Hà Nội khó thu hồi dự án chây ì không thực hiện?

VOV.VN - Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội đánh giá, việc triển khai kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại, hạn chế.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội sáng (9/7), ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, danh mục các dự án có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai gồm 544 dự án.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông.

Từ tháng 7/2018 đến 31/5/2019, Sở TN-MT đã triển khai 21 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.

Sở TN-MT đã ban hành kết luận tranh tra kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý đối với 304 dự án. Trong đó, 24 dự án với tổng diện tích hơn 1.552 ha đất được kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; 23 dự án (35,4 ha đất) chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuế đất đối với thời gian gia hạn; 81 dự án (225,6 ha đất); đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm hoặc tiếp tục giám sát quản lý, sử dụng đất theo quy định…

Trong 379 dự án thanh tra, kiểm tra, trong thời gian tiến hành thanh tra, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là 16.340 tỷ đồng, trong đó số tiền sử dụng đất còn phải nộp là 2.276 tỷ đồng.

Về công tác thu hồi đất đối với các dự án đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất để quản lý, sử dụng theo quy định (từ tháng 10/2012 đến 31/3/2018), UBND thành phố ban hành 38 quyết định thu hồi đất vi phạm với tổng diện tích 990,4 ha. Từ 31/3/2018 đến 5/2019, Sở TN-MT đã lập hồ sơ, trình UBND thành phố ban hành 10 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuế đất với tổng diện tích 285 ha đất; tiếp tục trình UBND thành phố thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuế đất đối với 14 dự án với diện tích hơn 1.267 ha.

Cưỡng chế dự án có quyết định thu hồi

Tại cuộc họp này, các đại biểu đã chất vấn việc rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm. Đến nay, 2 Sở báo cáo đã dừng được 40/47 dự án, các đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân và bao giờ thực hiện xong việc dừng thực hiện đối với các dự án còn lại này?

Đại biểu chất vấn.

Theo đại biểu, hiện 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4 ha, tuy nhiên cho đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Đề nghị Giám đốc Sở TN-MT cho biết kế hoạch xử lý của UBND TP đối với 18 dự án này thế nào?

Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Sở KH-ĐT được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo giải trình, trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh, giao Sở TN-MT chủ trì; còn 39 dự án giao Sở rà soát và tham mưu, xử lý. Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND TP, có hướng xử lý.

Qua quá trình rà soát, có dự án có tính pháp lý chưa đủ, một số sở ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo. Việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sát đất đai, quy hoạch, chính sách GPMB.

Theo ông Quyền, để chấm dứt hoạt động của dự án, cũng cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi, bởi một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra, có dự án chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng.

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, về 18 dự án vi phạm (như tại Ba Đình, Phú Xuyên, Hoài Đức…) mà TP đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi nhà nước thu hồi đất, khi rà soát lại cho thấy: Các trường hợp này chậm thực hiện GPMB, các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng GPMB quận huyện tiến hành GPMB, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng…

Trước đây theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp nào có quyết định thu hồi đất thì cấp đó ra quyết định cưỡng chế, gây khó khăn cho các quận huyện trong tổ chức cưỡng chế vì việc ký quyết định cưỡng chế thuộc UBND TP. Đến 2017, Nghị định 01 của Chính phủ có quy định mới là việc ra quyết định này thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện. Nên, Sở kiến nghị các quận huyên tổ chức GPMB với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Với việc xác định nghĩa vụ tài chính với các dự án, Sở đã thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền. Còn 3 dự án gồm: Bãi đỗ xe công cộng ở Phùng Khoang, đang đôn đốc GPMB; với dự án Công ty CP lắp máy ở Phú Thượng và dự án ở 275 Nguyễn Trãi (Công ty Hưng Việt), Sở đã thuê tư vấn, trong tuần tới sẽ triển khai.

Nhiều doanh nghiệp có nợ khó thu

Trả lời những nội dung chất vấn với các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết: Liên quan đến 80 dự án đã giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch. Trong đó có 21 dự án đã hoàn chỉnh nghĩa vụ tài chính, 59 dự án nợ tiền thuê đất. Đến nay chỉ còn 4 dự án nợ tiền thuê đất.

Đối với 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, TP đã có văn bản chỉ đạo Cục Thuế phối hợp với các sở ngành liên quan, phân loại các dự án này để có những biện pháp xử lý cụ thể. Qua đó, có 27 dự án thuộc nhóm có nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp với tổng nợ 1.963 tỷ. Trong đó có nhóm nợ khó thu, có vi phạm pháp luật; và nhóm nợ chờ xử lý.

Nhóm dự án có khả năng thu là 20 dự án với 1.264 tỷ đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của Cục, thực tế là rất khó thu bởi có những doanh nghiệp có tuổi nợ lên đến 10 năm.

Một nhóm nữa là nhóm nợ chưa triển khai được gồm 3 dự án. Đến nay, tổng nợ trên khả năng dự toán là 5,3%.

 “Cục sẽ hoàn thành mục tiêu đưa số nợ thuế dưới 5% trong năm nay, cùng với đó tiếp tục duy trì các biện pháp công khai…” – Cục trưởng Cục Thuế nhấn mạnh.

Chủ đầu tư không hợp tác điều chỉnh quy hoạch

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận định, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm điều chỉnh các dự án. Trước tiên là do thay đổi, điều chỉnh quy hoạch chung và các phân khu trên địa bàn TP dẫn đến một số dự án không phù hợp quy hoạch thực tế. Bên cạnh đó, do Luật quy hoạch thay đổi, bỏ cấp phép quy hoạch, dẫn đến một số dự án bị chậm.

Ông Nguyễn Trúc Anh đánh giá, lý do chủ yếu dẫn đến chậm điều chỉnh quy hoạch là năng lực của chủ đầu tư kém, hoặc không hợp tác với Sở để thực hiện điều chỉnh.

 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng tiếp thu 16 câu hỏi đã nêu chất vấn và sẽ giao cho các sở ngành để trả lời, xử lý. Thời gian qua, TP đã thu hồi 24 dự án với diện tích khoảng 1.500 ha; truy thu 80 dự án có sự điều chỉnh để thu về ngân sách hơn 1.000 tỷ.

Về hướng xử lý, “TP sẽ tập trung mục tiêu cao nhất là đưa các diện tích đất mà nhà nước đã phê duyệt đưa vào sử dụng, đảm bảo quyền lợi cao nhất quyền lợi của Nhân dân, của doanh nghiệp, rồi sau cùng mới là lợi ích của Nhà nước, trên tinh thần chỉ đạo tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Đồng thời cũng cương quyết thu lại những dự án mà doanh nhiệp chây ì không thực hiện, vi phạm những quy định của Luật Đất đai nhưng không khắc phục” ông Hùng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội xin thêm 498.200 triệu đồng vốn ngân sách cho 184 dự án
Hà Nội xin thêm 498.200 triệu đồng vốn ngân sách cho 184 dự án

VOV.VN -UBND Thành phố Hà Nội đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 với tổng kinh phí tăng thêm 498.200 triệu đồng đối với 184 dự án

Hà Nội xin thêm 498.200 triệu đồng vốn ngân sách cho 184 dự án

Hà Nội xin thêm 498.200 triệu đồng vốn ngân sách cho 184 dự án

VOV.VN -UBND Thành phố Hà Nội đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 với tổng kinh phí tăng thêm 498.200 triệu đồng đối với 184 dự án