Gia Lai: Học sinh vẫn phải bơi qua sông để học chữ

(VOV) - Gia Lai mùa này nước dâng rất lớn, dòng nước chảy siết nhưng gần 40 em học sinh dân tộc Ba Na vẫn phải bơi qua sông để học chữ…

Năm học mới đã đến, học sinh cả nước nô nức đến trường. Thế nhưng có một thực tế buồn là  gần 40 em học sinh dân tộc Ba Na ở 3 làng Biên, Kia 1 và Kia 2 của xã An Trung, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai hàng tuần phải bơi hoặc lội qua con sông Ba để đến trường. Nguy hiểm luôn rình rập và thảm họa có thể xảy ra với các em bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa nước lũ.


Học sinh và người dân làng 3 làng Biên, Kia 1, Kia 2 phải lội hoặc bơi qua sông Ba


Thương trò, các thầy cô trong trường đã chắt góp từng đồng lương để cho các em ở lại trường nuôi ăn ở như hình thức nội trú, hạn chế việc các em phải lội sông. Con đường để tiếp cận cái chữ của các em học sinh nơi đây còn gặp muôn vàn khó khăn.

Các làng Biên, Kia 1 và Kia 2 cách trung tâm tỉnh Gia Lai hơn 100km về phía Đông. Con sông Ba – một trong hai con sông lớn nhất tỉnh Gia Lai mùa này nước dâng rất lớn, dòng nước chảy siết.

Để đến được trường học ở trung tâm xã thì gần 40 em học sinh cấp hai của 3 làng buộc phải vượt sông. Mặc dù đoạn sông này cũng có vài con thuyền độc mộc dùng để chở khách tuy nhiên do nhà nghèo, không có tiền nên tất cả các em đều phải chọn giải pháp bơi qua sông. Chiếc túi nilon và chiếc áo mưa dùng để bọc quần áo, sách vở cho khỏi ướt đã trở thành dụng cụ không thể thiếu của các em mỗi lần vượt sông như thế.

Mặc dù chưa xảy ra trường hợp nào học sinh bị nước cuốn, nhưng không thể dám chắc rằng chuyện đau lòng  sẽ không xảy ra. Em Đinh Thị Nớc, học sinh lớp 7B, Trường Trung học cơ sở Kpă Klơng, ở làng Kia 2 nói về nỗi lo của em mỗi khi vượt sông: “Đường thì xa, qua sông nước lớn làm em sợ. Em rất mong có một cây cầu để đi về nhà dễ dàng”.

Trước đây, học sinh cấp 2 ở các làng Biên, Kia 1 và Kia 2 hàng ngày đều phải lội qua sông (vào mùa khô) và bơi qua sông (vào mùa mưa) như vậy để đến trường học.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do thấy quá nguy hiểm, nên các thầy cô ở Trường Trung học cơ sở Kpă Klơng, xã An Trung – nơi các em học đã quyết định chắt góp từng đồng lương để nuôi các em ăn học như hình thức nội trú.

Giảm số lần vượt sông của các em từ 2 lần mỗi ngày xuống chỉ còn 2 lần mỗi tuần, vào chiều thứ 7 và sáng thứ 2. Ở lại trường, dù còn nhiều thiếu thốn song các em đều thấy vui vì được thầy cô chăm sóc chu đáo.

Em Đinh Thị Chích học sinh lớp 7B, Trường Trung học cơ sở Kpă Klơng, ở làng Kia 1 cho biết: “Em thường xuyên phải bơi qua sông vào thứ 7 và thứ 2. Em cảm ơn các thầy cô nhiều vì học ở đây em được chăm sóc chu đáo”.

Thầy Nguyễn Đức Lực, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kpă Klơng, xã An Trung cho biết, vì thương trò, sợ ảnh hưởng đến tính mạng và việc học, kiến thức của các em nên thầy cô trong trường quyết định giữ các em ở lại nuôi ăn ở. Tuy nhiên, việc nuôi các em là hết sức khó khăn vì trường chưa được thành lập bán trú hay nội trú. Ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ với khoản tiền ít ỏi 70.000 đồng/tháng/học sinh thì các em không được hỗ trợ gì thêm. Khoản tiền này cũng chỉ đủ để các em mua sách vở, đồ dùng học tập. Gia đình các em đều nghèo khó, mỗi tháng góp được vài cân gạo. Còn lại các em đi làm thêm và các thầy cô trong trường phải chắt góp một phần đồng lương để nuôi trò, đôi khi phải mua gạo nợ, phải đi xin của người dân, doanh nghiệp, chính quyền xã để có thể có cơm ăn, giữ các em ở lại trường.

Thầy Nguyễn Đức Lực nghẹn ngào: “Do hoàn cảnh các em đều khó khăn, nếu không mua gạo hỗ trợ các em thì các em bị đói. Mà đói thì các em bỏ về, không đi học nữa. Hiện nay nhà trường chưa thành lập được lớp học bán trú. Chúng tôi rất mong muốn có chế độ cho học sinh ở lại giống như học sinh bán trú để các em có thể trang trải việc học”.

Con thuyền thô sơ này dùng để đưa người qua sông Ba rất nguy hiểm


Trên thực tế, 3 làng Biên, Kia 1 và Kia 2 chỉ cách trung tâm xã An Trung hơn 3km theo đường chim bay. Do cách trở bởi sông Ba nên đi đường vòng phải mất hơn 40km mới tới được trung tâm xã. Cũng vì cách trở, mà hầu hết 350 hộ dân ở 3 làng là hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã An Trung cho biết, trước đây cũng đã có lần huyện đề cập làm cây cầu bắc qua sông Ba cho bà con. Tuy nhiên, do kinh phí quá lớn khiến ước mơ về cây cầu của người dân chưa thể thành hiện thực. “UBND xã cũng như các ban ngành đoàn thể xã cũng như bà con nơi đây có nguyện vọng có một cây cầu bắc qua sông Ba, để thuận lợi cho việc đi lại và việc học tập của các em”. Ông Ký nêu kiến nghị.

Mong ước cũng là kiến nghị của người dân, thầy cô giáo và chính quyền xã An Trung là có được cây cầu cho người dân, nhất là học sinh ở 3 làng Biên, Kia 1 và Kia 2 khắc phục được những khó khăn. Tuy nhiên, nếu có thì cũng còn rất lâu cây cầu qua sông Ba mới trở thành hiện thực. Vì vậy, trước hết cần có chính sách để hỗ trợ cho học sinh ở 3 làng yên tâm học tập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bơi qua sông, 1 thanh niên chết đuối
Bơi qua sông, 1 thanh niên chết đuối

Khoảng 6h30’ ngày 15/6, trên địa bàn thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên đã xảy ra vụ chết nước thương tâm.

Bơi qua sông, 1 thanh niên chết đuối

Bơi qua sông, 1 thanh niên chết đuối

Khoảng 6h30’ ngày 15/6, trên địa bàn thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên đã xảy ra vụ chết nước thương tâm.

Thót tim ngồi đò xi măng qua sông Sắt
Thót tim ngồi đò xi măng qua sông Sắt

Mỗi lần sang sông, chiếc đò lại dập dềnh chao đảo khiến hầu hết những người ngồi đò qua đây đều thót tim.

Thót tim ngồi đò xi măng qua sông Sắt

Thót tim ngồi đò xi măng qua sông Sắt

Mỗi lần sang sông, chiếc đò lại dập dềnh chao đảo khiến hầu hết những người ngồi đò qua đây đều thót tim.

Bơi qua sông làm thuê, bị nước cuốn trôi
Bơi qua sông làm thuê, bị nước cuốn trôi

Ngày 15/6, anh Đặng Hữu Nhanh, 28 tuổi (Hoà Thắng, Phú Hoà), trong lúc bơi qua sông Ba bị đuối nước, tử vong.  

Bơi qua sông làm thuê, bị nước cuốn trôi

Bơi qua sông làm thuê, bị nước cuốn trôi

Ngày 15/6, anh Đặng Hữu Nhanh, 28 tuổi (Hoà Thắng, Phú Hoà), trong lúc bơi qua sông Ba bị đuối nước, tử vong.  

Đưa bạn qua sông, chết đuối bí ẩn
Đưa bạn qua sông, chết đuối bí ẩn

Sau cuộc nhậu, nạn nhân bơi thuyền đưa người bạn về nhà nhưng sau 1 ngày lại thấy xác nổi trên sông.

Đưa bạn qua sông, chết đuối bí ẩn

Đưa bạn qua sông, chết đuối bí ẩn

Sau cuộc nhậu, nạn nhân bơi thuyền đưa người bạn về nhà nhưng sau 1 ngày lại thấy xác nổi trên sông.