cho. Giữa rừng nguyên sinh, lấy cái gì ăn? Lấy cái gì mà nằm? Hoàng bực bội lắm. Nó bảo: “Biết thế này, tôi đi một mình”.

Xe qua một chiếc cầu ngắn. Qua cầu, tài xế dừng xe, để mọi người đi giải. Có người chạy vội vào lùm cây, bị rắn cắn, phải xé áo buộc chặt, tím hết một bàn tay. Hoàng hút máu độc ra, phun phì phì như rắn. Nó đi tìm con rắn. Tài xế bảo: “Hơi đâu đi đánh rắn rừng!”.

Đi quãng nữa, xe nổ lốp như pháo bắn. Xe đâm vào gốc cây. Cái cây gãy rơi xuống vực. Tài xế bảo: “Xe em cũ nát, đến nay đã hai trăm năm, nổ lốp là chuyện thường”. Y lại hỏi: “Hai bác lên Bãi Trận phải không? Đến nơi em sẽ bảo”. Chúng tôi dựng tóc gáy, chẳng biết hư thực thế nào.

Xem kỹ dung mạo thấy y nhanh nhẹn khác thường, thông minh khác thường, sao đời lại chỉ chạy xe nhỉ? Hẳn y có một cái sự bí mật gì đó chăng? Y đang chờ ai chăng? Y là kẻ hại chủ mà lại làm nghề tài xế, hẳn y với người đàn bà lúc nãy cùng hội cùng phường rồi. Nhưng họ hại ai chứ? 

Chúng tôi ngồi cuối xe. Giữa xe lác đác dăm vị khách. Gọi là xe khách nhưng phần nhiều chở lương thực, dầu đèn, quần áo, kẹo bánh. Nghe có mùi diêm sinh, thuốc súng. Chúng tôi ngồi sau xe, kể chuyện rì rầm, đỡ buồn.

Tôi bảo sang năm tôi sẽ cất một ngôi nhà mới, để mẹ con đỡ khổ. Nhà cũ tường đất, vách nát, dột quá. Hoàng lại bảo: “Báu gì nhà xây với mái bê tông cơ chứ. Phải sống với đất với nước, thủy mộc đất đai, tính tình sẽ ôn hòa, con người không bị nóng sốt, mới trường thọ. Sau này già tôi vào hang trong rừng sinh sống như thủa xa xưa”.

Tôi bảo: “Nghèo bị thiên hạ khinh, nhục thì tổn. Tôi thích nhà lầu xe hơi thôi”. Hoàng không hiểu, nó sinh ra đã giữa nhung lụa rồi. Đầu óc nó nghĩ ngợi những chuyện không đâu. 

Tôi hỏi vặn Hoàng: “Lúc nãy ông thấy rắn, sao không đánh nó dập đầu đi?”. Hoàng ấp úng, không trả lời được. Mãi sau nó mới thú nhận, đã nhiều đêm nằm mơ, thấy cảnh ái ân với nữ thần. Tự đó đến nay đầu gối tay kề, bao chuyện vui buồn chia sẻ, không thể nào hạ thủ được kẻ thù trong mộng. “Nó đấy, con yêu tinh đấy”. Hoàng bảo.

Tôi nghe Hoàng nói, nước mắt tự dưng muốn rớt ra.

Tôi và Hoàng là chỗ thân tình. Chuyện nhảm nhí hoang đường của Hoàng tôi đều biết cả. Nhưng không ngờ, con người nó lại tin vào cái không có thật, mơ cái hão huyền, hơn là sống với cuộc đời thực như thế. Tôi hỏi: “Tuần nào cũng gặp nhau trong mộng phải không?”.

Nó gật đầu: “Trời tối, gà lên chuồng, vợ chồng lại gặp nhau”.

Tôi thở dài: “Dâm thần đã hại mày rồi”. Hoàng không nói gì, nó co rúm lại, như sợ bị dội nước vậy. Nó bảo: “Vợ tôi luôn dùng thuốc tránh thai bằng lá rừng”. 

Cha tôi trước có nghề bốc thuốc ta nên tôi cũng biết qua đôi chút tình hình bây giờ. Tôi nghiêm giọng bảo Hoàng: “Cậu mộng tinh, di tinh, hẳn đã liệt dương”. Hoàng cúi gầm mặt xuống. Nó chối: “Không, tôi bị liệt từ nhỏ”.

Thực không thể ngờ, một câu chuyện truyền khẩu vô bằng mà có thể hại bạn tôi. Tôi bèn nói: “Cái ảo giết chết cái thực”. Hoàng ngẩng lên, hỏi tôi: “Thế giới thực là gì? Những cái nhìn thấy ban ngày là thế giới thực, còn cái nhìn thấy trong đêm thì không thực ư”?

Tôi chẳng biết phải giải thích với ông bạn và là người bệnh này như thế nào nữa. Tôi tắc lưỡi: “Tốt nhất ông nên lấy vợ, càng sớm càng tốt”. Hoàng bảo: “Tôi ghét cái ả dạy sinh vật. Ngay lần đầu tiên gặp, nó đã dẫm vào chân tôi bong cả gân phải dùng thuốc bóp của ông mới khỏi là gì”.

Y cả cười, mơ màng: “Lạt mềm mới buộc chặt ông ạ”.

Người trong mộng. Ước sao, được vậy, làm sao chẳng hợp, chẳng mỹ mãn. Thế giới huyễn hoặc tự vẽ ra, muốn gì chẳng được. 

Nhưng cái sự thực là cả dòng họ đang chờ kẻ thừa tự, bà lão bại liệt đang chờ nhìn mặt cháu nội, thì sao?

“Ông phải cưới cô dạy sinh vật kia thôi - tôi nói – dù có là dùi đục chấm nước mắm, còn hơn không khí loãng”. Hoàng lại ho: “Nhịn ăn được, nhìn thở sao được. Cái vô hình như không khí chẳng hạn, mới là cái sống còn của con người”.

Tôi chẳng biết phải nói điều gì. Nó đã bị ma nữ ám ảnh, dẫn dắt, như những đứa trẻ vùi mình vào trò game online, những thanh niên bị thế giới ảo với những cái nick làm cho mê muội.

Tôi bảo với Hoàng: “Cậu đã đi quá xa vào ảo ảnh của cuộc đời rồi. Hãy tỉnh lại đi. Đó chỉ là những tàn tích từ các câu truyện cổ đem lại mà thôi. Nó chẳng khác gì ảo giác của ma túy thuốc lắc vũ trường. Nó không phải là đời sống của ông bây giờ đâu”.

Tôi đưa cho nó mấy quả cam ăn cho tỉnh người. Nó bảo: “Thì ngày mai chúng ta sẽ về làng”.

Chẳng khó khăn gì, chúng tôi cũng nhận ra rằng mỗi bước đi của mình đều bị theo sát với những người có máu lạnh. Họ là ai? Gã tài xế và nhân tình của y? Những kẻ săn vàng chuyên nghiệp? Những tay đào đồ cổ?

Không loại trừ cả những ai đó trong làng tôi, những kẻ tin rằng Hoàng đang có trong tay tấm bản đồ kho báu.

Không có ma, không có quỷ nào hết, quanh chúng tôi là những kẻ săn của. Họ có vũ khí, còn chúng tôi chẳng có gì ngoài những bình nước và một con dao phát rừng mua của người Thổ.

“Quay về”. Tôi nói với Hoàng. “Nếu tìm thấy kho báu chúng ta sẽ không bao giờ quay về làng được nữa”.

Hoàng không nói gì. Nó leo lên rừng như kẻ mộng du. Núi Duyên núi Thề là đây ư?

Bám theo chúng tôi là mấy kẻ leo núi nhanh như rắn, họ giả vờ tiếng muôn thú để gọi nhau, ngụy trang tiếng bước chân đạp phải vỏ khô bằng tiếng khỉ gọi đàn.

“Xuống núi thôi”. Tôi nói. Hoàng bất giác cất lời sắc lạnh: “Ông tưởng chúng ta có thể rời khỏi đây dễ dàng thế sao?”.

Tôi nghĩ nó có lý. Chúng tôi sẽ bị giam cầm ở đây cho đến khi nào tìm được kho báu.

Thế đấy. Câu chuyện về nữ thần giữ của, rút cục, đã là một lời tiên tri, báo trước về những cái chết của hậu thế, trong tư thế bị trói, bị bịt miệng và thủ tiêu nơi rừng sâu.

“Ông có nghe thấy gì không?”. Hoàng dừng lại, nói trong tiếng đá sỏi lăn nhẹ đâu đó trong rừng. “Tôi nghe, mùi thơm vẫn thường tỏa bay trong giấc mơ của tôi. Mùi của con gái sơn thần”.

Không, tôi thì chỉ nghe thấy mùi hương của hoa dẻ. Những bông hoa dẻ trắng lấp lánh trên đầu chúng tôi.

“Sắp gặp nàng rồi”. Hoàng nói. Một cái gì đó rơi rất nhanh, xuống vực sâu. Ai đó đã bị hạ thủ. 

Những băng đảng săn của đã bắt đầu loại bỏ địch thủ. Tiếng kêu ngụy trang cuối cùng. Tiếng của loài hoẵng, tan dần vào không gian lạnh buốt.

Ai đó nắm tay tôi, lôi vụt vào trong, bịt chặt miệng tôi. Người tôi cứng đờ. Tôi chờ một nhát dao.

Không, người đó là Hoàng.

Anh ta trở nên nhanh nhẹn khác thường, hoàn toàn tỉnh táo. Quấn quanh bụng anh ta là những con dao sắc bén. Hoàng nói, khi vẫn lôi tôi vào một cái hang chỉ vừa lọt một người: “Ông đừng bao giờ cất tiếng nói nữa. Kể cả lúc ông chết”. Tôi hiểu. Im lặng có thể là sự sống, trong cuộc săn lùng này. 

Chúng tôi bò sâu vào trong ngách hang. Trời tối sầm. Không có một chút ánh sáng và không một tiếng động. 

Loáng cái, chẳng còn dấu vết gì của Hoàng. Anh ta biến mất như một cơn gió lạnh.

Tôi run rẩy bò đi một mình, như kẻ chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Tôi cứ bò mãi, bò mãi. Quanh tôi, bóng tối vô tận.

Không thể trở ra, tất cả là bóng đêm bao phủ và lạnh lẽo. Tôi bò mải miết, giữa những viên đá lạnh. Những viên đá trơn vô tri vô giác, thế giới cô quạnh và nguyên sinh.

Sự sợ hãi như một thác nước lạnh đổ từ trên cao. Hoàng ở đâu rồi nhỉ? 

Nỗi cô đơn dâng lên ngút ngàn khiến tôi mơ ước được chạm vào những bộ xương mục nát, dù đó là di cốt của người nguyên thủy.

Tức thở. Không khí thiếu ô xi chăng. Hay là khí độc đâu đó trong núi luồn lách khắp hang đá. Nghe nói người đào đá đỏ thường đem theo một cành cây xanh lá để kiếm dưỡng khí trong hầm sâu. Tôi thì chẳng có gì. Tôi nằm bẹp dí, tu từng ngụm nước nhỏ cho đến những giọt cuối cùng.

Quay đầu lại thôi. Tôi tự nhủ. Tôi không còn biết phương hướng là gì. Cảm tưởng mình cứ quay đầu ngược lại mà đi, thì sẽ tìm về được với cuộc sống. Rất cẩn thận, tôi xoay mình, ưỡn ngực lên trên, vươn mình dậy, bò về hướng mà bàn chân mình vừa đạp qua.

Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã nhầm. Ngóc ngách trong hang động không phải là đường thẳng mà chúng ngoằn ngoèo. Không có ngả nào là chính là phụ. Một cái ngách rộng hơn, có thể lại dẫn tôi đến đường cùng. Đâu là lối ra?

Tôi muốn gọi tên thằng Hoàng. Nhưng rồi tôi lại thôi. Nếu có thể, nó đã gọi tôi rồi. 

Tôi cũng nhớ lời dặn của nó. Sự im lặng biết đâu đem đến cho tôi sự sống. Không ai trong số các sát thủ kia sẽ cứu giúp tôi. Họ đang săn lùng chúng tôi.

Có thể, càng bò đi xa, càng không thể nào trở lại được nữa. Ngọn núi vĩ đại này đã ngụy trang hàng chục có thể là hàng trăm cây số hang động và đường hầm tự nhiên.

Yên ắng, tĩnh lặng, thậm chí câm lặng. Không phải mọi ngóc ngách hang động đều thông với nhau. Chúng giống những nấm mồ hơn là một nhà hát cộng hưởng.

Tôi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ tôi chẳng gặp nữ thần nào cả. Tôi chỉ thấy những làng mạc nghèo khó dậy mùi phân trâu, những đình chùa hoen ố và một cánh diều mỏng manh bay lên cao. Con tôi đang thả cánh diều ấy. Cánh đồng khô hạn nơi tôi và con tôi đổ những giọt mồ hôi để cho khoai lúa mọc lên tỏa ra mùi thơm ngái thiêng liêng.

Tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, đúng hơn là sau một cái chết ngắn.

Tôi đã đi vào một vùng hang cực độc. Kiến thức sinh tồn cho tôi biết như vậy. Không một sinh vật nào sống sót nổi trong cái hang động tôi đã qua. Có lẽ, cả đá cũng đã chết cứng. 

Chui ra khỏi hang đá, trở về làng, tôi không thể kể lại gì. Người ta nghĩ rằng tôi giữ một bí mật nào đó, về Hoàng, về kho báu, thậm chí về nữ thần giữ của. Họ cứ việc nghĩ thôi. Tôi chỉ biết một bóng tối mênh mông đã nuốt chửng tôi, như con thuồng luồng vĩ đại. 

Làm sao tôi có thể kể gì? Những gì tôi nhìn thấy, mơ thấy, trong hang núi Duyên, là về ngôi làng nhỏ bé xơ xác của tôi, nơi những nấm mồ không bia mộ chìm trong gió chiều của một mùa giáp hạt. 

Tôi không giàu trí tưởng tượng, và tôi lại chẳng thấy gì hơn ngoài một màu đen chết chóc bao trùm lúc ấy.

Biết kể gì bây giờ?

Người ta nói Hoàng đã bị những kẻ săn của giết chết, ném xác xuống dòng suối, xác trôi về xã gần đó và được người dân vớt lên, làm miếu thờ bên cái cầu bê tông nhỏ. Số châu báu chúng cướp được đủ mua một thành phố cấp tỉnh. 

Nhiều người lại bảo Hoàng sợ phải chia của cải nên đã bỏ làng đi mất tích, đem theo vô số của cải mà bọn giặc Minh đã truy lùng nhưng không bao giờ tìm ra. Hoàng trở thành nhà buôn bất động sản và nhà tài trợ chính cho các cuộc đánh golf châu lục.

Mẹ của Hoàng, bà kể rằng con trai của bà đã bị nữ thần giữ lại. “Nếu muốn giết con trai của bà, nó đã làm điều đó dưới dòng kênh”- cụ nói.

Tôi đã im lặng. Sự im lặng sẽ tốt hơn nhiều, nếu như tôi kể ra hết mọi thứ tôi đã từng chứng kiến. Những sự mê lầm và những cuộc rượt đuổi. Của cải và tội ác. Kinh nghiệm trong rừng già cho biết, cho đến khi tôi xuống mồ, vẫn còn những bước chân đi theo tôi.

Đôi khi, tôi tự hỏi, Hoàng sẽ đem theo cái gì: Rương của cải hay là một nắm tro tàn của người tình trong mộng?

Hoàng có rải đám tro ấy xuống dòng suối như lời mẹ dặn không?

Chao ôi, tôi không thể nào thay bạn tôi trả lời những câu hỏi đó.

 Đi dưới hàng xoan đã già nua mà vẫn trổ hoa mỗi dịp xuân về, tôi lại tự hỏi lòng mình rằng mối tình trong mộng thì ai sẽ biết và ai sẽ kể ra. Hoàng không kể, tôi không kể, hàng xoan này có thể kể cho bạn được không. Người ta chỉ truyền tụng cho nhau huyền thoại về một kho báu đã bị đánh cướp.

Tôi dừng chân dưới cây xoan cổ thụ. Nhìn mảnh trăng non đầu tháng, khuôn mặt bỗng dưng ướt đẫm những cánh xoan đêm.

 Chợt nghe tiếng người.

Nhìn vào ngôi nhà cổ, thấy cô giáo dạy sinh vật cao lớn nước da ngăm đen dáng đi vội vã đang chăm sóc bà cụ làm nghề xem phong thủy.

Tiếng cười của cô gái khanh khách vang lên trong buổi tối lạnh lùng trên quê hương tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trao giải Cuộc thi viết truyện ngắn báo Văn nghệ
Trao giải Cuộc thi viết truyện ngắn báo Văn nghệ

(VOV) - Giải nhất được trao cho chùm truyện ngắn “Sợi dây”, “Mồng chín tháng tám”, “Bạn khách” của tác giả Lê Thanh Kì.

Trao giải Cuộc thi viết truyện ngắn báo Văn nghệ

Trao giải Cuộc thi viết truyện ngắn báo Văn nghệ

(VOV) - Giải nhất được trao cho chùm truyện ngắn “Sợi dây”, “Mồng chín tháng tám”, “Bạn khách” của tác giả Lê Thanh Kì.

Truyện ngắn: Hoàng hôn
Truyện ngắn: Hoàng hôn

Truyện ngắn "Hoàng hôn" của Trần Hoàng Vy đăng trên báo Văn nghệ quân đội.

Truyện ngắn: Hoàng hôn

Truyện ngắn: Hoàng hôn

Truyện ngắn "Hoàng hôn" của Trần Hoàng Vy đăng trên báo Văn nghệ quân đội.

Truyện ngắn: Ảo ảnh bên hồ
Truyện ngắn: Ảo ảnh bên hồ

Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Truyện ngắn: Ảo ảnh bên hồ

Truyện ngắn: Ảo ảnh bên hồ

Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Truyện ngắn: Bài ca tuyệt mật
Truyện ngắn: Bài ca tuyệt mật

Truyện ngắn "Bài ca tuyệt mật" của Trung Trung Đỉnh đăng trên báo Văn nghệ số 17-18/2013.

Truyện ngắn: Bài ca tuyệt mật

Truyện ngắn: Bài ca tuyệt mật

Truyện ngắn "Bài ca tuyệt mật" của Trung Trung Đỉnh đăng trên báo Văn nghệ số 17-18/2013.

Truyện ngắn: Say nắng
Truyện ngắn: Say nắng

Truyện ngắn “Say nắng” của Đặng Nguyễn Sơn đăng trên báo Văn nghệ Công an ngày 22/5/2013.

Truyện ngắn: Say nắng

Truyện ngắn: Say nắng

Truyện ngắn “Say nắng” của Đặng Nguyễn Sơn đăng trên báo Văn nghệ Công an ngày 22/5/2013.