Bảo vệ người thi hành công vụ bằng cách nào?

Những kẻ ngăn cản, chống đối người thi hành công vụ chắc chắn bị trừng trị. Nhưng việc bảo vệ người thi hành công vụ cũng là vấn đề đáng bàn hơn lúc nào hết.

Dù vài trăm cảnh sát thuộc lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cùng các lực lượng quân đội, bộ đội biên phòng… bao vây, thuyết phục ông Đào Văn Vươn (52 tuổi ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bỏ vũ khí, chấp hành việc cưỡng chế, nhưng đối tượng này cùng người thân vẫn cố thủ, cài bom, nổ súng hoa cải làm 4 cảnh sát và 2 cán bộ huyện đội bị trọng thương; trong đó có Trưởng công an huyện Tiên Lãng… Tính chất vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng và công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án.

Theo thống kê, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 400 vụ chống người thi hành công vụ. Con số này cho thấy, hành vi chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Từ vụ một cố gái trẻ ngang nhiên tát cảnh sát giao thông, đến vụ dùng gạch, dao, kiếm và cả súng đã chống đối lại công an làm nhiệm vụ; rồi những vụ tấn công đội kiểm lâm bảo vệ rừng để cướp gỗ lậu khi bị bắt giữ, làm rất nhiều chiến sĩ bị trọng thương, hy sinh…. Những hành động côn đồ này thể hiện thái độ coi thường kỷ cương phép nước của người vi phạm; gây mất trật tự xã hội; làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… cần phải trừng trị thích đáng.

Qua phân tích những vụ chống đối người thi hành công vụ cho thấy: Về phía người chống đối, đa phần đều xuất phát từ những hành động không có ý thức, thiếu kiểm soát về hành vi cá nhân, bảo vệ sự sai trái cá nhân và sẵn sàng kháng cự lại lực lượng người thi hành công vụ bằng mọi biện pháp.

Lực lượng làm nhiệm vụ trong Vụ xả súng ở Tiên Lãng - Hải Phòng.

Trở lại vụ ở Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây là một ví dụ. Ông Vươn và người thân cố thủ trong nhà, không chịu đầu hàng cũng với lý do bảo vệ bằng được mảnh đất thuê của Nhà nước mà gia đình ông coi là “miếng cơm, manh áo” bao nhiêu năm nay. Họ không cần biết đúng sai ra sao, nhưng nếu ai động vào lợi ích của họ thì họ sẵn sàng chống đối bằng bất cứ giá nào.

Về phía người thi hành công vụ, do thái độ ứng xử chưa đúng mực của một số cán bộ trong thi hành công vụ và xử lý vụ việc cụ thể, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến tranh chấp đất đai, khiếu kiện lâu năm mà chưa giải quyết được dứt điểm…

Trong khi đó, hiện nay, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của người thi hành công vụ rất hạn chế. Lực lượng kiểm lâm khi tuần tra rừng vẫn đang trong tình trạng đe dọa khi đối mặt với tội phạm phá rừng được trang bị nhiều vũ khí nguy hiểm. Lực lượng công an nhân dân truy bắt tội phạm tuy được trang bị súng nhưng chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và bọn tội phạm thì lại chuẩn bị hàng “nóng” và sẵn sàng liều lĩnh đe dọa tính mạng của các chiến sĩ công an bất kì lúc nào...

Quy định của pháp luật về hình sự và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan cũng còn hạn chế, một bộ phận nhân dân nhận thức không đầy đủ hành vi chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính và có thể bị xử lý bằng hình sự….

Để người thi hành công vụ thực hiện tốt được nhiệm vụ, rất cần sự phối hợp từ những người dân. Khi có vụ việc xảy ra, người dân không được chống đối người thi hành công vụ vì đó là hành vi “sai” và “trái” với pháp luật. Ngược lại, những người thi hành pháp luật cần xử trí mềm mỏng, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và không nên truy xét công việc bằng những lời lẽ thiếu tế nhị hay thóa mạ người khác. Nếu những hành vi chống lại người thi hành công vụ vẫn tiếp tục tái diễn và không có sự trừng trị đích đáng thì vô hình chung cuộc sống của người dân trong xã hội đang bị "xuống cấp" về mặt luật pháp và tạo ra những hệ lụy xấu, không đáng có về mặt an ninh.

Chống đối người thi hành công vụ đã và đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Một bộ phận người dân thiếu ý thức, kiến thức pháp luật hạn hẹp khi nhận thức hành vi sai phạm của bản thân. Vậy nên, mỗi người phải tự coi mình là hạt nhân của xã hội, tạo mắt xích vững chắc cho xã hội, bằng cách tự nâng cao hiểu biết pháp luật; giúp sức cho lực lượng người thi hành công vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên